Hà Nội tập trung xóa bỏ các điểm tập kết rác gây ô nhiễm
Cuộc sống người dân bị ảnh hưởng vì rác thải
Từ nhiều năm nay, người dân phố Thanh Đàm, phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai) phải sống chung với ô nhiễm phát sinh từ một điểm tập kết rác ngay cạnh đường, đoạn nối sang khu chung cư Vĩnh Hưng.
Tại đây thường xuyên có những thùng chứa rác thải và nhiều đống rác tràn xuống lòng đường. Rác sau khi thu gom không được di chuyển ra khỏi khu vực kịp thời mà lưu cữu từ ngày này sang ngày khác. Những khi thời tiết nắng hay có gió, mùi hôi từ rác nồng nặc trong không khí, bao phủ khu dân cư. Thêm vào đó, việc đốt rác khiến tình trạng ô nhiễm càng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân nơi này.
Tương tự, đã từ lâu, người dân ở ngõ 27, phố Bùi Ngọc Dương, phường Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) luôn phải chung sống với tình trạng môi trường ô nhiễm nặng do mùi hôi thối, xú uế từ bãi rác tự phát hình thành trên lối đi của ngõ.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội còn xuất hiện nhiều điểm tập kết rác gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và cảnh quan đô thị |
Bãi rác này xuất hiện cách đây khoảng 7 năm. Nguyên nhân do khu vực này có nhiều công trình xây dựng, không muốn mất tiền di chuyển vật liệu hỏng sau khi hoàn thiện công trình, các đơn vị thầu đã cho công nhân lợi dụng đêm tối mang gạch, cát, cốp pha… ra vứt tại điểm này. Theo người dân ở đây cho biết, do lưu cữu lâu ngày không được xử lý nên người dân sống trong khu vực và các đối tượng vận chuyển phế thải đã mang đến đây đổ trộm ngày càng nhiều.
Vì không chịu nổi mùi rác thải trong không khí, thỉnh thoảng người dân sống liền kề với bãi rác phải châm lửa đốt. Chỉ vài ngày sau, rác lại “chất cao như núi”, ngày nắng cũng như ngày mưa liên tục bốc mùi nồng nặc.
Để giải tỏa bãi giác tự phát này, UBND phường Bạch Mai đã thuê phương tiện di dời, đặt biển cấm tại khu vực, nhưng một số hộ dân thiếu ý thức vẫn đem các loại rác thải đến đây đổ.
Tại quận Long Biên, đoạn đường dài khoảng 100m, ở đầu ngõ 565, đường Bát Khối, phường Thạch Bàn (quận Long Biên) thường xuyên tồn tại nhiều rác, phế thải. Ngay tại vị trí này, UBND phường Thạch Bàn đã đặt một tấm biển ghi rõ “Khu vực nghiêm cấm đổ rác, phế thải, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”.
Rác thải sinh hoạt ùn ứ, chất thành đống ven nhiều tuyến phố ở nội thành Hà Nội gây ô nhiễm môi trường |
Tuy nhiên, trên thực tế, tấm biển này không có tác dụng. Những đống rác đủ loại từ rác thải sinh hoạt cho đến chất thải rắn, dụng cụ gia đình hư hỏng... được chất cao, tràn xuống đường, rất mất vệ sinh. Người dân ở đây thấy rác lưu cữu, không có cơ quan nào thu dọn đành phải dùng biện pháp tạm thời là đốt để giảm thiểu lượng rác.
Tuy nhiên, việc làm này khiến khói bay mù mịt, gây ô nhiễm môi trường. Được biết, nơi đây từng là vị trí tập kết rác thải của một đơn môi trường nhưng vì rác và phế thải không được di chuyển hết ra khỏi khu vực trong ngày nên trở thành nơi đổ rác của một số người dân thiếu ý thức.
Cần sự vào cuộc quyết liệt của các ban ngành
Tình trạng các bãi rác thải tự phát tại nhiều địa bàn khu dân cư đã xuất hiện từ nhiều năm nay. Không chỉ có rác thải sinh hoạt, bãi rác này còn chứa rất nhiều các loại chất thải rắn, phế thải xây dựng, bàn ghế hỏng, chăn màn, nệm, chiếu cũ rách... lưu cữu, chất đống, bốc mùi nồng nặc, ruồi muỗi bu đầy rất mất vệ sinh. Thực trạng này kéo dài đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh.
Bà Trần Thị Thúy, ở Bát Khối, phường Thạch Bàn (quận Long Biên) bức xúc: “Chúng tôi sống cạnh bãi rác này nên thường xuyên phải hít thở không khí ô nhiễm, lúc nào cũng cảm thấy rất khó thở. Rác lưu cữu lâu năm thành nơi trú ngụ, sinh sôi của rất nhiều ruồi muỗi, côn trùng và chúng xâm nhập vào khu nhà ở của hàng trăm hộ dân. Nhiều hôm, một số người đã châm lửa đốt, khói bụi trộn lẫn mùi phế thải bốc lên khiến chúng tôi rất khổ sở”.
Cơ quan chức năng liên quan cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc di dời điểm tập kết rác này để thuận tiện cho việc quản lý, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan đô thị và bảo vệ sức khỏe của Nhân dân |
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thanh, người dân thường đi qua đoạn đường này mỗi ngày cho biết, khi trời nắng thì khu vực này ngập trong mùi rác nồng nặc còn những hôm trời mưa, nước từ bãi rác chảy ra làm đường trơn, đi lại rất nguy hiểm.
Thực tế là người dân đang sinh sống tại các khu vực gần điểm tập kết rác thải ngày càng phải sống chung với ô nhiễm từ rác thải với rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe. Vì vậy, đề nghị chính quyền các địa phương sớm thực hiện những biện pháp quyết liệt hơn, trong đó có việc tăng cường tuần tra để phát hiện, xử lý các vi phạm về đổ rác trộm, đổ rác không đúng nơi quy định; Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc di dời điểm tập kết rác này để thuận tiện cho việc quản lý, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan đô thị và bảo vệ sức khỏe của Nhân dân.
Theo quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có tới 17 khu xử lý chất thải có xử lý chất thải sinh hoạt, trong đó có 8 khu hiện hữu được nâng cấp, mở rộng và 9 khu đầu tư mới. Tuy nhiên, tiến trình này cần được đẩy nhanh kết hợp giữa việc áp dụng công nghệ xử lý rác hiện đại để đáp ứng sự phát triển của Thủ đô.