Hàng chục hộ dân huyện Ba Vì sống trong nguy hiểm, sợ hãi vì sạt lở đê sông
Xuất hiện nhiều vị trí sạt lở nghiêm trọng
Tại xã Thái Hòa (Ba Vì), nhiều năm qua, gia đình ông Nguyễn Văn Toán sống trong tình trạng bất an do bờ hữu sông Hồng không ổn định. Mới đây, một phần bờ sông bị sạt lở, khiến lòng dẫn chỉ còn cách khoảng sân trước nhà ông chừng 2,5m. Ngoài hộ ông Toán, 7 gia đình khác cũng phải sống trong âu lo, bởi tình trạng sạt lở đang diễn biến phức tạp.
Ghi nhận cho thấy, vị trí sạt lở tại bờ hữu sông Hồng đoạn qua xã Thái Hòa tương ứng từ K0+200 đến K0+300. Cung sạt có chiều dài khoảng 120m, ăn sâu vào bãi sông từ 5 - 15m, tạo thành vách thẳng đứng. Khu vực mép sông đang xuất hiện nhiều vết nứt theo chiều dài cung sạt. Cá biệt có vết nứt với chiều rộng lên đến 40cm.
Khu vực sạt lở tại xã Sơn Đà |
Tại xã Sơn Đà (Ba Vì), đoạn bờ sông Đà thuộc thôn Đan Thê, xuất hiện hai vị trí sạt lở nghiêm trọng tiếp tục ăn sâu vào bãi đất sản xuất của các hộ dân khoảng 3-5m. Vị trí điểm sạt lở cách chân đê hữu Đà khoảng 40m. Các cung sạt tạo thành vách đứng cao từ 11-17m.
Nhiều vị trí sạt lở nghiêm trọng, nằm tương ứng từ K3+150 đến K3+430 và từ K3+760 đến K4+100. Chiều dài một số cung sạt lên tới cả trăm mét tạo thành vách thẳng đứng. Đỉnh cung sạt có vị trí gần nhất cách chân đê hữu Đà khoảng 20m.
Đáng lo ngại, vị trí sạt lở xảy ra tại đoạn từ K3+150 đến K3+430 là khu vực có đông dân cư sinh sống tập trung. Đỉnh cung sạt hiện trạng chỉ còn cách nhà dân từ 5 - 10m. Nhiều hộ gia đình được sơ tán trong trận lụt cách đây 30 năm, nay lại đứng trước nguy cơ phải di dời.
Theo đánh giá, khu vực sạt lở tại xã Thái Hòa nằm ở vị trí ngay sau mỏm đất đá nhô ra bên bờ hữu sông Hồng. Dòng chảy sông Hồng sau khi qua mỏm đất đá này có xu hướng xoáy quẩn vào bờ sông, qua thời gian làm xói mòn dần chân bờ.
Điểm sạt lở tại xã Sơn Đà |
Trong khi đó, khu vực sạt lở bờ hữu sông Đà đoạn chảy qua xã Sơn Đà có bờ sông dốc đứng. Chế độ thủy lực, thủy văn phức tạp. Do ảnh hưởng mưa lớn, nước sông lên cao làm cho đất bão hoà nước, giảm khả năng kháng cắt. Khi mực nước sông rút xuống sẽ gây ra tình trạng sạt lở bờ bãi.
Hiện UBND các xã đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm, đề nghị người dân sơ tán ra khỏi khu vực xảy ra sự cố sạt lở...
Cần xây dựng phương án xử lý khắc phục sự cố
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội Nguyễn Duy Du, các vị trí sạt lở bờ hữu sông Hồng, sông Đà hiện đang diễn biến rất phức tạp. Cung sạt liên tục mở rộng trong thời gian ngắn. Tình trạng sạt lở có xu hướng phát triển, mở rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến phòng, chống thiên tai, nhất là an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
“Đối chiếu với quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển ban hành kèm theo Quyết định số 01/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tình trạng đang diễn ra tại bờ hữu sông Hồng, sông Đà tại huyện Ba Vì được đánh giá là sạt lở đặc biệt nguy hiểm, cần có giải pháp xử lý khẩn cấp…”, ông Du thông tin thêm.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Hiện nay, đơn vị đang tiếp tục giao Chi cục Phòng, chống thiên tai phối hợp với UBND huyện Ba Vì tổ chức cắm biển cảnh báo, theo dõi chặt chẽ diễn biến các vị trí sạt lở; Lên phương án sẵn sàng ứng phó trong tình huống khẩn cấp theo phương châm “4 tại chỗ” để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho khu vực dân cư sinh sống lân cận.
Sự cố sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn phòng chống thiên tai, đe doạ cuộc sống của nhiều hộ dân |
Cũng theo ông Chu Phú Mỹ, để bảo đảm an toàn công trình đê điều, tính mạng và tài sản của người dân sinh sống xung quanh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã đề xuất UBND TP cho phép thực hiện các biện pháp gia cố phù hợp nhằm hạn chế cao nhất sự phát triển của vị trí sạt lở; Đồng thời, giao Sở nghiên cứu, triển khai dự án xử lý cấp bách khắc phục các sự cố nêu trên từ ngân sách thành phố, bảo đảm an toàn phòng, chống thiên tai, cũng như cuộc sống của cư dân ven sông về lâu dài.
Để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, an toàn công trình phòng, chống thiên tai, thành phố Hà Nội đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng khắc phục những sự cố, sạt lở nghiêm trọng...
Cụ thể, năm 2018, thành phố đã đầu tư hơn 293 tỷ đồng xây dựng công trình cấp bách khắc phục 18 sự cố; Năm 2019, đầu tư gần 653 tỷ đồng khắc phục 41 sự cố và năm 2020 đầu tư gần 198 tỷ đồng khắc phục 9 sự cố... Đối với những sự cố, sạt lở xảy ra trong năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, đề xuất UBND thành phố bố trí kinh phí xử lý.
“Để giảm phát sinh sự cố đê điều, sạt lở bờ sông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề nghị các địa phương ngăn chặn phương tiện quá tải trọng lưu thông trên mặt đê và quản lý chặt chẽ hoạt động tập kết cát sỏi, xây dựng công trình ngoài bờ, bãi sông...
Về trách nhiệm quản lý Nhà nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đang tập trung nghiên cứu, đề xuất UBND thành phố về kế hoạch tổng thể đầu tư, nâng cấp hệ thống đê điều, công trình thủy lợi giai đoạn 2021-2025 theo hướng bền vững gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai của Thủ đô...”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết.