Hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh du lịch nội địa
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương xem xét giảm các loại phí, khoản thu du lịch đồng đều
Bài liên quan
Sắp xếp, tổ chức lại hệ thống trường sư phạm
Xác định rõ mục tiêu Đề án tái cấu trúc hạ tầng CNTT phục vụ Chính phủ điện tử
Nguy cơ dịch bệnh Covid-19 vẫn hiện hữu xung quanh chúng ta
Việt Nam vẫn kiểm soát tốt dịch Covid-19, người dân tránh hoang mang
Bộ Quốc phòng diễn tập phòng chống Covid-19 với tình huống 30.000 người bị nhiễm
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Trường học phải an toàn hơn trụ sở cơ quan Nhà nước
Liên quan đến hoạt động du lịch 5 tháng đầu năm 2020, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu lượt; khách nội địa đạt 16 triệu lượt, giảm lần lượt 50% và 58,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Tổng thu du lịch đạt 150.300 tỷ đồng, giảm hơn 47% so với cùng kỳ năm 2019. Công suất phòng trung bình của các cơ sở lưu trú đạt khoảng 20%, giảm mạnh so với công suất 52% so với cùng kỳ năm 2019.
Dự báo khách du lịch nội địa năm 2020 đạt khoảng 60 đến 65 triệu lượt. Trường hợp đón khách quốc tế vào đầu quý 3/2020, lượng khách quốc tế có thể đạt khoảng 6 đến 8 triệu lượt; có thể đạt khoảng 5 triệu lượt nếu mở đón khách quốc tế từ đầu quý 4/2020.
Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch cho biết thời gian qua, các chương trình kích cầu du lịch nội địa được triển khai đồng bộ, đạt hiệu quả nhất định.
Theo thống kê sơ bộ các địa phương, qua đợt nghỉ lễ 30/4, 1/5 và các dịp cuối tuần, hoạt động của các phòng khách sạn, các khu nghỉ dưỡng ven biển đạt công suất cao.
Ảnh minh họa |
Tiêu biểu, nhiều khách sạn của Tập đoàn Mường Thanh đạt công suất phòng từ 80-98%; chuỗi khách sạn của Vinpearl đạt công suất khoảng 90%.
Bên cạnh đó, các hãng hàng không Việt Nam mở lại các đường bay, tần suất bay và công suất chuyên chở như Vietnam Airline đạt 100%; Bamboo Airways đạt khoảng 75-80%; Vietjet Air đạt 100%; góp phần kích cầu thị trường du lịch nội địa.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch, để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động du lịch vượt qua đại dịch COVID-19, đề nghị Chính phủ xem xét giao Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan triển khai chương trình truyền thông “Việt Nam - Điểm đến an toàn, hấp dẫn;” tập trung tuyên truyền về chủ trương phục hồi du lịch, kích cầu du lịch nội địa; xem xét lùi thời gian khai giảng năm học; điều chỉnh thời gian nghỉ lễ, tạo kỳ nghỉ dài dành cho hoạt động du lịch...
Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương báo cáo về các giải pháp hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp du lịch; chỉ đạo Bộ Công Thương sớm ban hành chính sách điều chỉnh giá điện áp dụng cho cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng giá điện sản xuất, thực hiện trong cả năm 2020.
Nhấn mạnh việc phân chia mục tiêu thu hút khách du lịch từng thời điểm trong năm, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước có động thái, chính sách mạnh tạo ra cú hích dứt khoát trong đợt cao điểm từ tháng 7-10 thu hút khách du lịch; xây dựng các vùng du lịch trọng điểm làm hạt nhân thúc đẩy phát triển du lịch theo từng vùng, liên kết vùng; xây dựng chuỗi sản phẩm kết nối lữ hành, hàng không và dịch vụ với phương châm hợp tác, kích cầu du lịch.
Trước thực trạng khách đến du lịch nhưng lại “mang tiền về” do dịch vụ ở điểm đến hạn chế, ông Nguyễn Quốc Kỳ đề nghị ban hành chính sách tài chính hỗ trợ cho các công ty du lịch lữ hành - những “đầu tầu kéo” cho hệ thống vận chuyển, lưu trú, dịch vụ phía sau nhằm phát triển ngành du lịch.
Liên quan đến vấn đề vé thăm quan các điểm du lịch, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết nhiều địa phương chưa thực hiện việc giảm giá vé cho khách du lịch.
Ảnh minh họa |
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ với hơn 40.000 doanh nghiệp; 4,5 triệu lao động tương đương hàng chục triệu người phụ thuộc, ngành du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19.
Nhận định tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng đề nghị ngành du lịch luôn ở trong tâm thế sẵn sàng, trên tinh thần chỉ đạo “bao đê chặt, ngăn rất kỹ từ bên ngoài để phát triển bên trong.”
Trên cơ sở tận dụng các điều kiện, các hoạt động thúc đẩy du lịch nội địa cần được chú trọng nhằm hạn chế giải thể, phá sản các doanh nghiệp; đặc biệt hạn chế việc chuyển đổi mục đích sử dụng của cơ sở du lịch nhỏ lẻ.
Trên tinh thần đồng hành thực chất và chia sẻ khó khăn, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương xem xét giảm các loại phí, khoản thu du lịch đồng đều. “Đồng hành phải đi vào thực chất. Các địa phương phải xem xét mức độ doanh nghiệp giảm giá để giảm các khoản thu, phí du lịch ở mức độ tương đương,” Phó Thủ tướng cho biết.
Bên cạnh việc thúc đẩy phương thức làm việc từ xa, các bộ cần sớm có phương án thời gian các kỳ nghỉ lễ trong năm, chốt thời gian nghỉ hè của học sinh... để tạo điều kiện kích cầu du lịch.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam phối hợp các địa phương, Hiệp hội Du lịch thực hiện hoạt động xúc tiến, quảng bá, kích cầu theo điểm đến trọng điểm theo khu vực như Tây Bắc, Đông Bắc, Duyên hải miền Trung... không để doanh nghiệp tự làm riêng lẻ; xây dựng các chương trình, cơ chế, chính sách cụ thể đối với kích cầu du lịch nội địa.
Trên tinh thần sẵn sàng chuẩn bị đón du khách quốc tế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh chỉ mở ra khi thực sự an toàn. Do đó, các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp theo dõi sát tình hình phòng, chống dịch ở các thị trường lớn.
Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông Vận tải kết hợp Hiệp hội Du lịch Việt Nam thống nhất, khi điều kiện cho phép sẽ chọn những địa bàn, thị trường an toàn; chọn trước một số điểm đến ở Việt Nam an toàn với quy trình nhập cảnh, vận chuyển đưa đón, quản lý du khách quốc tế theo tour... chặt chẽ.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị chuyển đổi các hoạt động truyền thông, xúc tiến du lịch quốc tế theo các hình thức mới như họp trực tuyến, quảng bá qua Internet; xây dựng chương trình quảng bá du lịch gắn với phòng, chống dịch COVID-19 với thông điệp “Việt Nam an toàn”.