Hành trình những cánh thư chở tâm tình của tuổi trẻ Thủ đô đến với Trường Sa
Hà Nội hướng về Trường Sa ruột thịt Những bức thư mang tình cảm của thiếu nhi Thủ đô gửi đến Trường Sa |
“Khi nhận thông tin được cử đi công tác Trường Sa, tôi rất vui mừng vì chuyến đi này vô cùng ý nghĩa và thiêng liêng. Trong tâm khảm của tôi luôn khắc ghi rằng Trường Sa - quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nơi không chỉ có nắng, gió, những cơn bão, nơi có cây bàng vuông là biểu tượng của Trường Sa, mà còn có những cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân và các các em thiếu nhi đang ngày đêm bám biển, lao động, học tập, canh gác, bảo vệ chững chắc chủ quyền trên biển đảo của Việt Nam.
Đồng chí Lý Duy Xuân chụp ảnh cùng chiến sĩ trên đảo Trường Sa |
Đây là lần thứ 2 tôi được ra Trường Sa (lần đầu tiên cách đây 6 năm). Ngoài đảo, các chiến sĩ thiếu thốn rất nhiều, cả về các điều kiện vật chất, cả về tình cảm, nên hàng năm đoàn công tác Hà Nội phối hợp với Quân chủng Hải quân tổ chức đoàn ra thăm, tặng quà, động viên cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân tại Trường Sa.
Thực hiện chủ trương của thành phố Hà Nội và hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố về việc ủng hộ Quỹ “Vì biển đảo Việt Nam”, tôi là Phó Bí thư Thành đoàn được phụ trách hoạt động này và đã triển khai trong toàn Đoàn ủng hộ được gần 300 triệu đồng tiền mặt để ủng hộ quỹ và mua quà tặng các cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân trên đảo.
Đặc biệt, tôi đã phối hợp với Hội đồng Đội thành phố phát động trong thiếu nhi phong trào "Lá thư gửi nơi đảo xa" của thiếu nhi, giáo viên Thủ đô gửi tới thăm hỏi, động viên các chiến sĩ, Nhân dân và thiếu nhi trên quần đảo Trường Sa.
Tuổi trẻ Thủ đô luôn hướng về Trường Sa |
Đoàn của chúng tôi là đoàn công tác Trường Sa số 04, hành trình đi tàu KN491 từ ngày 19 - 27/4/2022. Trong hai ngày đầu gặp sóng to gió lớn, bão cấp 7, các thành viên đa số đều say sóng, tuy nhiên càng ra đến gần Trường Sa thì thời tiết đều đẹp và cả chuyến đi thì trời yên biển lặng, cả đoàn đều khoẻ mạnh.
Chuyến công tác của chúng tôi đi đến 9 đảo và 1 nhà giàn (gồm các đảo: Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Lớn, Sinh Tồn, Tốc Tan, Núi Le, An Bang, Đá Đông, Trường Sa lớn, nhà giàn DK1) trong tổng số 21 điểm đảo và 12 nhà giàn có lực lượng đóng quân của Việt Nam.
Cùng với quà tặng của thành phố, tôi thay mặt tuổi trẻ Thủ đô tặng nhiều phần quà tặng thiết thực, ý nghĩa khác như: 4 bộ máy tính, 4 bộ máy in, 5 chiếc xe đạp, 1 máy bơm nước, 5 quạt tích điện… cho các đảo Sơn Tử Tây, Trường Sa, Sinh Tồn, An Bang…
Bên cạnh các món quà thiết thực là các mòn quà ý nghĩa, tình cảm là hơn 250 bức thư, tranh vẽ, của thiếu nhi Thủ đô gửi tặng cán bộ chiến sĩ, Nhân dân và thiếu nhi trên các đảo, đóng dấu chủ quyền các đảo vào trực tiếp Bản đồ Việt Nam, trao tặng gần 200 chiếc huy hiệu đoàn, huy hiệu Hà Nội cho cán bộ chiến sĩ, làm phóng sự “Trường Sa trong trái tim tôi” đạt giải Nhất cuộc thi ảnh, phóng sự, bài viết trong chuyến đi.
Kỷ niệm với những các bạn trẻ là con của lính đảo Trường Sa |
Đặc biệt, trước chuyến công tác Trường Sa, Thành đoàn Hà Nội đã phát động phong trào “Thư gửi nơi đảo xa” đến cô và trò các trường tiểu học tại Hà Nội. Những lá thư, bức tranh, bưu thiếp được trực tiếp thiếu nhi Thủ đô viết, vẽ, gấp... tôi đã gửi trực tiếp đến tay các chiến sĩ tại 9 điểm đảo. Tại các buổi gặp mặt sinh hoạt, tôi đã đọc một vài lá thư tại các đảo Song Tử Tây, đảo Trường Sa, đảo An Bang, trạm Ra da 21, đảo Đá Đông… các chiến sĩ đã rất xúc động trước tình cảm của thanh thiếu nhi và Nhân dân Thủ đô dành tặng.
Nhiều thiếu nhi, nhiều cô giáo chưa từng được đến Trường Sa nhưng thông qua sách, báo, phim, ảnh, thời sự, tin tức mà cô và trò của Hà Nội đã viết các lá thư toát lên được sự tri ân, biết ơn rất lớn đến sự nỗ lực, vất vả, hy sinh của các chiến sĩ và cũng thể hiện sự tin tưởng tới các chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa để cho đất liền, để cho Thủ đô được bình yên.
Rau xanh đâm chồi bất chấp hoàn cảnh khắc nghiệt tại công trình vườn thanh niên trên quần đảo Trường Sa |
Trong hành trình, tôi đã đến trực tiếp 3 điểm trường học có thiếu nhi là đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa, mỗi đảo có từ 9-12 em, các trường học được thiết kế có phòng học và phòng thư viện với nhiều đầu sách.
Khi tôi đến, các em vẫn đang trên lớp được thầy giáo giảng bài. Khi biết có các cô chú Hà Nội từ đất liền ra thăm thì thầy giáo và các em học sinh đều rất vui mừng và đón tiếp chúng tôi. Tôi đã chia sẻ và gửi các lá thứ, bức thiếp, tặng đồ chơi cho các em, các em đã rất xúc động bởi tình cảm của cô chú đoàn Hà Nội nói riêng và thiếu nhi Thủ đô nói chung bởi khi đọc những lá thư đã thể hiện sự chia sẻ và động viên các bạn học sinh tiếp tục học tập, nỗ lực vươn lên, tiếp tục cùng bố mẹ, các chú chiến sĩ bám biển, học tập, bảo vệ biển đảo Tổ quốc.
Khi tôi hỏi các em mong muốn sau này làm gì và sau này có muốn giống như bố mẹ và các chú chiến sĩ canh giữ, bảo vệ biển đảo Tổ quốc không? Thì em nào cũng đều trả lời có mong muốn điều đó. Các em còn thuộc nhiều bài hát, bài thơ về Trường Sa, về biển đảo. Khi được hỏi các em đã hát và đọc thơ cho chúng tôi rất ý nghĩa. Nơi đây nắng gió khắc nghiệt, các điều kiện vật chất còn khó khăn nhưng ý chí, khát vọng vươn lên của các em là thứ chúng tôi thấy rõ nét nhất.
Gắn huy hiệu đoàn cho chiến sĩ đang công tác tại quần đảo Trường Sa |
Năm 2022 là năm Đại hội Đoàn các cấp, các chiến sĩ đều là những đoàn viên, trong trang phục khi thực hiện nhiệm vụ, các đồng chí 100% đều đeo huy hiệu Đoàn. Tôi đã mang ra hơn 200 chiếc huy hiệu đoàn, huy hiệu Hà Nội được thiết kế đẹp nhất để dàng tặng các cán bộ, chiến sĩ. Qua đó, mỗi chiến sĩ có động lực và tự hào về tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; Để mỗi đoàn viên, thanh niên là cán bộ chiến sĩ tiếp tục nỗ lực phấn đầu, rèn luyện, được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong chuyến đi, tôi có mang theo các tấm bản đồ Việt Nam có thể hiện rõ nét các điểm đảo, đến mỗi điểm đảo tôi đều có đóng dấu vào điểm đảo đó để thể hiện chủ quyền Tổ quốc. Sau chuyến đi, các bản đồ đó tôi sẽ dành tặng một số trường tiểu học, trung học cơ sở của Hà Nội và có buổi trao tặng tại lễ sinh hoạt dưới cờ thứ 2 hàng tuần để giáo dục truyền thống cho học sinh, để các em hiểu hơn về cuộc sống của các chiến sĩ, Nhân dân và các bạn thiếu nhi tại các đảo; Qua đó bồi đắp lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc cho lớp măng non, chủ nhân tương lai của Thủ đô và đất nước.
Có một Trường Sa trong lòng Hà Nội, Trường Sa trong trái tim tôi... |
Hành trình 9 ngày trên biển đã khép lại, với tôi và các thành viên đoàn đi đều cùng chung sự xúc động, chia sẻ, sự tri ân tới các cán bộ chiến sĩ, Nhân dân trên đảo; Cùng chung sự tự hào và càng tin tưởng tuyệt đối vào đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc Phòng, sự chung tay góp sức của các tỉnh, thành phố, các cấp, ngành trong bảo vệ biên cương biển đảo Tổ quốc.
Những ngày đầu có đôi chút say sóng nhưng đó mới thực là gia vị của chuyến đi biển đáng nhớ, ý nghĩa và thiêng liêng này. Có một Trường Sa trong lòng Hà Nội, Trường Sa trong trái tim tôi”.