Hải Dương: Tập trung khắc phục ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi)
Hải Dương: Cẩm Giàng sắp có thêm khu công nghiệp hiện đại rộng 115ha Gần 500.000 học sinh Hải Dương hân hoan tới trường khai giảng Học sinh Hải Dương nghỉ học ngày 7/9 để tránh bão số 3 |
Công tác chuẩn bị, ứng phó với Bão số 3 (Yagi) trước khi đổ bộ vào địa bàn tỉnh đã được triển khai khẩn trương, tích cực. Tỉnh Hải Dương đã tuyên truyền thông tin hướng di chuyển, diễn biến cơn bão để người dân chủ động phòng tránh. Các đơn vị chức năng đã di chuyển gần 2.000 hộ dân yếu thế, người dân ở khu vực nguy hiểm, không bảo đảm đến nơi tránh trú an toàn; hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, tài sản, chặt tỉa cây xanh; tranh thủ mực nước các sông ngoài còn thấp để tiêu tháo nước đệm tự chảy qua các cống dưới đê. Kiểm tra công tác ứng phó và chuẩn bị vật tư, nhân lực…
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương, bão số 3 gây thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, công trình giao thông, hệ thống công trình điện, viễn thông.
Cụ thể, về sản xuất nông nghiệp có khoảng 10.000ha lúa bị đổ; 1.200ha cây rau màu bị dập nát; hơn 600 cây ăn quả bị gãy đổ; ước thiệt hại ban đầu khoảng 150 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều mái nhà tôn, mái Fibro xi măng, cửa kính, biển quảng cáo bị tốc mái, đổ sập, hư hỏng; nhiều cây xanh, cây bóng mát bị đổ, gãy gây ách tách nhiều tuyến đường giao thông.
Bên canh việc biểu dương nỗ lực của các cấp, ngành, người dân trong việc phòng, chống cơn bão số 3, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu yêu cầu toàn tỉnh tập trung cao độ để khắc phục hậu quả sau bão, đồng hành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp quay trở lại cuộc sống thường nhật sớm nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các địa phương ngoài việc thực hiện theo các kế hoạch, phương án đã xây dựng cần chủ động huy động mọi nguồn lực khẩn trương khắc phục hậu quả do bão gây ra; tổ chức thăm hỏi động viên kịp thời các gia đình có người bị nạn; đảm bảo lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu khác và động viên để người dân ổn định đời sống khi phải di dời tránh bão.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị chức năng thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường ở các khu vực bị ảnh hưởng do bão. Các địa phương thống kê thiệt hại trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thả thủy sản và cơ sở hạ tầng; đánh giá mức độ thiệt hại để có giải pháp khắc phục hậu quả...
Ông Lê Ngọc Châu yêu cầu ngay trong ngày hôm nay, điện lực Hải Dương khẩn trương sửa chữa các sự cố hệ thống công trình điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt, trong đó ưu tiên ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm tiêu úng; Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh phối hợp với các địa phương bơm tiêu úng kịp thời các diện tích bị úng ngập. Sở Thông tin truyền thông chỉ đạo phối hợp với các nhà mạng khắc phục sự cố đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt.