Hình thành thế hệ nông dân mới có năng lực quản lý và kỹ năng sản xuất chuyên nghiệp
Nông dân Thủ đô nâng cao thu nhập nhờ chuyển đổi cây trồng Ứng dụng trên điện thoại thông minh hỗ trợ bà con nông dân vượt “bão” Covid-19 |
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Dự buổi lễ về phía Trung ương có đồng chí Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Về phía Hà Nội, có các đồng chí: Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố.
Tôn vinh những nông dân xuất sắc
Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa cho biết, đến ngày 30/9/2021, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn thành phố đã thành lập được 110 chi hội Nông dân nghề nghiệp với 2.310 hội viên tham gia; 1.923 Tổ hội Nông dân nghề nghiệp với 11.076 hội viên tham gia. Trong đó, 9 tháng năm 2021, các cơ sở Hội đã thành lập mới 39 Chi hội Nông dân nghề nghiệp với 819 thành viên, 598 Tổ hội Nông dân nghề nghiệp với 1.196 thành viên.
Nhiều chi hội, tổ hội Nông dân nghề nghiệp hoạt động có hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập cao cho hộ nông dân; tham gia tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ... cho nông dân. Tiêu biểu như: Chi hội Nghề nghiệp sản xuất Miến dong Minh Hồng, xã Minh Quang (huyện Ba Vì); Chi hội Chăn nuôi bò Sóc Sơn; Chi hội Nông dân nghề nghiệp Mộc dân dụng xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai)...
Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã hỗ trợ các chi hội, tổ hội Nông dân nghề nghiệp thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động có hiệu quả; Phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã từ chi, tổ hội Nông dân nghề nghiệp, điển hình như: Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn; Hợp tác xã Bưởi Núi Bé, xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ).
Hội Nông dân thành phố Hà Nội cũng đã tổ chức 1.275 buổi tập huấn khoa học kỹ thuật cho 125.226 lượt cán bộ hội viên nông dân; Tập huấn bồi dưỡng về phát triển kinh tế thị trường, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp... cho 4.235 hội viên nông dân.
Thực hiện chương trình "Nghĩa tình nông dân - Đoàn kết và sẻ chia", trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Hội Nông dân thành phố đã vận động cán bộ, hội viên nông dân ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 với số tiền hơn 5,16 tỷ đồng; Ủng hộ Quỹ vắc xin hơn 5,89 tỷ đồng. Hội Nông dân các huyện, thị xã tích cực vận động cán bộ Hội, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, các mạnh thường quân ủng hộ kinh phí, nhu yếu phẩm trị giá hơn 12 tỷ đồng ủng hộ các lực lượng tuyến đầu chống dịch, các khu vực bị phong tỏa, cách ly...
Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa phát biểu tại hội nghị |
Nông dân Thủ đô năng động, sáng tạo, hăng hái lao động sản xuất
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, Thường trực Thành ủy ghi nhận và đánh giá cao những kết quả Hội Nông dân các cấp và đông đảo hội viên nông dân Thủ đô đã đạt được; Đồng thời, chúc mừng những tấm gương "Nông dân Thủ đô xuất sắc" và các "Chi hội Nông dân nghề nghiệp tiêu biểu" được tôn vinh, biểu dương.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến nhận xét, những năm qua, công tác xây dựng Hội tiếp tục được củng cố và nâng cao chất lượng; Các cấp Hội đã động viên cán bộ, hội viên, nông dân khắc phục mọi khó khăn, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, hăng hái lao động sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, tham gia xây dựng Nông thôn mới.
Các cấp Hội đã tổ chức tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động; Huy động mọi nguồn lực hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật, trợ giúp pháp lý; Làm tốt công tác xã hội, giúp đỡ các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn...
Điển hình là phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", là phong trào nòng cốt trong phát triển kinh tế nông nghiệp của Thủ đô. Từ phong trào đã dần hình thành các vùng sản xuất theo định hướng sản xuất hàng hóa, đến nay, Hà Nội đã xây dựng 752 mô hình kinh tế tập thể với 19.269 hộ tham gia, phát triển 8.294 mô hình kinh tế hộ với 25.876 lao động.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát trở lại, diễn biến rất phức tạp và ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội. Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", các cấp Hội đã vận động gần 4.000 cán bộ, hội viên tham gia trực tại các chốt phòng dịch; Hơn 5.200 người tham gia các Tổ Covid-19 cộng đồng; Hơn 4.200 người tham gia các tổ tuần tra, giám sát ở các thôn, xóm và hơn 1.600 người tham gia công tác tuyên truyền qua các nhóm Zalo, Fanpage ở cơ sở.
Hội cũng đã huy động được nguồn kinh phí đóng góp rất lớn từ cán bộ, hội viên, nông dân ủng hộ các Quỹ phòng, chống Covid-19, quỹ vắc xin, ủng hộ nông sản cho các quận nội thành trong thời gian giãn cách xã hội...
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam trao Bằng khen cho các hội viên nông dân có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh năm 2021 |
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với hàng loạt những đột phá về khoa học và tiến bộ công nghệ, tạo ra cả những cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn, giai cấp nông dân và tổ chức Hội Nông dân trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân thành phố cần chủ động tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện mục tiêu kép "Vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa khôi phục sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nông thôn".
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Phạm Hải Hoa trao Bằng khen cho các chi hội nông dân tiêu biểu |
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ yêu cầu, hội cần tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua và các cuộc vận động của Hội, đặc biệt là nâng cao chất lượng phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", cuộc vận động "Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, tiêu dùng và bán ra thị trường các sản phẩm nông nghiệp an toàn" và cuộc vận động xây dựng người nông dân Hà Nội "Thanh lịch - Văn minh"; Tập trung vận động, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị.
Hội cần đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ trên kênh phân phối hiện đại và bền vững thông qua nền tảng số, giúp nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Các cấp Hội Nông dân phối hợp với các cấp, các ngành và cơ quan, doanh nghiệp, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân tích cực tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn; thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phối hợp trong công tác dạy nghề, đào tạo nghề phù hợp nhằm nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh của nông dân...
Từ đó, hình thành thế hệ người nông dân mới có năng lực quản lý và kỹ năng sản xuất chuyên nghiệp, đáp ứng ngày càng cao của thị trường, thực hiện ngày càng tốt vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới.