Hiện đại hoá công tác khí tượng thủy văn quốc gia
Trạm radar thời tiết Pleiku mới được đưa vào vận hành đầu năm 2019
Bài liên quan
Thời tiết Hà Nội cuối tuần có mưa dông, khả năng xảy ra lốc, sét
Dự báo Bắc Bộ cuối tuần nắng nóng, đầu tuần mưa dông
Người dân Đà Nẵng quay cuồng dưới cái nóng 38 độ C
Bão số 1 đi vào Trung Quốc, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
Bão số 1 có khả năng mạnh lên, Bắc Bộ đề phòng lốc xoáy
Khả năng chiều và tối nay khu vực Hà Nội sẽ có mưa dông
Biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp, khó lường
Biến đổi khí hậu đang diễn ra từng ngày, từng giờ, gây ra những hậu quả nghiêm trọng như tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước, hiện tượng nóng lên toàn cầu trên phần lớn các khu vực hiện nay. Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong giai đoạn 2010-2019 và 5 năm gần đây có nhiệt độ cao nhất trong 140 năm qua.
Song song với đó là hiện tượng thiên tai, lũ lụt. Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính chung 3 tháng đầu năm 2020, thiên tai đã làm cho 9 người chết; 18 người bị thương; 39,3 nghìn hecta lúa và gần 7 nghìn hecta hoa màu bị hư hỏng; 24 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; hơn 23 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong quý I/2020 ước tính gần 934,4 tỷ đồng, gấp 9 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Do đó, việc tăng cường công tác dự báo theo hướng hiện đại, tiếp cận theo tổ chức Khí tượng thế giới là dự báo tác động của khí tượng thuỷ văn đến các ngành nghề như: Nông nghiệp, ngư nghiệp, giao thông vận tải, y tế, du lịch… sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội.
Tổng cục Khí tượng thủy văn hiện đã có một hệ thống quan trắc ở quy mô quốc gia với các trạm đo khí tượng thủy văn, hải văn ở khắp các vùng miền từ vùng hải đảo xa xôi đến các vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa. Cụ thể, khoảng 1.500 trạm khí tượng thủy văn, hải văn khác nhau từ thủ công đến đo tự động; kèm theo đó là các radar thời tiết khá hiện đại (10 radar ở các khu vực khác nhau) cũng như là hệ thống định vị sét ở quy mô định vị sét toàn cầu.
Với hệ thống quan trắc như vậy, Việt Nam đang có được mạng lưới số liệu từng giờ, từng phút về hiện trạng khí tượng thủy văn và hải văn ở quy mô toàn quốc. Các số liệu này thường xuyên được truyền về Trung tâm và tạo thành một cơ sở dữ liệu tập trung, thông suốt trong toàn ngành khí tượng thủy văn. Hệ thống cơ sở dữ liệu này có khả năng kết nối toàn cầu để thu nhận các loại dữ liệu vệ tinh; đồng thời, chia sẻ ngược lại với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.
Tuy nhiên, theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, đến năm 2030, nước ta phải hoàn thành gần 10.000 trạm quan trắc khác nhau. Do vậy, hiện chỉ đạt được khoảng gần 30% so với quy hoạch. Mặt khác, các trạm quan trắc phân bố không đồng đều, chủ yếu là ở vùng đồng bằng, thuận tiện. Còn những vùng có điều kiện biến động bất thường về khí tượng thủy văn như vùng sâu, vùng xa, ngoài biển... rất thưa.
Một số các trạm đo vẫn là trạm thủ công đã tạo nên áp lực về nguồn nhân lực ở những trạm này cũng như khó khăn trong truyền tin, thu thập đồng thời tất cả các nguồn tin trong cùng một thời điểm.
Đầu tư xây dựng các hệ thống hỗ trợ kỹ thuật, phát triển công nghệ dự báo số
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Lê Công Thành cho biết, với chủ đề của Ngày Nước thế giới và Ngày Khí tượng thế giới năm nay, vai trò của việc đo đạc giám sát lượng mưa trên phạm vi toàn cầu để xây dựng một cơ sở dữ liệu chung, chia sẻ cho các mục đích khác nhau, từ nghiên cứu khoa học đến quản lý tài nguyên nước để sử dụng tối ưu nguồn nước cho phát triển kinh tế-xã hội và phòng chống thiên tai là điều cấp thiết.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng bắt tay ngay vào những hành động cụ thể. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hoàn thiện hệ thống thể chế, hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách phục vụ cho hoạt động khí tượng thủy văn phát triển; khuyến khích, đa dạng hóa, xã hội hóa hoạt động khí tượng thủy văn, tạo cơ sở phát triển thị trường dịch vụ khí tượng thủy văn, tiến tới xây dựng nền công nghiệp khí tượng thủy văn ở nước ta.
Đặc biệt, tăng cường nguồn lực cho các hoạt động khí tượng thủy văn quan trọng, ưu tiên đẩy nhanh tiến độ tự động hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn, quan trắc nguồn nước, xâm nhập mặn; tăng mật độ trạm đo ở vùng thượng nguồn các con sông, tăng hệ thống ra đa thời tiết để nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn, nguồn nước, trong đó gồm cả dự báo tác động, rủi ro thiên tai, cảnh báo sớm.
Đồng thời, đầu tư xây dựng các hệ thống hỗ trợ kỹ thuật, phát triển công nghệ dự báo số, tiên tiến, bao gồm dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, các mô hình, các số liệu thời gian thực sử dụng tối ưu số liệu vệ tinh, radar, số liệu hồ chứa…