Hà Nội triển khai hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Theo đó, công văn số 106/KH-UBND ngày 9/5/2018 về kế hoạch triển khai thi hành Luật hỗ trợ DNNVV trên địa bàn Thủ đô vừa được UBND Thành phố ban hành. Qua đó, UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các hiệp hội doanh nghiệp tích cực đẩy mạnh triển khai đồng bộ, hiệu quả các nội dung hỗ trợ DNNVV quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Công tác hỗ trợ DNNVV cần đảm bảo công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, đối tượng, nội dung, trình tự, thủ tục theo quy định… nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DNNVV trên địa bàn Thành phố; tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, ổn định để các DNNVV hoạt động, phát triển đóng góp ngày càng cao cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Thành phố sẽ cân đối các nguồn lực hỗ trợ cho các DNNVV đảm bảo hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, Thành phố ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực tiềm năng và lợi thế của Thủ đô; huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội tham gia hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các DNNVV trên địa bàn Thành phố; cải thiện căn bản, tạo chuyển biến mạnh mẽ các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh hiện hành...
Để triển khai hướng dẫn thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV, nhất là tháo gỡ khó khăn cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo trong việc tiếp cận tín dụng, UBND Thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các Sở, Ban, ngành liên quan; UBND các quận, huyện thị xã; các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cập nhật, nghiên cứu triển khai các chính sách của Chính phủ và Thành phố về hỗ trợ tiếp cận tín dụng, thuế, kế toán và mặt bằng sản xuất; hỗ trợ công nghệ, cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; hỗ trợ thông tin tư vấn pháp lý, mở rộng thị trường và phát triển nguồn nhân lực… đối với các DNNVV, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trên địa bàn Thành phố.
Theo thống kê của Hiệp hội DNNVV, hiện nước ta có gần 600.000 doanh nghiệp loại hình này, chiếm khoảng 97,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động thực tế. Tổng số vốn đăng ký của các DNNVV xấp xỉ 121 tỷ đôla, chiếm 30% tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp. Hàng năm các DNNVV đóng góp khoảng 40% GDP; 30% kinh phí nộp Ngân sách Nhà nước, 33% giá trị sản lượng công nghiệp, 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu và thu hút gần 60% lực lượng lao động.
Tuy có số lượng đông đảo, nhưng theo báo cáo của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) thì số doanh nghiệp quy mô vừa chỉ chiếm 1,6% tổng số DNNVV, còn lại số lượng doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ rất lớn. Chính bởi quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nên các doanh nghiệp loại này gặp khá nhiều khó khăn, nhất là không đủ năng lực tài chính để đầu tư vào, máy móc, công nghệ hiện đại...