Hiệp Hòa (Bắc Giang): Nâng cao hiệu quả công tác vận động tự tháo dỡ công trình vi phạm
UBND huyện thực hiện quyết định cưỡng chế áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với công trình vi phạm gia đình bà Đ.T.Q tại xã Lương Phong |
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TU ngày 11/6/2020, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang về việc tăng cường kiểm tra, thanh tra để xử lý các vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai, UBND huyện Hiệp Hòa đã chỉ đạo UBND xã, thị trấn rà soát toàn bộ các công trình vi phạm đất đai. Cùng với việc xem xét xử lý trách nhiệm, các cán bộ để xảy ra vi phạm tại địa bàn, UBND huyện chỉ đạo quyết liệt xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.
Trước tình hình đó, bên cạnh những biện pháp cứng rắn, kiên quyết xử lý nghiêm công trình vi phạm, UBND huyện chỉ đạo Công an huyện phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành công tác tuyên truyền vận động để người dân hiểu rõ sai phạm của mình.
Công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Lương Phong tự giác tháo dỡ |
Theo quy định của pháp luật, những công trình xây dựng trên đất nông nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Trường hợp tổ chức, cá nhân không chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm. Tuy nhiên, đây là biện pháp cuối cùng, cơ quan chức năng và cá nhân vi phạm đều không mong muốn. Quá trình thực hiện thường kéo theo nhiều vấn đề phức tạp, lãng phí cả về nhân lực và tiền bạc, tài sản.
Để giải quyết những bất cập trên, công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân được coi là “chìa khóa” tháo gỡ “nút thắt” tạo sự đồng thuận của người dân.
Công trình vi phạm của gia đình ông T.Đ.L tại xã Lương Phong tự giác tháo dỡ |
Công an huyện Hiệp Hòa đã chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ, Công an các xã, thị trấn trực tiếp đến hộ gia đình có công trình vi phạm, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Điển hình như Công an các xã Đông Lỗ, Lương Phong, Thái Sơn… với phương châm vận động “mưa dầm thấm lâu” đã tác động tích cực, nhận được sự đồng thuận của người dân, tự giác tháo dỡ công trình vi phạm.
Ngoài ra, các đơn vị Công an xã đã rất chú trọng công tác phối hợp với các ban, ngành tại cơ sở, thực hiện tuyên truyền không để phát sinh trường hợp vi phạm mới, cũng như vận động tháo dỡ ngay từ khi mới vi phạm, để tránh thiệt hại về kinh tế cũng như pháp lý cho người dân.
Gia đình ông D.V.T xã Thái Sơn tự giác tháo dỡ công trình vi phạm |
Bên cạnh đó, tại mỗi công trình vi phạm, Công an huyện Hiệp Hòa đều phối hợp với các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, rà soát, kiểm tra, thẩm định các căn cứ pháp lý, hồ sơ thủ tục liên quan đến áp dụng biện pháp cưỡng chế.
Xã Châu Minh là địa phương giáp với Khu Công nghiệp Hòa Phú, đặc thù mật độ dân số đông, một số thôn phát triển ngành nghề gỗ. Tình trạng phát triển nóng về nhà ở cũng như cơ sở kinh doanh ngành nghề, tình trạng quản lý lỏng lẻo về đất đai trước đây, đã dẫn đến có nhiều vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp. Trong thời gian tới, với sự chỉ đạo quyết liệt từ huyện, xã Châu Minh phối hợp với các ban, ngành đã và đang vào cuộc giải quyết các vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng trên đất nông nghiệp.
Hai trường hợp tại xã Đông Lỗ tháo dỡ công trình vi phạm |
Thực tế cho thấy, nhiều người dân xây dựng công trình vi phạm xuất phát từ nhận thức pháp luật còn hạn chế, công tác quản lý nhà nước về đất đai tại một số nơi, một số lúc còn buông lỏng. Do đó, công tác tuyên truyền phải được chú trọng nhằm giúp người dân hiểu và đồng thuận. Đối với những trường hợp không chấp hành, thì phải áp dụng giải pháp cuối cùng là cưỡng chế để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.