Hỗ trợ tối đa doanh nghiệp, nhà đầu tư vì mục tiêu tăng trưởng
Doanh nghiệp nhà nước phải tiên phong tăng tốc, bứt phá tăng trưởng Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 8% trở lên Đơn giản hóa thủ tục hành chính để đạt tăng trưởng trên 8% |
Khai thác, phát huy các động lực tăng trưởng
Những tháng đầu năm 2025, cùng với cả nước, TP Hà Nội đã quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Song không vì thế mà các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn bị ì trệ. Ngược lại, một quyết tâm lớn đã được khởi động ngay từ rất sớm, tạo động lực phấn đấu trong toàn hệ thống chính trị.
![]() |
Một quyết tâm lớn đã được khởi động ngay từ rất sớm, tạo động lực phấn đấu trong toàn hệ thống chính trị TP Hà Nội về tăng trưởng kinh tế năm 2025 (Ảnh minh hoạ) |
Tại hội nghị giữa Chính phủ với các địa phương về tăng trưởng kinh tế hồi tháng 2/2025, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, để đạt tăng trưởng 8% trở lên thì quy mô nền kinh tế của Hà Nội năm 2025 phải đạt quy mô 1,6 triệu tỷ đồng (tăng khoảng 130.000 tỷ đồng so với năm 2024), chiếm khoảng 12,6% GDP cả nước.
Để đạt được mục tiêu này, Hà Nội cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó nhiệm vụ đầu tiên là khai thác, phát huy và làm mới các động lực truyền thống.
Cụ thể, TP sẽ khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công; bám sát kế hoạch tiến độ, giải ngân từng tuần, từng tháng, từng dự án ngay từ đầu năm; tập trung chỉ đạo các dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển cho vùng. Đặc biệt TP tập trung chỉ đạo những dự án lớn, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho vùng, khu vực như: Dự án đường Vành đai 4; Tuyến đường sắt đô thị số 2; Tuyến đường sắt đô thị số 5; Dự án cầu Tứ Liên, cầu Thượng Cát...
Đồng thời, TP tiếp tục rà soát, xử lý các dự án chậm triển khai. TP đã rà soát, xử lý 420/712 dự án chậm triển khai, với tổng diện tích hơn 9000ha, ước tính hơn 15.000 tỷ đồng quy đổi giá trị về đất được đưa vào thị trường...
TP sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tư nhân, làm sao đảm bảo thu hút vốn qua ngân sách Nhà nước tăng trên 18%; nộp ngân sách 360.000 tỷ đồng và vốn đầu tư FDI thì khoảng 3 tỷ USD. TP cần thành lập mới khoảng 30.000 doanh nghiệp và vốn đăng ký là trên 300.000 tỷ đồng…
![]() |
Bên cạnh đó, Hà Nội tập trung phát triển các động lực tăng trưởng mới, toàn diện. TP cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với những nội dung trọng tâm trước mắt cũng như dài hạn như: Phấn đấu tỷ lệ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo là trên 50%, tức là khoảng 150.000/210.000 doanh nghiệp đang hoạt động; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ nâng cao năng lực sản xuất; phát triển hơn 200 đơn vị được chứng nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ. Tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế sáng tạo, phấn đấu 2025, tỉ trọng kinh tế số của Hà Nội đạt trên 20 tỷ USD (năm 2024 là 14 tỷ USD).
Ngoài Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đang hoạt động, theo Quy hoạch được duyệt, TP đang triển khai 7 Khu công nghệ cao khác, với tổng diện tích hơn 835 ha. Đây là những động lực tăng trưởng có tính chất đột phá của Hà Nội trong tương lai.
Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư
Để thực hiện các mục tiêu trên, TP Hà Nội đang tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, đặc biệt là triển khai thi hành Luật Thủ đô (năm 2024) để sớm hiện thực hóa những chính sách đặc thù, vượt trội nhằm thúc đẩy quá trình phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và giảm chi phí cho doanh nghiệp; hướng tới mục tiêu xây dựng “chính quyền phục vụ - doanh nghiệp cống hiến - xã hội niềm tin - người dân hạnh phúc".
Xác định doanh nghiệp là động lực tăng trưởng, TP đã có quy định đóng dấu "làn xanh" cho các nhóm hồ sơ thủ tục công việc cần ưu tiên giải quyết liên quan đến đầu tư và phát triển hạ tầng; xuất khẩu, logistics và thương mại quốc tế; hỗ trợ tài chính và kích cầu tiêu dùng; nguồn nhân lực chất lượng cao và đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số và phát triển hạ tầng thông minh. Đặc biệt, Hà Nội chỉ rõ 10 dự án quan trọng yêu cầu các sở, ngành, địa phương xử lý ngay trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp nhận hồ sơ.
![]() |
TP Hà Nội tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và giảm chi phí cho doanh nghiệp (Ảnh minh hoạ) |
Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát, tinh gọn quy trình thủ tục giải quyết hồ sơ các nhóm nội dung công việc, bảo đảm thời hạn giải quyết rút ngắn ít nhất 60% so với quy định hiện hành, nhất là các dự án có thể đóng góp ngay vào GRDP năm 2025.
Trước đó, Sở Nội vụ, Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội đã công bố thông tin số điện thoại Đường dây nóng, Trang thông tin điện tử, Hòm thư điện tử, Facebook, Zalo để tiếp nhận, phản hồi các kiến nghị của tổ chức, cá nhân liên quan việc chậm trễ các hồ sơ “làn xanh” nhưng chưa được các đơn vị chức năng của TP trả lời để đôn đốc, kiểm tra, kiểm soát việc xử lý theo quy định.
Về nguyên tắc, TP yêu cầu tập trung, khẩn trương giải quyết ngay các hồ sơ công việc theo cơ chế ưu tiên “làn xanh” nhằm rút ngắn thời gian xử lý, bảo đảm không chậm trễ, không quá hạn.
Bên cạnh đó, tăng cường phân cấp, ủy quyền triệt để cho các đơn vị liên quan, giảm thiểu các bước trung gian, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh theo định hướng của Trung ương và của TP.
Việc phân luồng, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ nhằm bảo đảm các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và đổi mới sáng tạo được triển khai nhanh và đồng bộ, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP hơn 8% năm 2025.
Mới đây nhất, TP đã bổ sung nhiều tính năng mới trên iHanoi, trong đó có tính năng "Doanh nghiệp kiến nghị" nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức gửi phản ánh về những vấn đề liên quan đến chính sách, cơ chế kinh doanh chưa phù hợp hoặc có bất cập trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Cùng đó, TP sẽ ra mắt triển khai “Diễn đàn Khoa học Công nghệ mở” nhằm tạo không gian trao đổi, kết nối giữa người dân, cộng đồng các nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức khởi nghiệp, các cơ sở giáo dục, đào tạo và nghiên cứu cùng các tổ chức xã hội khác. Tại đây, các sáng kiến về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ được đề xuất, thảo luận, góp phần trực tiếp thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống tại Thủ đô Hà Nội.
Với hàng loạt các giải pháp, chính sách cùng quyết tâm chính trị cao, kỳ vọng Hà Nội sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP hơn 8% năm 2025; tạo đà cho tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030; vững vàng bước vào kỷ nguyên mới cùng đất nước.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Có đối sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong mọi tình huống

Bài 4: Cái gì lợi cho dân cho nước thì quyết tâm, quyết liệt, quyết làm

Agribank "tiếp sức" người trẻ hiện thực hóa giấc mơ an cư

Tìm giải pháp dữ liệu tối ưu cho khu thương mại tự do

Hỗ trợ thanh niên tiếp cận vốn vay, ứng dụng AI vào khởi nghiệp

Thủ tướng đề nghị Standard Chartered hỗ trợ Việt Nam xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế

Truyền cảm hứng, tạo bước ngoặt về phát triển kinh tế tư nhân

Quảng Ninh chủ động sắp xếp bộ máy, tháo gỡ khó khăn cho các dự án động lực

Quý đầu năm, kinh tế TP Hồ Chí Minh tăng trưởng vượt bậc
