Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và vận hành hệ thống hợp đồng điện tử
Tiết kiệm thời gian, tạo môi trường điều hành chuyên nghiệp
Thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tiến hành làm việc với các doanh nghiệp khảo sát hệ thống hợp đồng điện tử tích hợp với Trục phát triển hợp đồng điện tử quốc gia để đảm bảo đáp ứng các tiêu chí nghiệp vụ, tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống khi kết nối, tích hợp kỹ thuật.
Cục cũng đã gửi các tài liệu hướng dẫn, tài liệu tích hợp đến các doanh nghiệp, liên tục hỗ trợ giải đáp thắc mắc, các vấn đề gặp phải khi kết nối hệ thống. Đến nay các đơn vị đang tiến hành kết nối kỹ thuật, trong đó đã có nhiều đơn vị đã tích hợp hoàn thiện.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương cho biết: "Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu thiết yếu để hoàn tất các quy trình ứng dụng thương mại điện tử, công nghệ thông tin trong hoạt động của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp quản lý hiệu quả và giảm thiểu được việc lãng phí giấy tờ, tiết kiệm thời gian và tạo môi trường điều hành chuyên nghiệp".
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương Đặng Hoàng Hải |
Theo đó, trách nhiệm giờ đây của doanh nghiệp khi tham gia là phải xây dựng, quản lý, duy trì, vận hành hệ thống hợp đồng điện tử kết nối với Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam như thế nào để đảm bảo được tối đa tính bảo mật, toàn vẹn, không thể chối bỏ của các hợp đồng điện tử mà mình lưu trữ và xác thực.
Hướng dẫn cho các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về quy trình đăng ký, vận hành, biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử, ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương đã giải thích rõ những thông tin chi tiết về các điều khoản triển khai, các biện pháp, quy trình nghiệp vụ lưu trữ, bảo đảm tính toàn vẹn dữ liệu của chứng từ điện tử, Hệ thống cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử của doanh nghiệp.
Phương án định danh và chứng thực điện tử của các bên liên quan đến hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử theo quy định của pháp luật; Phương án, quy trình tra cứu hợp đồng điện tử đã được chứng thực trên hệ thống.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng được hướng dẫn các phương án bảo mật hệ thống cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử, bảo mật an toàn thông tin khách hàng. Biện pháp hỗ trợ khách hàng gặp sự cố trong quá trình cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử và quy trình giải quyết tranh chấp, khiếu nại giữa các bên liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử…
Góp phần thúc đẩy Chương trình chuyển đổi số quốc gia
Về phía các doanh nghiệp, các doanh nghiệp đều thể hiện mong muốn được Bộ Công thương xem xét hồ sơ, hướng dẫn những thủ tục, hồ sơ cần thiết để nhận được giấy phép hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đề xuất được giải đáp, tháo gỡ những khó khăn liên quan đến việc lưu trữ, khâu hậu kiểm, quản lý và đảm bảo tính toàn vẹn của chứng từ điện tử do các tổ chức, cá nhân khởi tạo trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng bằng phương thức điện tử.
Bộ Công Thương tổ chức hội nghị hướng dẫn doanh nghiệp thủ tục đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử |
Với mong muốn được cung cấp dịch vụ và giải pháp công nghệ hiện đại trong lĩnh vực Chứng thực hợp đồng điện tử một cách an toàn và hiệu quả, đại diện Công ty Cổ phần Davisoft chia sẻ: Công ty Cổ phần Davisoft đã có ý tưởng và mong muốn triển khai kế hoạch về cung cấp giải pháp và các chương trình phần mềm có thể gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với cá nhân trong phạm vi toàn quốc, tiến tới kết nối khu vực ASEAN và quốc tế.
Cụ thể, chương trình cung cấp giải pháp “ký số văn bản”. Chương trình này có thể thực hiện để ký các giao dịch về hợp đồng kinh tế, văn bản ghi nhớ, văn bản thỏa thuận… giữa hai hay nhiều bên với nhau bằng việc đảm bảo, xác thực được danh tính người dùng.
Đồng thời, việc bảo mật và xác nhận bảo mật được nâng cấp theo thiết kế mới để đảm bảo tốt nhất tính bảo mật và chính xác cho người dùng. Theo đó, người dùng sẽ được cấp tài khoản sau khi doanh nghiệp xác nhận danh tính người dùng là thật, để đăng nhập vào ký điện tử bằng usb token (chữ ký số cứng) hoặc thông qua ký số thông minh xác nhận qua điện thoại được đăng ký trước đó.
Theo đơn vị này, giải pháp này giúp cho doanh nghiệp hoặc cá nhân có thể gửi văn bản đến bất kì cơ quan, đoàn thể nào hoặc một doanh nghiệp bất kì nào mà không cần đến trực tiếp.
Các doanh nghiệp tại buổi tập huấn cũng đã cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước cung cấp các sản phẩm/dịch vụ, nền tảng uy tín chất lượng, đảm bảo việc triển khai, vận hành, xử lý sự cố phát sinh diễn ra đúng luật, đúng quy định, bảo vệ quyền lợi các chủ thể ký hợp đồng điện tử, góp phần thúc đẩy Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Thủ tướng Chính phủ đề ra.