Hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa
Đời sống văn hóa Nhân dân ngày càng nâng cao
Bắt đầu được triển khai thực hiện từ năm 2000, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn TP Hà Nội đã bao quát nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Phong trào gồm 5 nội dung: Đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo; thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật; xây dựng môi trường sạch - đẹp - an toàn; xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở và phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; xây dựng tư tưởng, chính trị lành mạnh.
Trưởng ban Nữ công Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Bùi Thị Thanh Giang trình bày tham luận |
Hơn 20 năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng phát triển cả về số lượng, chất lượng và đi vào chiều sâu. Đặc biệt, thông qua phong trào, nhận thức, chất lượng cuộc sống cả về vật chất và tinh thần của người dân đều có bước phát triển vượt bậc.
Là nội dung cốt lõi của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trong những năm qua, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, Sở, ngành thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện toàn diện, cụ thể, tạo chuyển biến tích cực và trở thành hoạt động xã hội rộng lớn, thiết thực góp phần xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, kinh tế - xã hội.
Trong đó, cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp” trong công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) Thủ đô và phong trào xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” đã được các cấp Công đoàn Thủ đô thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo, phong phú, có trọng tâm, trọng điểm. Phong trào đã trở thành điểm sáng, nhiều nội dung đi vào cuộc sống hàng ngày.
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nữ công, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Bùi Thị Thanh Giang cho biết, thời gian qua, các cấp Công đoàn TP Hà Nội đã triển khai thực hiện tốt Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Công đoàn Thủ đô đã quan tâm xây dựng và nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa phục vụ người lao động, duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của 92 tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân; 65 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, 35 cụm văn hóa thể thao; từng bước xây dựng các thiết chế văn hóa tại cơ sở, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đội ngũ công nhân, viên chức, lao động Thủ đô.
Cùng với đó, Công đoàn thành phố đã chỉ đạo các cấp công đoàn nâng cao chất lượng các mô hình văn hoá, tạo sức lan toả mạnh mẽ trong việc thực hiện 2 Quy tắc ứng xử tại nơi làm việc và nơi công cộng do UBND thành phố ban hành.
Các cấp Công đoàn Thủ đô đã bám sát yêu cầu, tích cực phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, phát động các phong trào thi đua nhằm hưởng ứng, triển khai thực hiện chỉ tiêu xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”. Kết quả hằng năm, số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa đạt khoảng 72% so với tổng số đăng ký.
Công nhân lao động sử dụng các thiết bị thể dục thể thao tại điểm sinh hoạt văn hóa công nhân |
Cùng với xây dựng phong trào văn hóa tại các cơ quan, đơn vị, việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư trên địa bàn TP Hà Nội cũng đạt được những kết quả tích cực. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa cho biết, việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư là hoạt động thường niên được thành phố triển khai gần 20 năm qua ở các khu dân cư và các xã, phường, thị trấn.
Theo đó, hội nghị đại biểu Nhân dân bàn việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư đã trở thành nét đẹp, biểu thị cho tinh thần đoàn kết, phát huy dân chủ, vai trò, trách nhiệm của Nhân dân trong xây dựng quê hương tại mỗi cộng đồng dân cư.
Hằng năm, 100% cấp thôn, làng, tổ dân phố; 579/579 các xã, phường, thị trấn tổ chức hội nghị đã tham gia đề xuất các giải pháp để cấp ủy, chính quyền, khu dân cư thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.
Về thực hiện “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội”, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Hoàng Mai thông tin, qua hơn 7 năm thực hiện 2 Quy tắc ứng xử trên địa bàn quận đã đi vào nề nếp và đem lại hiệu quả thiết thực.
Quận đã triển khai treo 2 Quy tắc ứng xử tại vị trí trang trọng của 217 đình, đền, chùa, cơ sở tôn giáo, các cơ quan, trường học và các điểm vui chơi công cộng; đưa nội dung 2 Quy tắc ứng xử vào tiêu chí đánh giá bình xét gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa hàng năm, in ấn phát hành hơn 80.000 tờ rơi đến hơn 90.000 hộ dân trên địa bàn…
Nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo đại diện Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, việc thực hiện cuộc vận động Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp và phong trào xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” trong thời gian qua còn một số tồn tại hạn chế.
Cụ thể, công tác tuyên truyền vận động, tiếp cận đoàn viên, người lao động, đặc biệt là người lao động trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước và doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn còn gặp khó khăn.
Một số Công đoàn cơ sở chưa tận dụng và phát huy hiệu quả ứng dụng truyền thông đa phương tiện và mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên và người lao động.
Liên đoàn Lao động TP Hà Nội kiến nghị cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa |
Đồng thời, việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi làm việc và nơi công cộng còn hạn chế, chưa nghiêm túc, một số tệ nạn xã hội vẫn còn tồn tại. Các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân mặc dù đã thu hút được sự tham gia của công nhân, lao động nhưng số lượng tham gia ở một số điểm chưa nhiều và chưa được thường xuyên.
Thời gian tới, đại diện Liên đoàn Lao động TP Hà Nội kiến nghị cần nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa Công đoàn, thu hút tập hợp đông đảo công nhân, viên chức, lao động tham gia, thúc đẩy môi trường sống lành mạnh, văn hóa, không tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Về thực hiện 2 Quy tắc ứng xử do thành phố ban hành, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hoàng Mai cho rằng, nơi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, quyết liệt trong tổ chức thực hiện; nghiêm túc tổ chức việc kiểm tra đánh giá kết quả và biểu dương khen thưởng kịp thời, nhân rộng các tập thể cá nhân có thành tích; phê bình, xử lý những vi phạm... thì việc thực hiện sẽ đạt kết quả cao.
Vì vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần xác định nhiệm vụ tuyên truyền thực hiện 2 Quy tắc ứng xử là một nhiệm vụ trọng tâm, qua đó có kế hoạch tổ chức thực hiện sâu, sát; đề cao vai trò và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc trong tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về nội dung và trách nhiệm thực hiện.