Hành trình trở về quê hương mùa xuân và mẹ qua bài thơ "Hương đời" của Á hậu Trang Viên
Thú chơi tao nhã của người Hà Nội trong “mùa xuân Covid” |
Còn nhớ trong một cuốn sách tôi từng đọc có đoạn, một thanh niên nói với cha mẹ, nhà mình sao xa quá! Mẹ trả lời, nhà mình vẫn đấy thôi. Nhà mình, quê mình vẫn đấy tự xa xưa, chỉ có những đứa con như những cánh chim bay đi muôn nơi vì cuộc sống. Những đứa con đã đi xa rất xa nhưng trong thẳm sâu trái tim luôn có bóng dáng quê nhà.
Á hậu, nhà thơ Hoàng Thị Trang Viên |
Với thơ, tình yêu quê hương luôn là một đề tài gợi thương gợi nhớ, gợi lên tâm trạng xao xuyến cho mỗi người sáng tác, cho bạn đọc. Thật vậy, giữa một ngày xuân tĩnh tại, không gian ướp nồng nàn hương bưởi, mưa bụi bay bâng khuâng, tôi đã đọc "Hương đời" một bài thơ dịu nhẹ, sâu lắng của tác giả Trang Viên và thấy thật đồng cảm với tác giả ngay từ đoạn mở đầu:
Con về nơi ấy xa xôi
Vầng trăng gác nửa đỉnh trời gió lay
Tuổi thơ sông nước vơi đầy
Rạ rơm ủ ấm những ngày... cô đơn.
Nơi xa xôi ấy chính là quê nhà. Tác giả đi xa trở về quê hương. Nơi xa xôi ấy cũng là tuổi thơ. Tuổi thơ trở về trong vời vợi nỗi nhớ thương, nhớ những ngày tháng đầy khó khăn gian khổ đã trở thành dấu ấn sâu đậm không thể phải mờ. Chả thế mà hình ảnh rạ rơm cứ trở đi trở lại trong thơ của Viên, tôi còn nhớ bài "Rơm ơi", có những câu rất hay:
Nhọc nhằn nắng, nhọc nhằn mưa
Sợi rơm cõng cả sớm, trưa, cuộc đời.
Những gian khó được tác giả gửi gắm rất khéo léo trong hình ảnh rạ rơm. Rạ rơm của tuổi thơ ủ ấm cả tâm hồn con người, tâm hồn bình dị chan chứa yêu thương!
Cuộc hành trình trở về quê hương không chỉ đơn giản bằng khoảng cách địa lý mà tác giả còn trở về bằng cả trái tim đau đáu nỗi niềm. Tôi rất thích Viên trong hình ảnh một người con vô cùng hiếu thảo. Là người con, ai cũng yêu cha mẹ mình hết mực nhưng tình yêu cha mẹ trong cô gái này luôn tràn đầy, chan chứa trong những bài thơ trong những hình ảnh, lời nói, việc làm. Yêu mẹ gắn liền với nỗi xót xa:
Con về nhặt lại tủi buồn
Nặng vai mẹ gánh nửa hồn thương đau
Bàn chân ngập lớp bùn nâu
Thương cây lúa lép khát mầu tươi non
Những câu thơ rất gợi hình, gợi cảm. Cuộc đời lam lũ của mẹ gói trong mấy câu thôi mà rưng rưng xúc động. Mùa màng đâu chỉ đầy ruộng lúa căng tròn nhựa sống? Cuộc đời của mẹ đâu chỉ toàn ấm áp bình yên?
Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, cha mẹ cũng vẫn luôn là điểm tựa ấm áp cho con:
Tháng năm níu những mỏi mòn
Mẹ cha chắp ước mơ con vào đời
Con về nhặt những chiều rơi
Gom đầy giông gió đầy vơi nhọc nhằn.
Nếu chỉ nhìn vào hình ảnh bên ngoài Trang Viên, người ta chỉ thấy một cô gái hiện đại, trẻ trung, sôi nổi nhưng để hiểu được một con người, hãy đọc văn, thơ cô ấy. Văn là người, thơ là người. Những dòng chữ chắt lọc từ tâm hồn tinh tế, từ biết bao cảm xúc, từ nỗi cô đơn đau đáu, từ tình yêu cuộc sống sâu sắc.
Tôi thích đọc những vần thơ mộc mạc của Viên, cũng như thích nhìn hình ảnh của em trong bộ áo bà ba, chân trần hát dân ca. Đấy mới chính là con người thật nhất của Viên. Đằng sau ánh hào quang sân khấu, sau những bộ cánh lộng lẫy là một con người như vậy, chan chứa tình cảm với quê hương và gia đình:
Quê hương nâng nhịp bước chân
Đi xa để thấy thêm gần tình quê
Mùa xuân nắng mới tràn về
Đằm trong hương đất để nghe hương đời.
Trang Viên biết và hiểu rõ đâu là điểm tựa vững vàng của cuộc đời. Đó là quê hương, là gia đình nơi có mẹ, có cha có chị em thân thuộc. Nơi đong đầy kỉ niệm. Mà từ điểm tựa đó , Viên vươn lên, sống một cuộc đời sâu sắc, không tẻ nhạt, như tằm biết nhả tơ, như chú ong mật dâng hương cho đời.
Mong tâm hồn Viên mãi thanh xuân. Mong tình yêu thơ trong Viên luôn sáng mãi.
Đêm thơ nhạc họa "Hữu Ước và bài thơ Một mình" |
Ra mắt “Họa sĩ Mai Long – Những bức tranh như những bài thơ” |
Nhà báo Phùng Huy Thịnh và bài thơ "Tâm sự tiểu đội chốt biên cương" năm 1979 |