Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về an ninh, an toàn trong trường học
Bài liên quan
Sẽ tăng tiết học lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức để ngăn chặn bạo lực học đường
Nữ sinh đánh hội đồng ở Nghệ An: Bao giờ cái ác được đẩy lùi?
Cụ thể trong Chỉ thị tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa ký, Bộ yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên (cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường…; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, gia đình học sinh và cộng đồng về phòng, chống bạo lực học đường và phát hiện, thông báo, tố giác, ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường; Xây dựng quy chế phối hợp với các sở, ngành và các tổ chức ở địa phương như: Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông… để bảo đảm an ninh, an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục pháp luật; kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh.
Cũng theo yêu cầu của Bộ, các cơ sở giáo dục cần phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên để bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về đạo đức nhà giáo, tư vấn tâm lý, năng lực kiểm soát cảm xúc cá nhân và kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm…
Đối với các cơ sở giáo dục, thủ trưởng chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về an ninh, an toàn trong cơ sở giáo dục; giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, cán bộ Đoàn, Đội, nhân viên, học sinh trong các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm thực hiện quy định về bảo đảm an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục phải xây dựng trường học dân chủ, an toàn, lành mạnh, thân thiện. Xây dựng và triển khai Bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục theo quy định của Bộ GD-ĐT. Tăng cường các hoạt động trải nghiệm, hoạt động tập thể, hoạt động xã hội để hình thành, phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh.
Trong Chỉ thị này cũng nhấn mạnh, các trường học phải xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường; phân công rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong nhà trường để việc thực hiện kế hoạch hiệu quả; lựa chọn, bồi dưỡng và cử giáo viên có kinh nghiệm, năng lực và trách nhiệm làm công tác chủ nhiệm để thường xuyên theo sát tình hình, quản lý, giáo dục học sinh…; Thiết lập các kênh thông tin về bạo lực học đường của cơ sở giáo dục…
Đối với cơ sở đào tạo giáo viên, Bộ GD-ĐT yêu cầu tiến hành rà soát, cập nhật, đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình, hình thức đào tạo; gắn yêu cầu kiến thức, nghiệp vụ sư phạm với năng lực, phẩm chất nghề nghiệp cho sinh viên theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chuẩn nghề nghiệp giáo viên…; Nghiên cứu xây dựng các chuyên đề, nội dung bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường; kỹ năng sư phạm, kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống sư phạm của nhà giáo tại các địa phương thiết thực hiệu quả; Đào tạo, bồi dưỡng và phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên tư vấn trong trường học, xây dựng nội dung, cách thức và hình thức giáo dục phù hợp.