Hậu Giang trải thảm thu hút đầu tư công nghệ số
Hậu Giang đẩy mạnh công tác trợ cấp thất nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động Hậu Giang phải vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại |
Theo đó, khi doanh nghiệp (DN) đầu tư vào Khu Công nghệ số tỉnh Hậu Giang sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi, cụ thể như: Thuế thu nhập DN được miễn 2 năm, giảm 50% không quá 4 năm tiếp theo đối với thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới; thuế suất ưu đãi 17% trong thời gian 15 năm áp dụng đối với thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư được miễn tiền thuế đất, thuê mặt nước trong thời hạn 15 năm đối với dự án thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư (có ngành công nghệ thông tin).
Khu Công nghệ số tỉnh Hậu Giang cũng có chính sách ưu đãi về dịch vụ viễn thông của nhà cung cấp VNPT và Viettel; miễn phí cước đấu nối hòa mạng dịch vụ Internet; giảm 50% cước phí sử dụng dịch vụ internet trong 3 năm đầu tiên đối với các gói cước trong nước và quốc tế; giảm từ 30 - 50% phí triển khai các ứng dụng hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp…
Nhiều ưu đãi cho khi doanh nghiệp đầu tư vào Khu Công nghệ số tỉnh Hậu Giang |
Trước đó, tại buổi gặp gỡ doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh để kêu gọi đầu tư vào Khu Công nghệ số tỉnh Hậu Giang, rất nhiều ý kiến của các DN, nhà đầu tư đặt ra cho tỉnh liên quan đến công tác hỗ tuyển dụng lao động từ tỉnh khi DN có nhu cầu; các chính sách ưu đãi khi đầu tư vào tỉnh Hậu Giang; các dịch vụ nhà hàng, khách sạn của tỉnh; khát vọng của tỉnh trên đường phát triển…
Thông tin đến các DN, nhà đầu tư, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh có lợi thế từ nguồn lao động. Về hạ tầng giao thông, từ nay đến năm 2026, tỉnh có 100km cao tốc đi qua.
Hậu Giang có lợi thế gần sân bay Cần Thơ. Trong tương lai, đường sắt từ TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ về đến cửa ngõ của Hậu Giang và cảng Trần Đề (Sóc Trăng) hoàn thành sẽ góp phần tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông.
Về các chính sách ưu đãi theo Luật Đầu tư Việt Nam, khi DN đầu tư vào tỉnh sẽ có nhiều thuận lợi, ưu đãi.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thông tin thêm, ngoài chính sách ưu đãi, tỉnh có quan điểm thống nhất từ trên xuống dưới là “một văn hóa, một ngôn ngữ”, không có chuyện “trên trải thảm, dưới rải đinh”.
Đồng thời, ông Đồng Văn Thanh nhấn mạnh, với phương châm “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi đầu tư vào Khu Công nghệ số. Trong đó, tỉnh ưu tiên kêu gọi các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm để đầu tư vào khu công nghệ số, góp phần sự phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành liên quan hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư để tiếp cận các dự án, các vấn đề liên quan đất đai, hồ sơ thủ tục...
Bên cạnh đó, Hậu Giang ưu tiên phát triển hạ tầng số. Theo đó, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch phát triển hạ tầng số trên địa bàn giai đoạn 2023-2025 nhằm phát triển hạ tầng số đáp ứng yêu cầu thông tin liên lạc phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhu cầu thông tin liên lạc, giải trí của người dân trên địa bàn; phát triển hạ tầng số đáp ứng xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, phục vụ cho chuyển đổi số toàn diện của tỉnh.
Việc thành lập Khu Công nghệ số được xem là mũi nhọn đột phá, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang |
Hậu Giang từng bước nâng cao chất lượng mạng 4G, từng bước triển khai mạng 5G; phổ cập Internet băng rộng như một tiện ích thiết yếu, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa; tăng cường công tác quản lý nhà nước về hạ tầng viễn thông; tăng cường chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng viễn thông của tỉnh; đảm bảo an toàn, an ninh mạng lưới, giảm thiểu các sự cố mất thông tin liên lạc, đảm bảo môi trường, cảnh quan đô thị.
Mục tiêu cụ thể đến 2025, tỷ lệ ấp, khu vực được phủ băng rộng di động đạt 100%; tỷ lệ UBND cấp xã kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng đạt 100%.
Tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 80%; tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập Internet băng rộng cáp quang đạt 80%; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 95%; tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập Internet đạt 90%.
100% hoạt động sản xuất của các DN tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được hỗ trợ ứng dụng IoT (khi có nhu cầu).
Ngoài ra, 100% cơ quan, tổ chức nhà nước, 70% DN sử dụng nền tảng số phục vụ chuyển đổi số. Tỉnh sẽ hình thành hệ sinh thái nền tảng số đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số, được sử dụng sâu rộng để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn góp phần quan trọng để đạt được các chỉ tiêu chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Khu công nghệ số tỉnh Hậu Giang thành lập theo quyết định số 285 ngày 24 tháng 2 năm 2023 của UBND tỉnh Hậu Giang. Việc thành lập Khu Công nghệ số được xem là mũi nhọn đột phá, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong tương lai. Khu Công nghệ số tỉnh Hậu Giang được quy hoạch trên khu đất sạch diện tích 28,5 hecta tại ấp 4, xã Vị Tân, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Dự án gồm 2 giai đoạn gồm xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xây dựng các phân khu chức năng. Hiện đã có 5 DN cam kết đầu tư vào dự án. |