Tag

Hành động sớm để cải thiện chất lượng không khí

Môi trường 19/10/2020 07:00
aa
TTTĐ - Trong 10 năm qua, diễn biến chất lượng không khí tại các đô thị lớn, nhất là Hà Nội vẫn không được cải thiện nhiều. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, chất lượng không khí thường xuyên ở trong các ngưỡng cảnh báo ô nhiễm “đỏ, tím, nâu” (ngưỡng ô nhiễm xấu, rất xấu, nguy hại), ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng cần hành động sớm để hạn chế ô nhiễm.
Thanh niên Hoàn Kiếm tìm giải pháp cải thiện chất lượng không khí Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến não người trẻ tương tự bệnh Alzheimer và Parkinson
Ô nhiễm không khí ở miền Bắc có xu hướng tăng lên từ nay đến cuối năm (Ảnh: Hùng Võ)
Ô nhiễm không khí ở miền Bắc có xu hướng tăng lên từ nay đến cuối năm (Ảnh: Hùng Võ)

Theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, qua kết quả quan trắc của đơn vị cho thấy từ năm 2018 đến nay, chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn trên cả nước có chiều hướng suy giảm.

Hà Nội là thành phố được nhắc tới nhiều nhất về vấn đề ô nhiễm không khí. Điều này đã được Phó giáo sư tiến sỹ Nghiêm Trung Dũng, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) nhấn mạnh khi đưa ra dẫn chứng rằng diễn biến chất lượng không khí ở Thủ đô từ năm 2000-2020 không được cải thiện.

Theo kết quả quan trắc, nồng độ bụi PM10 (các hạt bụi có kích thước đường kính từ 2.5 µm tới 10µm) hầu hết vượt nồng độ trung bình ngày của Quy chuẩn Việt Nam vào mùa khô; nồng độ bụi PM 2.5 (các hạt bụi có kích thước đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2.5 µm) vượt nồng độ trung bình năm của Quy chuẩn Việt Nam.

Điều đáng nói là, nồng độ bụi, đặc biệt là bụi PM2.5 và bụi PM0.1 (bụi nano) cao hơn nhiều do với nhiều khu vực khác trên thế giới. Ngoài ra, khí Nitơ điôxít (NO2) tiệm cận hoặc vượt nồng độ trung bình năm của Quy chuẩn Việt Nam ở khu vực nội thành. Ozone (O3) cũng có dấu hiệu vượt ngưỡng trung bình giờ của Quy chuẩn Việt Nam. Ví dụ, năm 2013, ở trạm Nguyễn Văn Cừ, vượt 11,1%.

Kết quả nghiên cứu xác định nguồn phát thải ở Hà Nội do Ngân hàng Thế giới thực hiện từ tháng 8/2019 đến nay cũng cho thấy trong các tháng 8-9, do nhiều mưa nên bụi PM2.5 ít hơn. Nồng độ bụi PM2.5 tăng cao trong các tháng 12 năm trước đến tháng 1 năm sau. Nguyên nhân có thể từ hoạt động đốt rơm rạ hoặc đốt sinh khối...

Ngoài ra, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới còn phát hiện có chì và kẽm vượt trên giới hạn cho phép vào một số ngày tại trạm giao thông. Nồng độ chì cao ở những nơi này cho thấy có việc sử dụng xăng có chì, nồng độ kẽm cao có thể do sự tái phát thải của đất, bụi đường cùng các nguồn khác như nguồn công nghiệp.

Từ việc chạy mô hình PMF kết hợp với số liệu từ các trạm quan trắc của Tổng cục Môi trường, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho rằng có 6 nguồn thải có thể tính tới, đó là nguồn thứ cấp/di chuyển từ xa về; công nghiệp/năng lượng; đốt sinh khối; bụi đất; bụi do giao thông kéo theo; công nghiệp/đốt rác/làng nghề.

Tại các thành phố lớn ở Việt Nam như Hà Nội và HCM, hàng ngày có hàng triệu người tham gia giao thông liên tục từ sáng sớm đến đêm khuya, hàng triệu xe máy, xe bus, xe hơi đang thải ra môi trường vô số khí thải mà chính chúng ta hàng ngày đang hít vào. Ngoài ra, việc chở hàng hoá phục vụ cho việc xây dựng, sản xuất cũng làm cho đất cát, khói bụi, các chất độc hại vương vãi ra môi trường.

Các thành phố lớn được bao quanh bởi các khu công nghiệp, ví dụ như sát với TP HCM là các khu công nghiệp lớn ở Biên Hoà, Đồng Nai, Long An. Các nhà máy sản xuất trong các khu công nghiệp hàng ngày thải ra một lượng khí thải cực lớn, lượng khí thải này theo tự nhiên sẽ lây lan vào khu vực thành phố, làm tăng mức ô nhiễm không khí.

Bên cạnh đó, tại các thành phố lớn, việc xây dựng nhà cửa, cao ốc, chung cư hay đường xá và cơ sở hạ tầng cần một lượng vô cùng lớn đất cát, xi măng. Quá trình xây dựng này cũng gây ra một lượng bụi lớn làm ô nhiễm không khí.

Khu vực ngoại ô và các tỉnh thành lân cận những thành phố lớn, người dân sử dụng thuốc sâu phun ra môi trường một lượng lớn hoá chất độc hại, những chất này theo tự nhiên như gió, nước lan vào, xâm lấn và huỷ hoại không khí thành phố. Đặc biệt ở Việt Nam người dân thường đốt rơm rạ, đây cũng là một trong những yếu tố gây ô nhiễm không khí nặng nề.

Trong đời sống hàng ngày của mỗi gia đình, chúng ta sử dụng điều hoà, máy lạnh, bếp gas hay thậm chí sử dụng than, củi cũng góp phần làm ô nhiễm môi trường.

Với dân số hàng triệu người, mỗi ngày những thành phố lớn cần xử lý rất nhiều rác thải. Một số cá nhân, tổ chức đổ rác vô tội vạ, xử lý rác không đúng cách, sử dụng phương pháp đốt rác cũng gây nên hậu quả nặng nề cho không khí của thành phố.

Với vai trò là Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Tiến sỹ Hoàng Dương Tùng khẳng định những năm gần đây vấn đề ô nhiễm không khí được quan tâm nhiều hơn, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng đến cả nền kinh tế, biến đổi khí hậu.

Ở các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền thành phố đã có một số biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí như trồng cây xanh; tăng quy chuẩn lượng ôtô; tăng cường các xe buýt công cộng, kiểm soát các nguồn xả thải sản xuất... nhưng vẫn chưa thực sự quyết liệt để giảm thiểu các nguồn ô nhiễm.

Vì thế, ông Tùng đưa ra khuyến nghị để giảm thiểu ô nhiễm thì chúng ta cần phải kiểm soát các nguồn ô nhiễm. "Ví dụ, đối với khí thải từ các phương tiện giao thông, chúng ta nên kiểm soát nguồn khí thải từ các phương tiện xe máy", ông Tùng nói.

Bên cạnh đó, các địa phương có những chính sách kinh tế để khuyến khích người dân tham gia, đầu tư vào hệ thống xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch; nghiên cứu việc thiết lập những “vùng phát thải thấp” là tuyến phố hoặc một khu ít phát thải và chỉ những phương tiện đáp ứng được các tiêu chuẩn mới được sử dụng.

Cùng với đô thị, các địa phương cũng phải kiểm soát chặt chẽ khí thải của các làng nghề; cần thanh tra, kiểm tra, có những biện pháp để hạn chế, yêu cầu phải lắp đặt thiết bị xử lý trước khi xả thải ra môi trường; đặc biệt là quyết liệt trong việc di dời các nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi nội đô.

Để thực hiện được các giải pháp trên, góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí, theo Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, ngoài việc nâng cao nhận thức của người dân, các bộ, ngành và địa phương cần xây dựng Kế hoạch quản lý không khí; trong đó việc kiểm kê khí thải là vô cùng quan trọng.

Các địa phương cũng cần tăng cường thanh tra, xử phạt và công bố, công khai tất cả những thông tin, dữ liệu nguồn thải của các cơ sở sản xuất để nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp. Bằng việc công khai các kết quả quan trắc, người dân cũng có thể tham gia vào việc giám sát các cơ sở sản xuất cùng với chính quyền.

Đưa ra giải pháp, Phó giáo sư tiến sỹ Nghiêm Trung Dũng, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường cho rằng, cơ quan chuyên môn cần xác định các nguồn chính phát thải các chất ô nhiễm dạng khí, kể cả bụi với chương trình dài hạn hơn.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng dự báo chất lượng không khí, kết hợp với dự báo khí tượng để chủ động đối phó với các kịch bản ô nhiễm không khí; công khai số liệu của các trạm quan trắc chất lượng không khí; xây dựng bộ số phát thải quốc gia cho các nguồn thải chính.

Riêng đối với giao thông, ông Dũng kiến nghị cần quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông hợp lý, thay đổi thói quen đi lại của người dân như sử dụng phương tiện công cộng, quản lý giờ cao điểm. Việc kiểm soát nguồn thải có thể được thực hiện qua việc kiểm soát động cơ, chuyển đổi nhiên liệu, kiểm soát khí thải.

Giáo sư tiến sỹ Hoàng Xuân Cơ, Đại học Khoa học Tự nhiên cũng nêu một loạt sáng kiến như về mặt pháp luật như nghiên cứu xây dựng thực thi đạo luật không khí sạch; thành lập cơ quan chuyên trách về chất lượng không khí; kiểm soát nguồn thải theo ngành chủ quản, địa phương phụ trách; xây dựng hệ thống giám sát, quan trắc chất lượng không khí xung quanh và trong nhà.

Về các đề xuất, kiến nghị, để kiểm soát chất lượng môi trường không khí, giảm phát thải khí nhà kính do các hoạt động của các phương tiện giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo một số nội dung cụ thể như sau: Trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; phân công các bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện các quy định mới về kiểm soát ô nhiễm không khí, giảm phát thải khí nhà kính và hỗ trợ phát triển sản xuất và sử dụng các phương tiện giao thông vận tải thân thiện với môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi.

Chính phủ cần ban hành Nghị quyết của Chính phủ về kiểm soát ô nhiễm không khí, trong đó có nội dung các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích các phương tiện giao thông vận tải thân thiện với môi trường như xe điện, phương tiện sử dụng nhiên liệu tái tạo; Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển các phương tiện giao thông thân thiện môi trường.

Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát, chỉnh sửa và tham mưu, trình Chính phủ bổ sung đối tượng xe ô tô thân thiện môi trường gồm: xe ô tô chạy điện, xe hybrid, xe sử dụng hoàn toàn nhiên liệu sinh học, xe chạy bằng khí nén thiên nhiên CNG vào chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô; sửa đổi, bổ sung Thông tư số 212/2015/TT-BTC ngày 31/12/2015 và Thông tư số 128/2016/TT-BTC ngày 09/8/2016 phù hợp với Khoản 22, Điều 2 của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường; xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường như xe điện, phương tiện sử dụng nhiên liệu CNG; Giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng kế hoạch đảm bảo nhu cầu nguồn điện để sạc cho các phương tiện giao thông chạy điện; quy hoạch hệ thống trạm sạc điện các phương tiện giao thông chạy điện; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu đề xuất các chính sách khai thác, chế biến nguyên liệu (lithium, coban…) phục vụ cho sản xuất pin xe điện.

Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải và lộ trình áp dụng đối với phương tiện giao thông lắp ráp, nhập khẩu mới, phương tiện nhập khẩu đã qua sử dụng và phương tiện đang lưu hành; xây dựng, ban hành tiêu chí thân thiện môi trường và chứng nhận nhãn sinh thái đối với sản phẩm xe điện; xây dựng và ban hành quy trình, kế hoạch thu hồi, tái chế, xử lý thiết bị, ắc quy từ xe điện

Ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng nhất ở các thành phố lớn của các nước đang phát triển. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới tất cả chúng ta và chính phủ cần thực hiện vai trò lãnh đạo của mình trong việc kiểm soát phát thải khí một cách quyết liệt, đặc biệt trong giai đoạn có ô nhiễm nghiêm trọng. Chính phủ, xã hội dân sự và các cơ quan đối tác quốc tế cần phối hợp với nhau để tìm ra các giải pháp trung hạn và dài hạn để phòng ngừa ô nhiễm không khí ngay từ nguồn. Bây giờ chính là lúc cần hành động quyết liệt vì không khí sạch và vì sức khỏe cộng đồng.

* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020”

Đọc thêm

Quảng Nam: Doanh nghiệp chưa hoàn thổ mỏ vàng G60 xin không nộp phạt Xã hội

Quảng Nam: Doanh nghiệp chưa hoàn thổ mỏ vàng G60 xin không nộp phạt

TTTĐ - Công ty CP Miền Trung cho rằng đã hoàn thành các nghĩa vụ thuế thuê đất tại khu vực mỏ vàng G60, xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam từ năm 2008.
Bắc Bộ sáng sớm có sương mù, ngày nắng dịu Môi trường

Bắc Bộ sáng sớm có sương mù, ngày nắng dịu

TTTĐ - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ đêm 21/11 đến đêm 22/11, khu vực từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 50-120mm, có nơi trên 180mm; cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn.
Hà Nội: Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý giá đất Môi trường

Hà Nội: Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý giá đất

TTTĐ - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành và địa phương triển khai các nội dung quan trọng, nhằm thực thi hiệu quả Luật Đất đai 2024 và giải quyết những khó khăn trong công tác quản lý giá đất, theo kết luận tại Văn bản số 599/TB-BTNMT ngày 15/10/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bắc Bộ ngày nắng, có nơi trên 30 độ C Xã hội

Bắc Bộ ngày nắng, có nơi trên 30 độ C

TTTĐ - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới từ tối 19/11.
3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để thích ứng với biến đổi khí hậu Xã hội

3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để thích ứng với biến đổi khí hậu

TTTĐ - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1422/QĐ-TTg ngày 19/11/2024 về việc ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (cập nhật).
Lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải xe cơ giới Môi trường

Lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải xe cơ giới

TTTĐ - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 19/2024/QĐ-TTg ngày 15/11/2024 quy định lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp.
Thông qua trình tự, thủ tục điều chỉnh xác định phân vùng môi trường Môi trường

Thông qua trình tự, thủ tục điều chỉnh xác định phân vùng môi trường

TTTĐ - Chiều 19/11, tại kỳ họp chuyên đề, HĐND TP đã thông qua quy định trình tự, thủ tục điều chỉnh việc xác định phân vùng môi trường trong Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên địa bàn TP Hà Nội.
Tăng cường kiểm tra, ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi ra môi trường Môi trường

Tăng cường kiểm tra, ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi ra môi trường

TTTĐ - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông vừa ký Công văn số 3803/UBND-TNMT về việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn thành phố.
Bão số 9 đi vào khu vực Bắc Biển Đông và suy yếu thêm Môi trường

Bão số 9 đi vào khu vực Bắc Biển Đông và suy yếu thêm

TTTĐ - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 9 tiếp tục di chuyển vào khu vực Bắc Biển Đông và suy yếu thêm.
Cơ hội phát triển làng nghề "xanh hoá", giảm thiểu ô nhiễm môi trường Môi trường

Cơ hội phát triển làng nghề "xanh hoá", giảm thiểu ô nhiễm môi trường

TTTĐ - Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề ngoại thành từ lâu đã trở thành vấn đề "báo động đỏ". Với các chính sách đặc thù, Luật Thủ đô năm 2024 sẽ mở ra cơ hội giúp làng nghề của Thủ đô phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Xem thêm