Hiến kế xây dựng tín chỉ carbon, giảm phát thải ròng bằng 0
Đẩy mạnh giảm phát thải carbon để bảo vệ hệ sinh thái rừng Xây dựng thị trường tín chỉ carbon, hướng đến phát triển xanh bền vững |
Tại toạ đàm “Tín chỉ Carbon - chìa khóa chuyển đổi sang một thế giới phát thải ròng bằng 0” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công ty Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam tổ chức ngày 28/11 đã có 5 bài tham luận và 2 phiên thảo luận sôi nổi.
Không gian buổi toạ đàm “Tín chỉ carbon - chìa khóa chuyển đổi sang một thế giới phát thải ròng bằng 0” sáng 28/11 |
Các phiên thảo luận, tham luận xoay quanh 2 chủ đề "Quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên vì mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam" và "Tín chỉ Carbon - giải pháp bảo vệ môi trường thông qua chuyển đổi xanh trong sản xuất và tiêu dùng".
Thông qua tọa đàm, các đơn vị chuyên môn đã cung cấp thông tin về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và quá trình nghiên cứu, xây dựng quy định về tín chỉ carbon; đóng góp ý kiến, sáng kiến về công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là hiến kế xây dựng thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam...
Phải hạch toán kinh tế, môi trường
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) trình bày tham luận |
Phát biểu tham luận, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Chính phủ đang triển khai các giải pháp để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào năm 2050 và thực hiện theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh, chuyển đổi xanh, chuyển đổi tuần hoàn trong thời gian tới là yêu cầu bắt buộc của Việt Nam và các doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện nếu muốn tham gia vào nền thương mại và đầu tư toàn cầu.
Các quy định về xuất khẩu, quy định về IUU trong xuất khẩu thủy sản đều đưa ra những yêu cầu rất khắt khe mà Việt Nam phải tuân thủ. Để nước ta làm được điều đó, theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ chúng ta phải hạch toán kinh tế và môi trường, đảm bảo thực hiện theo chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030.
"Các doanh nghiệp nhỏ rất cần sự chung tay, hỗ trợ của Trung ương Đoàn, của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và của Nhà nước để các doanh nghiệp hạch toán carbon đáp ứng yêu cầu của các nước phát triển, của quốc tế", PGS.TS Nguyễn Đình Thọ nói.
Thay đổi tư duy từ doanh nghiệp
Ông Phạm Hoàng Hải, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VCCI) đóng góp ý kiến |
Ông Phạm Hoàng Hải, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện tại doanh nghiệp đang chịu rất nhiều khó khăn, thách thức cần có sự thay đổi tư duy để tồn tại và phát triển trong xã hội hiện nay.
Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng đứng trước những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt và khó lường, tác động đến tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh và dẫn đến những rủi ro trong sản xuất kinh doanh, mất đi khả năng về thị trường cũng như phát triển sản xuất.
Trong khi đó, các Chính phủ và thị trường Âu, Mỹ ngày càng đưa ra nhiều hơn những hàng rào kỹ thuật và yêu cầu các doanh nghiệp phải tuân thủ nếu chúng ta muốn bán hàng cho họ. Mặt khác, các ngân hàng, nhà đầu tư yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn phát triển bền vững.
Do đó, ông Phạm Hoàng Hải cho rằng, các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận và luôn luôn sáng tạo thực hiện các giải pháp để hạch toán bài toán môi trường vào các bài toán kinh tế, xây dựng các mô hình kinh doanh nhằm thích ứng tốt hơn.
"Doanh nghiệp cần đưa ra nhận định ESG (Bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững, ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng) là xu thế tất yếu, không phải lựa chọn", ông Hải nhấn mạnh.
Để doanh nghiệp làm được điều đó, ông Hải đề xuất doanh nghiệp Việt xác định ưu tiên ESG; xây dựng chiến lược ESG; thúc đẩy tính minh bạch và công bố báo cáo ESG; xây dựng văn hóa ESG trong doanh nghiệp; hợp tác với các đối tác, các bên liên quan ESG; quản lí rủi ro ESG; nghiên cứu, đầu tư phát triển ESG; đào tạo, giáo dục ESG và giám sát, đánh giá ESG.
Sẽ đưa nhiều giải pháp đồng bộ
Phó Trưởng ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn Vũ Minh Thảo phát biểu |
Theo Phó Trưởng Ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn Vũ Minh Thảo, bên cạnh những kết quả nổi bật trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, các cấp bộ Đoàn trên toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại, cần có những giải pháp khắc phục cụ thể.
Vì vậy, trong thời gian tới Trung ương Đoàn sẽ đưa ra các giải pháp đồng bộ như: Tăng cường phối hợp giữa các ngành, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế để khai thác các nguồn lực, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động về bảo vệ môi trường của thanh niên, thiếu niên.
Trung ương Đoàn cũng sẽ tiếp tục đề xuất với Chính phủ đăng ký thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường như trồng rừng, xây dựng các làng thanh niên, khu kinh tế thanh niên, phát triển các ngành nghề thân thiện môi trường.
"Đồng thời, Ban Thanh niên nông thôn sẽ tham mưu các nội dung trọng tâm trong bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu liên quan đến các chính sách mới để cụ thể hóa trong các cấp bộ Đoàn; phối hợp các cơ quan ban ngành, các doanh nghiệp triển khai các mô hình bảo vệ môi trường, đẩy mạnh tuyên truyền đến các nhóm đối tượng, địa bàn để nhân rộng các mô hình, cách làm hay", Phó Trưởng ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn Vũ Minh Thảo nhấn mạnh.