Hà Nội thành lập, đặt tên 43 thôn, tổ dân phố mới thuộc 8 quận, huyện
Nghị quyết thông qua việc thành lập, đặt tên 43 thôn, tổ dân phố mới thuộc 8 quận, huyện trên địa bàn thành phố năm 2022.
Quang cảnh kỳ họp |
Cụ thể, thành lập các tổ dân phố mới tại các quận, huyện: Thanh Xuân (1 tổ dân phố); Hà Đông (9 tổ dân phố); Hai Bà Trưng (1 tổ dân phố); Long Biên (3 tổ dân phố); Hoàng Mai (8 tổ dân phố); Nam Từ Liêm (10 tổ dân phố); Thanh Trì (5 tổ dân phố); Mỹ Đức (6 tổ dân phố).
Ngoài ra, Nghị quyết cũng thông qua việc đổi tên 16 thôn, tổ dân phố thuộc 2 quận, thị xã. Cụ thể, quận Thanh Xuân đổi tên 15 tổ dân phố; Thị xã Sơn Tây đổi tên 1 thôn.
Trước đó, trình bày Tờ trình của UBND TP Hà Nội, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cho biết, sau khi triển khai thực hiện đề án kiện toàn thôn, tổ dân phố vào các năm 2019, 2020, toàn TP Hà Nội hiện có 5.393 thôn, tổ dân phố (bao gồm 2.359 thôn và 3.034 tổ dân phố).
Các thôn, tổ dân phố sau khi được kiện toàn có quy mô hợp lý, phù hợp với đặc điểm của địa phương; Hoạt động ổn định, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý của chính quyền và hoạt động tự quản của cộng đồng dân cư tại địa phương. Sau khi thực hiện việc kiện toàn, toàn TP có 5.430 thôn, tổ dân phố (2.363 thôn, 3.067 tổ dân phố).
Báo cáo thẩm tra tờ trình và dự thảo Nghị quyết về việc đề nghị thành lập, đặt tên thôn,tổ dân phố mới và đổi tên thôn, tổ dân phố thuộc các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội năm 2022 của Ban Pháp chế HĐND TP cho biết, qua khảo sát thực tế cho thấy, do tốc độ đô thị hóa cao tại địa bàn một số quận, huyện thuộc thành phố hình thành các khu đô thị mới, các tòa nhà cao tầng, các cụm tòa nhà cao tầng được đưa vào sử dụng với quy mô số hộ gia đình lớn.
Bên cạnh đó việc tăng dân số cơ học dẫn đến quy mô số hộ gia đình tại các thôn, tổ dân phố hiện có tăng cao... Vì vậy đặt ra yêu cầu phải thành lập mới tổ dân phố từ các khu dân cư mới hình thành và chia tách các thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình lớn để thành lập thôn, tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình phù hợp phục vụ công tác quản lý Nhà nước của chính quyền các địa phương và yêu cầu tự quản của cộng đồng dân cư trên địa bàn TP.