Hải Phòng chuyển đổi số mạnh mẽ để bứt phá
Hải Phòng “quyết” đưa chuyển đổi số thành động lực phát triển Hải Phòng đứng đầu cả nước về Chỉ số CCHC năm 2021 Sở TT&TT Hải Phòng hợp tác với BKAV về chuyển đổi số bền vững |
Ông Lương Hải Âu - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng |
- PV: Thưa ông, công tác chuyển đổi số đã được thành phố thực hiện như thế nào?
- Ông Lương Hải Âu: Nhằm đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, thành phố đã lấy chủ đề năm 2022 là “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”. UBND thành phố đã ban hành chương trình hành động về chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng năm 2030 và 8 kế hoạch triển khai cụ thể. Trong đó, kế hoạch chuyển đổi số thành phố năm 2022 với các nhiệm vụ trọng tâm như: Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số, phát triển nền tảng số, phát triển dữ liệu số, bảo đảm an toàn thông tin, phát triển nguồn nhân lực…
Thành phố đã tổ chức hội nghị ký kết hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số thành phố Hải Phòng giai đoạn 2022 - 2025 giữa UBND thành phố và Bộ Thông tin và Truyền thông; Tổ chức đoàn công tác thành phố đi học tập kinh nghiệm triển khai thực hiện chuyển đổi số tại các tỉnh thành, bộ ngành Trung ương.
100% cơ quan, đơn vị của thành phố đã ban hành kế hoạch tuyên truyền về chuyển đổi số, tập trung đăng tải nhiều tin bài trên cổng thông tin điện tử. 9 tháng năm 2022, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức hàng chục hội thảo về chuyển đổi số: “Chữ ký số và lưu trữ điện tử tập trung - Nền tảng xây dựng chính quyền số và công dân số”; “Hạ tầng và bảo mật phục vụ chuyển đổi số”; “Ứng dụng chữ ký số, lưu trữ và liên thông điện tử trong chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục và đào tạo”; “Ứng dụng chữ ký số, lưu trữ và liên thông điện tử trong chuyển đổi số lĩnh vực y tế”; “An toàn thông tin trong chuyển đổi số”…
- PV: Những kết quả nổi bật thành phố đã đạt được như thế nào, thưa ông?
- Ông Lương Hải Âu: Thành phố đã hoàn thành đưa vào khai thác hạ tầng băng thông rộng di động 4G đã được phủ đến 100% cấp huyện, xã; Kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng tới 251/253 sở, ngành, quận, huyện, xã, phường, thị trấn (trừ 2 xã huyện đảo). Hệ thống hội nghị truyền hình kết nối đến 100% các xã, phường thị trấn.
Về phát triển dữ liệu số, thành phố đã triển khai cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai, hình thành cổng thông tin đất đai, cho phép người dân tra cứu các thông tin cơ bản của gần 70 nghìn thửa đất; Liên thông giải quyết 47 lĩnh vực đất đai, trong đó cung cấp 19 dịch vụ công mức độ 3, 4 cho người dân, doanh nghiệp. 100% các quận, huyện đã vận hành hệ thống, xử lý hơn 70.000 hồ sơ trên hệ thống thông tin đất đai VBDLis.
Các đồng chí lãnh đạo thành phố thực hiện nghi lễ khai trương Cổng dịch vụ công cấp đổi giấy phép lái xe mức độ 4 tại Sở Giao thông vận tải Hải Phòng (Ảnh: Ngọc Sơn) |
Thành phố Hải Phòng cũng đã số hóa sổ hộ tịch với số lượng gần 800.000 trang A4 tương đương 61% kế hoạch năm 2022; Tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia để tiếp nhận và giải quyết 4 thủ tục hành chính thiết yếu trong lĩnh vực tư pháp theo Đề án 06 của Chính phủ. Cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố đã đồng bộ và định danh được 30.181 trong tổng số 34.951 hồ sơ thông tin giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên; Định danh 330.014 trong tổng số 538.823 hồ sơ về thông tin học sinh; 100% các bệnh viện triển khai phần mềm quản lý, kết nối dữ liệu liên thông với cổng thông tin giám định Bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đã triển khai hải quan điện tử với hơn 99,65% doanh nghiệp tham gia tại tất cả các khâu nghiệp vụ và đơn vị hải quan giúp giảm thiểu giấy tờ, đơn giản hóa thủ tục hải quan (thời gian tiếp nhận, thông quan đối với tờ khai luồng xanh từ 1 - 3 giây).
Về triển khai nền tảng số, hệ thống một cửa và dịch vụ công trực tuyến thành phố với lượng giao dịch ngày càng tăng; Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn thành phố tháng 9/2022 đạt 55,5 % (quý I/2022 đạt 23,9%). Thành phố cũng đã tổ chức tập huấn kiến thức về chuyển đổi số cho gần 10.000 cán bộ, công chức trên nền tảng học trực tuyến mở đại trà tại địa chỉ www.haiphong.onetouch.edu.vn.
- PV: Ông có thể cho biết, phương hướng thực hiện chuyển đổi số của thành phố thời gian tới như thế nào?
- Ông Lương Hải Âu: Thời gian tới, thành phố Hải Phòng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, 14 mạng xã hội về chủ đề năm 2022 “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”; Tuyên truyền những mô hình, cách làm hay mang lại hiệu quả tích cực từ chuyển đổi số trong xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số… từ đó tạo sức lan tỏa, đồng thuận trong Nhân dân.
Mặt khác, toàn thành phố đang tiếp tục triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, Ngày Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng năm 2022 nhằm nâng cao nhận thức chuyển đổi số trong các cấp, ngành, địa phương; Góp phần tuyên truyền sâu rộng, kịp thời về tầm quan trọng, ý nghĩa, lợi ích và những giá trị to lớn, thiết thực mà chuyển đổi số mang lại cho công tác quản lý, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội; Thúc đẩy, xúc tiến, hợp tác, đầu tư các ngành, lĩnh vực tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói riêng và nền kinh tế của khu vực và cả nước nói chung.
Những hoạt động đó nhằm mục tiêu xây dựng chính quyền số thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025, đưa thành phố vào nhóm tỉnh, thành dẫn đầu về chỉ số chuyển đổi số. Chúng tôi đang hình thành trung tâm dữ liệu dùng chung, xây dựng nền tảng số phục vụ xây dựng chính quyền số; Tiếp tục xây dựng và phát triển Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với các dịch vụ đủ điều kiện; Tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trong giải quyết các thủ tục hành chính, đảm bảo thực hiện hoàn thành chỉ tiêu tối thiểu 60% hồ sơ trực tuyến; Hoàn thiện hệ thống một cửa và dịch vụ công trực tuyến theo chỉ đạo của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Hải Phòng tiếp tục thúc đẩy thương mại điện tử, xây dựng cơ chế chính sách phát triển doanh nghiệp công nghệ số, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp; Chuyển đổi số trong lĩnh vực cảng biển, logistics, du lịch…; Phát triển xã hội số, xây dựng hệ thống định danh điện tử, nền tảng thanh toán điện tử; Ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, du lịch…
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Thực hiện: Phúc Thịnh