Hà Nội mùa Vu lan lặng lẽ
Công an TP Hà Nội phát động chiến dịch “Chung sức vì cộng đồng” |
Hôm nay Hà Nội lạ lắm. Ô cửa sổ lúc thì sáng bừng lên, lúc tối sầm lại. Nếu ngó ra bên ngoài, bạn sẽ có chút quáng mắt. Đấy là tại ở lâu ngày trong nhà đó mà. Trời Hà Nội hôm nay mây xanh thì xanh đến tận cùng và trắng thì trắng bông phơ. Đó chính là nguyên nhân việc lúc sáng bừng, lúc tối sầm lại khi mây trắng bay qua mặt trời. Điều đó cũng chứng tỏ, mùa thu đã thực sự về rồi.
Đối với nhiều người, cả tháng giãn cách vừa qua ở tịt trong nhà thành quen, cớm nắng rồi, ra ngoài sẽ thành hơi bỡ ngỡ. Còn với khá nhiều người được tạo điều kiện làm việc online ngay từ khi làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19 bùng phát, thời gian ở nhà đã lên tới hơn 100 ngày.
Phố phường Hà Nội lặng lẽ trong những ngày giãn cách |
Không sao cả, mãi rồi cũng thành quen. Đi làm cả đời, chen chúc tắc đường cả đời, nghẹt thở phóng xe từ đầu này đến đầu kia thành phố cả đời, cơm hàng cháo chợ cả đời, một vài tháng ở nhà, coi như là thời gian nghỉ ngơi, bảo dưỡng cho “cỗ máy” cơ thể đi. Nhất là sự lặng lẽ đối nghịch với ồn ào, gấp gáp này lại mang đến cho ta nhiều giá trị tinh thần, hướng nội, chăm lo cho gia đình hơn những tháng ngày triền miên hướng ngoại, tất bật vì công việc, vì lo toan kia.
Trong các nhóm chat Zalo, Facebook, người người nhà nhà buôn chuyện rào rào. Hình ảnh các trang mạng xã hội cũng phong phú với các chủ đề bếp núc, trồng cây, tưới hoa, cải tạo nhà cửa. Nhất là các bà mẹ trẻ, liên tục khoe nhau hình ảnh các món ăn do mình kì cạch bỏ công vào bếp. Nào là bánh mì, phở tự nấu, bít tết, sườn nướng, chè sen long nhãn, trà sữa trân châu, thạch rau câu… Tự làm hết đấy chứ, hàng quán nào mở cho mà ăn vào giờ này.
Tự hào lắm, bởi đây là thành quả sau bao lần thất bại. Các công thức được chia sẻ, kinh nghiệm được đúc rút, các phong trào nữ công gia chánh lên cao ngút trời. Đừng nói đó chỉ là giết thời gian, đó còn là cách mỗi chị em phụ nữ tự khám phá bản thân, thêm việc làm, còn mang đến cho lũ trẻ những món ăn ngon. Mà bọn trẻ con, ở nhà lâu ngày cuồng cẳng cũng chán lắm rồi. Nếu không có việc cho nó làm, không có cái mới lạ cho nó ăn, nó chơi thì cũng phiền hà rắc rối to.
Trước kia, ra hàng thích gì gọi món nấy, vừa văn vừa buôn chuyện, vị nào có lẽ cũng từa tựa vị nào. Giờ tự mình làm lấy, chỉ thêm bớt chút gia giảm là đã có vị khác rồi. Hóa ra, không phải mình không làm được, mà chẳng qua mình lười, mình vội mà thôi. Hóa ra, phụ nữ Hà Nội đảm đang cũng là bởi, có nhiều cơ hội được ăn ngon. Ăn ngon rồi thì nhớ vị. Nhớ vị rồi thì lúc cần (chẳng hạn như lúc này) mang ra làm cho chồng con ăn. Cứ vòng quay như thế, nghỉ bao nhiêu cũng không thấy nhàm chán, nhất là nghỉ trong nhà lại còn mang đến sự an toàn cho cả gia đình và cho toàn thành phố.
Trong nhóm chat, chị em lại bàn nhau, sắp rằm tháng 7 rồi, cúng gì. Khu nhà chị Liên hàng quán dẹp sạch, muốn đi chợ thì phải vượt quãng đường khá xa. Hôm trước ngày mùng một đầu tháng, chị đã chỉ có thể mua ít bánh trái bày lên bàn thờ các cụ. Rằm tháng 7, ngày lễ quan trọng trong năm, hàng quán chưa mở lại, chị xác định cũng lại chỉ bánh trái chứ hoa và vàng mã là thứ rất khó kiếm trong những ngày này.
Hình ảnh những chiếc xe chở vàng mã dịp lễ Vu lan không còn trong những ngày này |
Cô em cùng cơ quan dưới mạn Hà Đông bảo nếu cần mua tiền vàng, quần áo các cụ, quần áo chúng sinh, ngựa xe, hoa tươi thì em mua hộ rồi ship cùng đồ ăn và rau củ lên. Chị Liên nghĩ một hồi rồi trả lời, thôi để chị kiếu các cụ, chắc các cụ cũng thông cảm. Cả nghìn năm nay mới có đợt giãn cách như thế này. Shipper đi đường cồng kềnh, nếu bị phạt thì khổ thân người ta.
Nói đến đây lại nhớ, cữ này hàng năm, xe chở vàng mã kìn kìn đầy đường. Khắp từ đường to phố nhỏ, những xe ba gác, xe máy, cả gánh hàng rong chở ngựa, xe, tiền giấy xanh đỏ tím vàng đặc trưng len lỏi đi đến muôn nơi. Rồi thì những túm bỏng ngô, bỏng gậy, bỏng gạo nhuộm xanh nhuộm đỏ lồng phồng để cúng chúng sinh treo trên quang gánh, bày đầy mặt sàng, mặt thúng của những bà hàng rong, ai trên đường tan tầm vội vã hối hả vẫn cố đỗ lại để mua sắm cho mâm cỗ tiết Vu lan được đủ đầy.
Xưa kia rằm tháng 7 chỉ cúng ngày rằm. Cuộc sống hiện đại bận rộn, nhất là ở Hà Nội, ai thu xếp được ngày nào cứ cúng từ ngày đó. Thế là, cứ từ mùng 7, mùng 8 Âm lịch đổ đi người ta đã rải rác bày cỗ cúng rằm. Cũng bởi vậy, hoạt động bán mua chuẩn bị cho ngày rằm tháng 7 cũng rộn rịch từ giữa tháng 6 đổ đi.
Song song với việc mua sắm, lễ Vu lan phổ độ chúng sinh, lễ cầu siêu, phóng sinh tại các đền chùa cũng nhộn nhịp thu hút người dân đến dâng hương, dâng hoa. Ở Hà Nội, có rất nhiều điều đáng lo ngại kèm theo lễ Vu lan mà mọi năm cứ “đến hẹn lại lo”, ấy là nạn đốt vàng mã tràn lan khắp trong nhà, ngoài vỉa hè, ven hồ, đốt xong để mặc tro tàn vàng mã bay mù mịt ảnh hưởng người đi đường, gây hỏa hoạn hay hất xuống hồ làm ô nhiễm mặt nước. Năm nào cũng vậy, dù được tuyên truyền về lối sống văn minh, ý thức, ứng xử văn hóa nhưng vẫn còn hiện tượng một bộ phận người dân phớt lờ quy định, mặc kệ văn minh, cứ làm cho được việc mình đã.
Giờ thì đã sắp ngày rằm, phố phường lặng lẽ. Một mùa Vu lan lặng lẽ hiếm thấy hay nói chính xác chưa từng có của Hà Nội. Tiếng chuông chùa không ngân vang, phố xá không người bán mua vàng mã, chắc hẳn cũng chẳng ai liều mình mang vàng mã ra vỉa hè, bờ hồ đốt để nhận phạt. Hỏi như vậy, Vu lan có buồn không?
Câu trả lời, khác mọi năm thì có nhưng buồn thì chắc là không. Hoàn cảnh đặc biệt khiến chúng ta từ bỏ những nếp sống, thói quen tồn tại cả nghìn năm. Sửa soạn mâm cỗ thiếu đi lọ hoa, thiếu đi những bộ quần áo cho ông bà tổ tiên, cho chúng sinh, thiếu ngựa xe, thiếu đi những thứ mọi năm vẫn cúng, ta sẽ thấy quý hơn, trân trọng hơn, mong mỏi hơn những ngày bình thường trước đây.
Việc đốt vàng mã tràn lan trên vỉa hè, lòng đường cũng không còn nữa |
Không đốt vàng mã, không bày tràn lan ra vỉa hè, bờ hồ, chúng ta sẽ nhận ra, vậy thì thay đổi thói quen cũng chẳng sao, ông bà tổ tiên không vì thế mà buồn, mà trách phạt, mà không phù hộ chúng ta. Vàng mã, ngựa xe, tiền giấy… tất cả chỉ là quan niệm. Khi quan niệm thay đổi thì hành vi thay đổi. Hành vi đã thay đổi thì đương nhiên ta sẽ so sánh để nhận ra, cái gì là phù hợp với mỗi gia đình, mỗi hoàn cảnh.
Trong mùa Vu lan lặng lẽ hiếm hoi của Hà Nội này, có những thứ không hề lặng lẽ mà còn sôi nổi, nhộn nhịp hơn. Ai đó nói rằng, mùa dịch Covid- 19 như thế này, điều quý nhất chính là cả gia đình còn được đầy đủ ngồi bên mâm cơm với nhau. Đó cũng chẳng phải là điều quý nhất trong cuộc đời mỗi người hay sao? Đó cũng chẳng phải là một phần ý nghĩa của lễ Vu lan hay sao? Ông bà khỏe mạnh, cháu chắt quây quần, đó là chữ hiếu mà người làm con đã báo đáp được cho đấng sinh thành.
Vì thế, mùa Vu lan cũng là mùa dịch bệnh, trong mỗi ngôi nhà Hà Nội, những người trưởng thành chú ý hơn đến lời ăn tiếng nói, đến cử chỉ, chăm lo cho bữa cơm, cho sức khỏe bố mẹ. Những ai có bố mẹ già ở quê xa, thì hãy làm bố mẹ bớt lo lắng bằng cách hỏi han thường xuyên, bản thân mình ở trong nhà, chấp hành quy định phòng chống dịch nghiêm túc, giữ sức khỏe để đấng sinh thành bớt lo lắng.
Cũng như thế, chúng ta, những người làm cha làm mẹ hôm nay mang đến một không khí gia đình đầm ấm để con cái sau này lớn lên có kí ức gia đình, có tình yêu thương của cha mẹ, lấy làm nền tảng để báo đáp khi chúng ta về già. Đó chẳng phải là cách tạo dựng những mùa Vu lan bền vững không bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh, địa lý, xã hội trong tâm trí mỗi người hay sao?
Làm được như vậy, thì mùa Vu lan của Hà Nội năm nay chỉ lặng lẽ bên ngoài, thực chất bên trong vẫn âm thầm sôi động, ý nghĩa và thiết thực. Để nhiều năm sau, chúng ta sẽ vẫn nhớ về một Vu lan đặc biệt này.
Bài 3: Phát huy tinh thần "sống mãi với Thủ đô" |
Bài 2: Những sẻ chia thắp sáng tình người trong dịch bệnh |
Bài 1: Kiên quyết đấu tranh loại trừ phần tử xấu |