Hà Nội: Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý chất thải tại cơ sở y tế
PGS. TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế phát biểu chủ trì hội nghị
Bài liên quan
Quản lý chặt chẽ chất thải y tế nguy hại tại các cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội
Không ghi nhận ca mắc mới, Việt Nam chỉ còn 15 bệnh nhân dương tính với Covid-19
Phát hiện 1 thủy thủ người Myanmar mắc Covid-19 đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh
Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp
Theo báo cáo tại Hội nghị, hiện nay Sở Y tế Hà Nội quản lý khối y tế công lập gồm 41 bệnh viện và 30 trung tâm y tế. Ngoài công lập, trên địa bàn thành phố có 35 bệnh viện, 2.902 phòng khám chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế, 774 cơ sở hành nghề y học cổ truyền; 46 bệnh viện Trung ương và Bộ, ngành.
Thành phố phát sinh một lượng lớn chất thải y tế với tổng số chất thải rắn là 26.531kg/ngày, gồm 7.457kg/ngày đối với chất thải rắn nguy hại và 19.074kg/ngày đối với chất thải rắn thông thường. Ngoài ra, tổng số phát sinh chất thải lỏng ước tính là 10.443m3/ngày.
Trong 6 tháng đầu năm, Sở Y tế Hà Nội đã chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ y tế thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn; Tổ chức 3 buổi tập huấn trực tuyến về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn cho 3.000 cán bộ tại các cơ sở y tế tham gia; 2 buổi tập huấn trực tiếp về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn cho 550 cán bộ làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý chất thải tại cơ sở y tế.
Các cơ sở y tế tiếp tục tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế tại cơ sở theo hướng dẫn của Sở Y tế; Kết hợp tập huấn với tuyên truyền các biện pháp phòng hộ cá nhân, vệ sinh bàn tay cho cán bộ y tế và người bệnh, người nhà người bệnh tại cơ sở y tế.
Về hoạt động kiểm tra, giám sát, trong 6 tháng đầu năm, Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra 98 cơ sở y tế trong và ngoài công lập về kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý chất thải y tế.
Qua kiểm tra cho thấy, 100% các bệnh viện, trung tâm y tế thực hiện xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo mô hình tập trung, ký hợp đồng với các công ty có đủ thẩm quyền vận chuyển và xử lý chất thải y tế.
Các cơ sở đều có nơi lưu giữ chất thải và có đầy đủ sổ giao nhận chất thải với đơn vị xử lý chất thải theo quy định. Tuy nhiên, một số bệnh viện có hệ thống xử lý chất thải lỏng đã xuống cấp, không đáp ứng các tiêu chuẩn quy định, một số trạm y tế hiện còn chưa có hệ thống xử lý chất thải lỏng cần được đầu tư.
Phát biểu tại Hội nghị, PGS. TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, công tác quản lý chất thải y tế và kiểm soát nhiễm khuẩn có vai trò hết sức quan trọng được ngành y tế ưu tiên thực hiện.
Đặc biệt, từ năm 2019, khi cơ quan kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán về công tác quản lý chất thải y tế trên địa bàn thành phố, Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị y tế trên địa bàn đảm bảo thực hiện đúng quy định về quản lý chất thải y tế của liên Bộ Y tế - Bộ Tài nguyên và Môi trường và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế; Chủ động phối hợp với các bệnh viện Trung ương, bộ, ngành đóng trên địa bàn thực hiện tốt hoạt động quản lý chất thải y tế; Tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí, từng bước đầu tư xây dựng hệ thống quản lý chất thải y tế cho các cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế quản lý.
Trong thời gian tới, để công tác quản lý chất thải y tế, kiểm soát nhiễm khuẩn đạt hiệu quả hơn, PGS. TS Hoàng Đức Hạnh đề nghị các đơn vị cần phân công rõ trách nhiệm của lãnh đạo, của trưởng các khoa, phòng và cá nhân trong công tác quản lý chất thải y tế; Đồng thời bố trí đủ nguồn lực để thu gom, xử lý chất thải y tế theo quy định, thường xuyên tự kiểm tra, giám sát việc quản lý chất thải tại đơn vị. Đối với người bệnh, người nhà bệnh nhân, các cơ sở cần tuyên truyền tuân thủ việc phân loại rác, bỏ rác đúng nơi quy định, việc vệ sinh bàn tay để phòng chống nhiễm khuẩn tại cơ sở y tế.