Học trung cấp nhiều cơ hội việc làm đúng chuyên môn hơn
![]() |
Theo TS Phạm Mạnh Hà, trên thực tế, việc chọn nghề của các bạn học sinh hiện nay mang nặng tính thực dụng như: nghề nghiệp này có dễ xin việc làm hay không, có thu nhập cao hay không, được làm việc ở thành phố hay không… chứ ít người chú ý tới nội dung, ý nghĩa và giá trị xã hội của nghề nghiệp cũng như sự phù hợp của nghề nghiệp với xu hướng, nguyện vọng của bản thân.
Có thể thống kê một số sai lầm thường gặp trong việc lựa chọn nghề của các bạn học sinh hiện nay như sau:
Phổ biến nhất là chọn nghề vì những lý do kinh tế, đặt nặng giá trị kinh tế. Nhiều bạn học sinh chấp nhận từ bỏ lĩnh vực nghề nghiệp mà mình yêu thích để lựa chọn một ngành học khác với suy nghĩ ngành học này ra trường dễ xin được việc hơn, thu nhập cao hơn.
Hai là, nhiều bạn học sinh khi chọn nghề vẫn giữ quan niệm xưa cũ, lạc hậu như cho rằng nghề đào tạo ở bậc đại học thì dễ xin việc hơn nghề đào tạo ở bậc trung cấp. Nhiều bạn trẻ còn cảm thấy xấu hổ và thất bại khi phải học trung cấp hay ở những cơ sở đào tạo nghề. Ngày nay, thế giới việc làm đã mở rộng với nhiều ngành nghề khác nhau, ở mỗi ngành nghề lại đỏi hỏi trình độ chuyên môn đào tạo riêng. Có nghề đòi hỏi trình độ ở bậc đại học, sau đại học nhưng cũng có nghề chỉ cần ở trình độ trung cấp. Thực tế trong nền kinh tế của chúng ta hiện nay, nhu cầu nhân lực lao động trực tiếp qua đào tạo nghề ngày càng nhiều, do đó những bạn học trung cấp lại có nhiều cơ hội được làm việc đúng chuyên môn cũng như có cơ hội khẳng định bản thân hơn những sinh viên tốt nghiệp đại học.
Chọn nghề theo sự thành công của người thân cũng là một trong những sai lầm thường gặp ở những học sinh đang sống trong gia đình có cha mẹ, người thân thành đạt trong xã hội. Cha mẹ và ngay cả bản thân các em cũng mong muốn được tiếp nối truyền thống gia đình, nhưng các bạn không biết rằng mỗi người có một năng lực, sở trường, tính cách riêng vì thế nghề này mang lại sự nghiệp cho người này nhưng chưa chắc sẽ giúp cho người khác thành công.
Chọn nghề hời hợt, sơ sài theo kiểu nước đến chân mới nhảy cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới những thất bại nghề nghiệp sau này. Nhiều bạn học sinh ngay đến năm lớp 12 cũng chưa tìm hiểu và quyết định lựa chọn một lĩnh vực nghề nghiệp để theo đuổi. Các em cho rằng việc học tập mới là quan trọng, học càng tốt thì càng có nhiều cơ hội để thi vào các trường đại học mà không hiểu rằng khả năng học tập chỉ là điều kiện ban đầu, còn sau này khi ra trường có phát huy được những kiến thức đã học hay không lại cần có sự phù hợp giữa yêu cầu nghề nghiệp và năng lực, phẩm chất, sở thích của các em.
Vì vậy TS Phạm Mạnh Hà khuyên, khi sinh viên quyết định lựa chọn một lĩnh vực nghề nghiệp để xây dựng một sự nghiệp vững chắc cho bản thân và đóng góp cho xã hội, các bạn cần cẩn trọng tìm hiểu xem bản thân thực sự thích thú với loại công việc nào; năng lực sức khỏe, thể chất của mình ra sao; mình thích làm việc trong môi trường như thế nào; mong muốn về tiền lương, cơ hội thăng tiến ra sao… Sau đó các bạn mới đi tìm kiếm loại công việc đáp ứng được nhiều nhất những mong muốn và khả năng của mình. Sau đó, các bạn phải tìm các cơ sở đào tạo có đào tạo lĩnh vực nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn. Cuối cùng căn cứ vào điều kiện gia đình, năng lực học tập để lựa chọn một cơ sở đào tạo phù hợp.
TS Phạm Mạnh Hà cũng nhấn mạnh, việc chọn sai nghề của cá nhân không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới chính bản thân họ mà còn có những ảnh hưởng tới sự phát triển chung của nền kinh tế - xã hội.
Đối với cá nhân, chọn sai nghề dẫn tới bản thân không phát huy được hết năng lực, tố chất của mình trong công việc, giảm năng suất và hiệu quả lao động. Từ đó sẽ gây tâm lý chán nản, thất vọng, thiếu tự tin và mất đi động lực để làm việc. Cuộc sống tinh thần trở nên căng thẳng, mệt mỏi và lâu dần chuyển thành bệnh mãn tính, làm giảm sút chất lượng sống và hiệu quả công việc. Luôn cảm thấy không thỏa mãn trong công việc dẫn tới trì hoãn thực hiện các việc được giao, tìm mọi cơ hội trốn việc, bỏ việc. Muốn bắt đầu đào tạo lại nghề khác thì cũng tốn kém thời gian, chi phí.
Đối với xã hội, việc có nhiều cá nhân lựa chọn sai nghề sẽ dẫn tới giảm sút chất lượng đào tạo, gây lãng phí cho công tác đào tạo và đào tạo lại. Nhiều người có khả năng, nhu cầu lại không được đào tạo trong khi người khác được đào tạo nhưng ra trường phải đào tạo lại hoặc phải chuyển sang lĩnh vực nghề nghiệp khác gây tốn chi cho xã hội.
Chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo không đảm bảo dẫn tới năng suất lao động không cao, nảy sinh nhiều xáo trộn cho hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức bởi các hiện tượng như bỏ nghề, chuyển nghề.... Các doanh nghiệp mất thêm chi phí đào tạo và đào tạo lại cho đội ngũ của mình.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hà Nội tư vấn, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp

Hỗ trợ thanh niên tiếp cận vốn vay, ứng dụng AI vào khởi nghiệp

“Xưởng khởi nghiệp” đầu tiên tại Việt Nam vận hành bằng AI

Phiên chợ thanh niên ươm mầm khởi nghiệp

Thanh niên dân tộc thiểu số làm giàu trên “vùng đất khó”

APEC Innovation 2024: Hạn cuối nộp bài dự thi là ngày 31/3

Thúc đẩy phụ nữ ứng dụng công nghệ trong phát triển sản xuất

Nâng tầm khởi nghiệp với Startup Runway 2025

Hơn 65 tỷ đồng thực hiện đề án thành phố đổi mới sáng tạo
