Hành động quyết liệt, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu về bảo vệ môi trường
Hồi chuông cảnh báo
Theo nghiên cứu của các tổ chức bảo vệ môi trường, ở nước ta, 70% các dòng sông, 45% vùng ngập nước, 40% các bãi biển đã bị ô nhiễm, hủy hoại về môi trường.
Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước có gần 5400 làng nghề (riêng Hà Nội có 1.350 làng nghề), trong đó có 95% cơ sở hoạt động gây ô nhiễm. Nguyên do là bởi đa số những doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất có quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu, không được quan tâm về xử lý nước thải, chất thải, thug om rác…
Cùng với đó, tình trạng nước biển xâm nhập vào đất liền; đất trống, đồi núi trọc và sự suy thoái các nguồn gen động thực vật đang có chiều hướng gia tăng cũng là hệ quả của việc hủy hoại môi trường. Bảo vệ môi trường hơn bao giờ hết đã trở thành nhiệm vụ cấp bách của toàn xã hội.
Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng (Ảnh minh họa) |
Nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay, trước tiên là do chất thải từ các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp. Quá trình hoạt động của các khu công, đốt các nhiên liệu hóa thạch: Than, dầu, khí đốt tạo ra: CO2, CO, SO2, NOx, các chất hữu cơ chưa cháy hết: Muội than, bụi, quá trình thất thoát, rò rỉ trên dây chuyền công nghệ, các quá trình vận chuyển các hóa chất bay hơi, bụi. Nguồn gây ô nhiễm không khí từ hoạt động công nghiệp có nồng độ chất độc hại cao, thường tập trung trong một không gian nhỏ.
Một nguyên nhân khác là do chất bảo vệ thực vật và chất độc hóa học. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện tượng thoái hóa, ô nhiễm đất đang làm ảnh hưởng đến 50% diện tích đất trên toàn quốc, trong đó phần lớn là nhóm đất đồi núi nằm ở khu vực nông thôn. Một số loại hình thoái hóa đất đang diễn ra trên diện rộng ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam.
Song song đó, các chất thải rắn như: Chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải y tế, chất thải nông nghiệp, chất thải xây dựng... không được xử lý triệt để.
Đây chỉ là những lí do điển hình, bề nổi đã trực tiếp làm ảnh hưởng đến môi trường, trên thực tế có những hoạt động của chúng ta vì nhiều lý do vô tình hay cố ý cũng đã ảnh hưởng đến môi trường.
Đặt mục tiêu bảo vệ môi trường lên hàng đầu
Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong vấn đề bảo vệ môi trường. Hệ thống quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, thông qua các văn kiện, nghị quyết, chỉ thị…
Cụ thể, Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị khóa IX ban hành về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xác định “Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại; Là nhân tố bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của Nhân dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta”; “Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững, phải được thể hiện trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và từng địa phương. Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững”.
Ảnh minh họa |
Tại Đại hội XIII, Đảng ta đưa ra các mục tiêu bảo vệ môi trường đến năm 2025: Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95% – 100%, nông thôn là 93% - 95%; Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy hoạch quy chuẩn đạt 90%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý chất thải tập trung, đạt tiêu chuẩn môi trường 92%; Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; Giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%. Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý là 100%, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng tiêu thụ cuối cùng là 31,5%. Đến năm 2030, phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu…
Các đoàn viên, thanh niên thu gom rác thải bảo vệ môi trường |
Trong thời gian tới, để vấn đề bảo vệ môi trường được xử lý triệt để, các chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có những chế tài xử phạt mạnh, đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm; Cần xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý môi trường trong các nhà máy, các khu công nghiệp theo các tiêu chuẩn quốc tế; Tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, giám sát về môi trường…
Cuối cùng, chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội tạo ra sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường.