Hải Phòng: Dẹp nạn “xe dù, bến cóc”, người dân cùng vào cuộc
Phó Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng Phạm Văn Huy chủ trì buổi họp tìm giải pháp dẹp nạn "xe dù, bến cóc" |
“Con ngựa bất kham” mang tên limousine
Theo báo cáo của Phòng quản lý Vận tải - Sở GTVT Hải Phòng, đến nay đơn vị này đã cấp gần 7.000 phù hiệu cho xe ô tô vận chuyển hành khách của các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn. Trong đó, vận tải hành khách theo hợp đồng (HĐ) có 3.428 xe; vận tải hành khách theo tuyến cố định có 422 xe, còn lại là xe taxi, xe buýt và xe du lịch.
Nhiều phương tiện và đơn vị sử dụng xe có phù hiệu HĐ tuy nhiên lại vận chuyển hành khách như tuyến xe cố định.
Rất nhiều xe limousine hợp đồng đang khai thác kinh doanh vận tải hành khách như xe tuyến cố định, thậm chí cả xe biển trắng cũng tham gia vận tải hành khách tuyến Hải Phòng - Móng Cái... |
Trong khi đó, việc cấp phép hoạt động cho loại hình xe HĐ rất dễ dàng, thủ tục đơn giản. Quá trình vận chuyển chủ xe chỉ cần ký HĐ với khách hàng nội dung: Thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc HĐ vận chuyển; Địa chỉ điểm đầu, cuối, các điểm đón trả khách trên hành trình; Cự ly hành trình vận chuyển, số lượng khách… HĐ này sẽ được gửi vào hộp thư điện tử của Phòng Quản lý vận tải Sở GTVT Hải Phòng trước khi thực hiện vận chuyển và có 1 bản HĐ cứng trên xe để xuất trình khi lực lượng chức năng kiểm tra.
Lợi dụng sự thông thoáng trong cơ chế cấp phép kinh doanh cho loại hình xe HĐ, nhiều tổ chức, các nhân đã nghĩ ra đủ cách để lách luật, biến xe HĐ vận hành kinh doanh như xe tuyến cố định.
Nhiều doanh nghiệp, cá nhân mua xe 16 chỗ limosine cải hoán thành 9 - 11 chỗ, lắp ghế ngồi có massage, phục vụ nước, khăn lạnh… để chiều khách. Họ sử dụng mạng xã hội để quảng cáo, thực hiện dịch vụ “đón trả khách tận nơi" bất cứ giờ nào, với giá cả rất hợp lý.
Ví dụ, khách ở Hải Phòng (bất kể nội thành hay ngoại thành) đi Hà Nội chỉ cần bấm điện thoại đặt chỗ với “nhà xe” là có xe đến đón tận cửa. Hành khách không phải ra bến xe tuyến cố định. Khách cần đến địa chỉ nào tại Hà Nội, như bệnh viện, trường học… được xe đưa đến tận nơi, giá chỉ từ 220.000 - 250.000 đồng/khách.
Văn phòng nhà xe Sơn Hải limousine tại chân cầu Rào 2 Hải Phòng, trưng biển đưa đón khách tận nơi |
Để chiều khách, các “nhà xe" bố trí lực lượng xe chuyên đi đón khách tại nhà, chở ra “bến cóc” có thể là văn phòng, rồi bố trí xe limousine đưa khách đến Hà Nội. Sau đó, các "nhà xe" phân phối theo địa chỉ cần đến cho một nhóm xe ô tô trả khách tận nơi.
Với dàn xe mới, đẹp, chạy nhanh, chở từ 9 - 11 người, đưa đón tận nơi, giá cả bình dân nên các xe HĐ, đặc biệt là loại hình xe limousine đã “hớt” khoảng 70% khách của các tuyến xe cố định. Thậm chí, rất nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội còn dùng cả xe biển trắng (xe cá nhân) để chở “khách tiện chuyến”, “xe ghép” kinh doanh kiếm lời…
Mỗi doanh nghiệp vận tải như vậy sẽ có một vài điểm đón, trả khách. Vô hình chung, những điểm này sẽ trở thành “bến cóc” và các cơ quan quản lý Nhà nước khó có thể “quản” được.
Theo thống kê của Phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hải Phòng, hiện thành phố có 166 xe limousine đăng ký loại hình xe HĐ. Cụ thể như, Công ty TNHH Vận tải Hoàng Long có 29 xe; Công ty TNHH TMSX&DV Hoàng Phương có 13 xe; Công ty TNHH DL&VT Phương Huy có 14 xe…
Trên thực tế, lượng xe limousine của các tỉnh, thành phố bạn đưa về “cắm chốt” trên địa bàn Hải Phòng cũng không dưới 100 xe. Đơn cử như: Công ty Vận tải Sơn Hải và Anh Huy (ở Hà Nội), mỗi hãng có rất nhiều xe đang hoạt động tại Hải Phòng.
Để đối phó với lực lượng chức năng, các “nhà xe” đều có “tổng đài” phục vụ, mỗi khi khách có nhu cầu, họ hỏi tên tuổi khách, điền sẵn vào HĐ để đối phó với lực lượng chức năng; Có “nhà xe” còn lập ra hoặc liên kết với các công ty dịch vụ du lịch để thu gom, “bán” lại khách cho các nhà xe limousine” bằng các “HĐ vận chuyển” để qua mặt cơ quan kiểm tra.
Thậm chí, họ còn nhờ chính hành khách nói dối các cơ quan chức năng để bảo vệ “nhà xe”… Đây là những chiêu thức lách luật, biến xe HĐ hoạt động như xe tuyến cố định, gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý.
Các bến xe, tuyến xe cố định trước nguy cơ “vỡ trận”
Ông Nguyễn Quang Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Vận tải BUS Hải Phòng - đơn vị quản lý Bến xe khách Vĩnh Niệm, cho biết: "Theo thống kê, hầu hết các tuyến xe cố định đều bị nạn "xe dù, bến cóc" xông vào "hớt khách", cạnh tranh không lành mạnh. Do vậy, rất ít hành khách tự ra bến xe nên có tuyến chỉ hoạt động 30 - 40%. Nhiều chủ xe bỏ bến, bán xe khách, mua xe limousine để chạy.
Quầy bán xé xe tuyến cố định đi các tỉnh tại Bến xe Thượng Lý vắng khách trong thời gian gần đây |
Có những tuyến xe cố định trên 150km như: Hải Phòng - Móng Cái; Hải Phòng - Lạng Sơn... đến nay cũng nở rộ xe limousine cạnh tranh".
Bến xe thì không thể ngừng đầu tư công năng cho hành khách tiện lợi, văn minh nhưng nếu để tình trạng các xe HĐ hoạt động trá hình xe tuyến cố định thì các doanh nghiệp chạy xe tuyến cố định, việc kinh doanh vận hành bến cũng thua lỗ.
Ông Nguyễn Quang Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Vận tải BUS Hải Phòng phát biểu tại Hội nghị |
Theo ông Nguyễn Huy Bản, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển Kim Khí Hải Phòng, đơn vị quản lý Bến xe Thượng Lý: “Việc xe HĐ, xe limousine đón trả khách trước cửa bến xe Thượng Lý và một số văn phòng đại diện, đại lý; “Bến cóc” hoạt động ngay cạnh bến xe Thượng Lý đã được chúng tôi phản ánh đến cơ quan chức năng. Tuy nhiên, mỗi khi vắng bóng lược lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông thì họ lại bùng phát.
Nếu các cơ quan chức năng thành phố không kiểm tra, quản lý được tình trạng xe HĐ hoạt động như xe tuyến cố định thì Nhà nước thất thu thuế, hành khách đi xe không được bảo hiểm, trật tự an toàn giao thông đô thị sẽ bị rối tung…”.
Công tác hậu kiểm, xử lý còn nhiều bất cập
Ông Nguyễn Đức Chi, Phó Chánh Thanh tra giao thông - Sở GTVT Hải Phòng, cho biết: “Loại hình xe HĐ nhận đưa đón khác tại nhà đã được các “nhà xe”, lái xe dùng nhiều chiêu thức lách luật. Ví dụ như, họ vận động khách thông đồng với lái xe hoặc các lái xe có nhóm Zalo trao đổi, thông báo điểm kiểm tra xử lý của lực lượng chức năng… nhằm đối phó.
Dịp đầu năm, lực lượng Thanh tra huy động 3 xe chuyên dụng và 15 cán bộ xuất phát từ 3 giờ sáng vào Tiên Lãng, Vĩnh Bảo để truy bắt xe vi phạm nhưng họ thông tin cho nhau, nên chúng tôi chỉ phát hiện xử lý được một xe”.
Ông Nguyễn Đức Chi - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hải Phỏng phát biểu tại hội nghị |
Tuy nhiên, ông Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, cho hay: “Không cần phải đi đâu xa, ngay tại điểm 738 Thiên Lôi tiếp giáp bùng binh Võ Nguyên Giáp và điểm vỉa hè đối diện Bến xe Vĩnh Niệm, nếu lực lượng chức năng trực ở đây 30 - 60 phút là phát hiện ngay các xe trả khách, trả hàng không đúng quy định.
Chúng tôi thấy các “nhà xe”, lái xe thường xuyên vi phạm ở những điểm này nhưng địa phương không có chức năng kiểm tra, xử lý. Vì vậy, việc phối hợp xử lý “xe dù, bến cóc” giữa lực lượng chức năng và chính quyền địa phương chưa thực sự ăn khớp và còn nhiều bất cập".
Theo ông Ngô Hồng Quang, Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Sở GTVT: “Mỗi ngày, trên 3.000 xe đều gửi 1 hợp đồng vào email thì chúng tôi quá tải không thể mở hết được. Chưa kể có những xe mỗi ngày chạy vài chuyến thì số lượng HĐ sẽ rất lớn.
Vì vậy, chỉ khi nào Thanh tra giao thông, CSGT yêu cầu cung cấp thông tin, chúng tôi mới có thể tìm kiếm xem xe đó có HĐ vận chuyển gửi trước cho Sở GTVT theo quy định hay không. Nếu cơ quan chức năng ở tỉnh khác cần kiểm tra thì cũng phải mất vài ngày chúng tôi mới truy xuất được".
Ông Ngô Hồng Quang, Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Sở GTVT Hải Phòng |
Theo quy định tại khoản 5, Điều 7, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, từ ngày 1/1/2022, các xe HĐ phải chuyển HĐ vào phần mềm của Bộ GTVT nhưng đến nay Bộ cũng chưa xây dựng được phần mềm quản lý HĐ vận chuyển của các xe HĐ để thực hiện quản lý chung trên địa bàn cả nước. Đây là bất cập về quản lý Nhà nước trong hậu kiểm các loại xe HĐ.
Trên trang quản lý giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam chưa có tính năng kiểm soát thời gian hoạt động của phương tiện để làm căn cứ xác định không cấp phù hiệu, biển hiệu đối với phương tiện không đủ 70% thời gian hoạt động trên địa bàn trong 1 tháng với loại hình xe taxi, xe HĐ, xe du lịch; Chưa có tính năng xác định các xe có quá 30% số chuyến trong tháng có điểm đầu, điểm cuối trùng lặp, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với xe HĐ, chạy trá hình tuyến cố định.
Nghị định số 10/2020/NĐ-CP chưa quy định cụ thể thời gian thu hồi phù hiệu của các phương tiện vi phạm dẫn đến giảm tính răn đe trong công tác xử lý, gây khó khăn cho các Sở GTVT trong công tác quản lý… Vì vậy, chúng tôi kiến nghị cần sửa đổi Nghị định 10/2020/NĐ-CP cho sát với thực tiễn…”.
Ông Lê Đức Tiến - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng |
Theo ông Lê Đức Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng: “Trong khi chúng ta có nhiều lực lượng chức năng, có đủ phương tiện nhưng công tác phối hợp giữa các ngành chức năng và địa phương, Trung ương chưa đồng bộ, nhất quán. Các quốc gia phát triển có quy định rõ ràng về điểm đỗ cho các loại xe; Khi các xe vi phạm thì bị xử lý rất nghiêm. Do đó, các lái xe và doanh nghiệp luôn tuân thủ pháp luật.
Vì vậy, ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử phạt, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền đến Nhân dân; Đẩy mạnh công tác đấu tranh, tố giác các lái xe, nhà xe vi phạm, thậm chí tố giác một số cá nhân, đơn vị có biểu hiện bao bãi, làm luật, dung túng cho các doanh nghiệp vi phạm.
Cơ qua chức năng cũng cần tăng nặng hình thức phạt, lắp nhiều camera xử phạt nguội, tăng cường công tác phối kết hợp giữa các lực lượng và chính quyền địa phương để dẹp nạn "xe dù, bến cóc".
Đặc biệt, người dân - những hành khách thông thái cũng phải ủng hộ, cùng vào cuộc, coi việc này là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Có như vậy, công tác quản lý Nhà nước mới được phát huy, nếp sống văn minh đô thị mới được coi trọng.
Thu hồi phù hiệu xe của 6 doanh nghiệp vận tải ở Hải Phòng Quyết tâm dẹp nạn "Xe dù, bến cóc", ngày 15/5/2023, Sở GTVT Hải Phòng đã ra Quyết định số 485/QĐ-SGTVT về việc đình chỉ khai thác tuyến và thu hồi phù hiệu xe của 6 đơn vị do không hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến vận tải khách theo tuyến cố định trong thời gian 60 ngày liên tục, gồm: Công ty TNHH vận tải Kết Đoàn, Công ty Cổ phần XK Thanh Long, Công ty TNHH vận tải Đại Dương, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ vận tải Anh Kiên, Công ty TNHH Thương mại vận tải Sơn Trường Phát và Công ty CP DK Trường Anh. Sở GTVT Hải Phòng yêu cầu các đơn vị vận tải vi phạm chậm nhất sau 7 ngày kể từ khi quyết định được ban hành phải nộp lại phù hiệu về cho Sở; Đồng thời, tổ chức kiểm điểm chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động của bộ phận điều hành vận tải và điều chỉnh lại phương án kinh doanh cho phù hợp. Nếu các doanh nghiệp này có nhu cầu tiếp tục khai thác tuyến và sử dụng phương tiện tham gia kinh doanh vận tải thì phải làm thủ tục đăng ký khai thác tuyến theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và cấp lại phù hiệu theo quy định tại khoản 8, Điều 1 của Nghị định số 47/2022/NĐ-CP. |