Hàng không tăng cường bay vào giờ thấp điểm, ban đêm để tránh quá tải
Theo Bộ Giao thông vận tải, tình trạng chậm, hủy chuyến có xu hướng tăng cao, sản lượng vận chuyển vượt công suất thiết kế của nhà ga hành khách, đặc biệt tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Điều này gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ hành khách, giao thông tiếp cận nhà ga ùn tắc, gây bức xúc cho hành khách và dư luận xã hội.
Do đó, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị triển khai ngay các nhiệm vụ để khắc phục tình trạng này. Cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam có nhiệm vụ điều phối slot chặt chẽ, từ việc giám sát, quản lý sử dụng slot của các hãng hàng không… đặc biệt tại các sân bay xảy ra tình trạng quá tải như Nội Bài và Tân Sơn Nhất, nhằm tránh ùn tắc trong các khung giờ cao điểm.
Cảng hàng không Nội Bài đang quá tải |
Cơ quan này cũng có trách nhiệm tổng hợp, xác định nguyên nhân chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không để đưa ra giải pháp xử lý; Đồng thời, phải công bố công khai định kỳ số liệu chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không. Đối với các đơn vị trong ngành hàng không, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch, bố trí nhân lực và thực hiện các giải pháp nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, chất lượng phục vụ hành khách trong dịp cao điểm hè năm 2022.
Thông tin tới hành khách, người dân về chuyến bay, thời gian làm thủ tục... một cách đầy đủ và kịp thời; Khuyến khích hành khách sử dụng quầy thủ tục tự động (kios check-in) hoặc các hình thức làm thủ tục trực tuyến khác để giảm tải cho khu vực làm thủ tục tại cảng hàng không.
Các đơn vị cũng phải khẩn trương thành lập đoàn kiểm tra hoạt động vận tải, phục vụ hành khách trong dịp cao điểm hè năm 2022 tại các cảng hàng không, sân bay, nhất là các Cảng Hàng không Quốc tế như Nội Bài và Tân Sơn Nhất để kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh, xử lý vi phạm. Các đơn vị phải tổ chức giám sát chặt chẽ công tác an ninh, an toàn trong hoạt động hàng không.
Đối với Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam và Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu rà soát, xây dựng kế hoạch khai thác, dây chuyền phục vụ hành khách phù hợp với điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất của các cảng hàng không, đáp ứng được nhu cầu khi lượng hành khách tăng.
Tổ chức phân luồng giao thông tiếp cận nhà ga (điểm đón/trả khách, sân đỗ ô tô…) một cách khoa học, hợp lý để tránh tình trạng ùn ứ.
Phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn để tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại cảng hàng không, xử lý nghiêm các trường hợp phương tiện vi phạm (nếu có)…. Đặc biệt, phải có phương án giải tỏa khi xảy ra ùn tắc.
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị hàng không có giải pháp xử lý chậm, hủy chuyến và nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ hành khách trong dịp cao điểm hè |
Đối với các hãng hàng không, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu thực hiện nghiêm slot đã được xác nhận theo đúng quy định pháp luật; Tăng cường xây dựng kế hoạch bay vào khung giờ thấp điểm, ban đêm; Tuân thủ tuyệt đối các quy định an ninh, an toàn hoạt động vận tải hàng không.
Thực hiện mọi giải pháp nhằm giảm tình trạng chậm, hủy chuyến, nâng cao chất lượng dịch vụ; Khắc phục triệt để tình trạng chậm, hủy chuyến vì lý do chủ quan; Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, điều lệ vận chuyển liên quan đến nghĩa vụ của người vận chuyển trong điều kiện chậm, hủy chuyến.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết trong tháng 6 (từ 19/5 đến 18/6), các hãng hàng không Việt Nam khai thác 30.808 chuyến bay, tăng 528% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 18% so với tháng trước.
Tuy nhiên, tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ chỉ đạt 81,8%, giảm 15,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2021 và giảm 9,4 điểm phần trăm so với tháng 5. Như vậy, số chuyến bay bị chậm giờ chiếm 18,2%, tương đương 5.602 chuyến.
Trong đó, nguyên nhân chậm chuyến chủ yếu là máy bay về muộn (chiếm tới 13,4% trong số 18,2%). Các lý do khác như lỗi của hãng chiếm 2,5%, trang thiết bị và dịch vụ tại sân bay chiếm 1%, thời tiết xấu chiếm 0,4%...