Hiện đại hóa tàu cá nâng cao hiệu quả khai thác hải sản
Những năm gần đây, tuy hoạt động khai thác hải sản phát triển mạnh cả về lượng và chất nhưng lại đang gặp phải khó khăn khi nguồn lợi thủy sản ven bờ đang dần cạn kiệt. Trong khi số tàu thuyền khai thác vùng ven bờ và vùng lộng khá lớn thì lượng tàu khai thác xa bờ còn ít, chủ yếu là tàu vỏ gỗ thô sơ.
Với mỗi ngư dân, việc đóng tàu công suất lớn để vươn khơi là niềm mơ ước. Bởi đánh bắt xa bờ, hiệu quả kinh tế sẽ tăng lên, sản lượng thu về lớn. Đồng thời, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Trong khi, đánh bắt gần bờ làm suy giảm, thậm chí cạn kiệt nguồn tài nguyên quan trọng này.
Thời gian qua, ngư dân phường Quảng Tiến (thị xã Sầm Sơn, Thanh Hoá) đã tích cực đóng tàu lớn, đầu tư ngư lưới cụ, hệ thống thiết bị khai thác hiện đại để nâng cao năng lực khai thác hải sản. Ngoài đánh bắt theo truyền thống, nhiều ngư dân phường Quảng Tiến đã mạnh dạn đầu tư tàu có công suất lớn tham gia đánh bắt cá ngừ đại dương tại ngư trường xa bờ, có hiệu quả kinh tế cao ở các tỉnh phía Nam, trong đó có ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa.
Không riêng gì ngư dân ở thị xã Sầm Sơn, hầu hết ngư dân ở các địa phương ven biển của tỉnh Thanh Hóa, như: Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Tĩnh Gia... đều mong muốn được cải hoán tàu thuyền để tăng hiệu quả đánh bắt, phát triển kinh tế. Hiện nay, toàn tỉnh Thanh Hoá có 7.055 tàu thuyền, tổng công suất 442.874 CV. Trong đó, tàu có công suất từ 90 CV trở lên là 1.531 chiếc, chỉ chiếm 20,4%. Việc đóng mới, cải hoán tàu nhỏ thành tàu có công suất lớn đang được đông đảo ngư dân hưởng ứng chuyển đổi mạnh mẽ.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo báo cáo của các địa phương, đến giữa năm 2017 đã có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 tàu; trong đó đóng mới 1.510, đạt 66,11 %... Đến 31/7/2017 đã có 761 tàu cá đóng mới đi vào hoạt động, trong đó có 301 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp đi vào hoạt động sản xuất.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, đến nay, các ngân hàng thương mại đã tiếp cận 1.304 trong tổng số 1.361 chủ tàu được các địa phương phê duyệt để hướng dẫn hồ sơ, thủ tục vay vốn. Trong đó, các ngân hàng thương mại đã nhận được 605 bộ hồ sơ đề nghị vay vốn của chủ tàu tại 27 tỉnh, thành phố; ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 385 tàu (đóng mới 365 tàu, nâng cấp 20 tàu) với tổng số tiền gần 3.900 tỷ đồng.
Tàu đánh cá của ngư dân
Theo đó, mức cho vay theo nhu cầu của khách hàng từ 60% đến 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu thuyền; tài sản bảo đảm là chính con tàu. Giải ngân và dư nợ đến thời điểm này đạt gần 2.000 tỷ đồng. Về kết quả cho vay vốn lưu động, các ngân hàng thương mại đã thực hiện giải ngân cho 204 lượt khách hàng, với tổng số tiền gần 64 tỷ đồng tại các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Tiền Giang, Phú Yên, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Bạc Liêu. Đây là nguồn vốn được ngư dân đưa vào nâng cấp tàu (60 tàu giải ngân 100%, 155 tàu giải ngân 50% đến 99%, còn lại 170 tàu giải ngân dưới 50% tổng số tiền cam kết cho vay theo hợp đồng tín dụng).
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong những năm tới phát triển nghề khai thác hải sản xa bờ, trong đó có khai thác viễn dương, được xác định là một trong những hướng đi chính trong chiến lược phát triển kinh tế biển.
Để thực hiện được mục tiêu này, cần phải dần thay thế đội tàu cá vỏ gỗ bằng tàu vỏ thép và composite, được trang bị các thiết bị hiện đại và đồng bộ. Tàu vỏ thép có nhiều ưu điểm hơn hẳn so với tàu vỏ gỗ như: độ bền cao, kín nước, hầm bảo quản hiện đại, có khả năng làm nhiều nhiệm vụ trên biển. Thế nhưng, cả nước hiện mới có 332 tàu cá loại này. Nhiều tàu cá vỏ thép trong số này được đóng từ năm 2014 đến nay theo Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Thực hiện chủ trương giảm dần tàu cá có công suất dưới 20CV, tăng tàu có công suất lớn vươn khơi khai thác hải sản của Chính phủ, trong những năm qua, ngư dân các địa phương ven biển các tỉnh đã đầu tư, cải hoán tàu cá có công suất lớn vươn khơi xa, nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ.
Đại diện Chi cục Thủy sản Ninh Thuận cho biết, xu hướng chọn composite thay thế vật liệu gỗ đã trở thành phổ biến, chiếm ưu thế thực sự. Ngư dân Ninh Thuận đã đăng ký đóng tàu composite vượt cả khả năng tiếp nhận của các cơ sở đóng tàu loại này. Điều này cho thấy, tư duy của ngư dân đã chuyển biến rõ nét, xu hướng chọn vật liệu mới, hiện đại thay thế vật liệu gỗ truyền thống đã trở thành ưu tiên hàng đầu khi đóng mới tàu cá.
Theo ông Nguyễn Văn Đạt, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy, Trường Đại học Nha Trang - đơn vị đóng tàu composite, điều kiện cho sự phát triển của tàu cá vỏ composite ở Việt Nam đã có chuyển biến rõ rệt. Số lượng tàu cá vỏ composite được sản xuất từ năm 2014 đến nay đã nhiều hơn số tàu cùng loại ra đời trong 25 năm trước đó.
Hạn chế lớn nhất trong việc phát triển đội tàu cá hiện đại vỏ thép và composite là chi phí để đóng mới còn cao, bình quân khoảng 12 đến 14 tỷ đồng/chiếc, tùy kích cỡ và trang thiết bị trên tàu. Theo các đơn vị đóng tàu, giá thành tàu vỏ thép và composite sẽ giảm nếu như ngư dân đóng hàng loạt với những mẫu đã được thiết kế sẵn.
Bên cạnh phát triển đội tàu cá hiện đại đánh bắt xa bờ đóng bằng vật liệu mới, ngư dân cũng được hỗ trợ đầu tư thiết bị hiện đại và đồng bộ. Trong đó, chủ yếu là trang bị các loại máy trực canh, giám sát tàu cá, radar hàng hải và nhất là các máy dò tìm đàn cá như: Máy dò ngang sonar, thiết bị dò và báo cáo sản lượng cá tập trung để khai thác…
Ông Nguyễn Văn Tính, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Vĩnh Thọ (thành phố Nha Trang, Khánh Hòa), có tàu công suất lớn làm nghề lưới kéo được trang bị máy dò ngang sonar, cho biết: “Máy dò ngang sonar như “mắt thần” đặt dưới ky tàu, giúp ngư dân biết thông tin về đàn cá với độ tin cậy cao. Vì thế, hiệu quả kinh tế mỗi chuyến biển tăng khoảng 150%. Hiện nay, nhiều ngư dân đã trang bị loại máy này cho các tàu cá làm nghề vây rút, lưới kéo…”.
Với sự mạnh dạn đầu tư của bà con ngư dân cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đội tàu đánh bắt xa bờ tại các tỉnh ven biển ngày càng hiện đại. Năng lực khai thác hải sản ngày một tăng lên, giúp ngư dân yên tâm bám biển dài ngày, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
* Đây là bài viết tuyên truyền về biển, đảo, bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2017