Hòa vào không khí SEA Games 31, khám phá Thủ đô qua những điểm du lịch nổi tiếng
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của người dân Việt Nam
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị sâu sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta, có giá trị thiết thực đối với việc giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách cho mỗi người dân Việt Nam.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ là một điểm tham quan tuyệt vời đối với người dân và du khách trong dịp diễn ra Đại hội Thể thao Đông Nam Á – SEA Games 31 |
Lăng Bác mở cửa đón người dân và du khách vào buổi sáng trong tuần trừ thứ 2 và thứ 6. Các ngày đặt biệt như mùng 1 tết Nguyên Đán, ngày sinh nhật Bác (19/5) và quốc khánh 2/9, trùng vào thứ 2 hoặc thứ 6 vẫn mở cửa.
Vào mùa hè (từ tháng 4 đến hết tháng 10), Lăng Bác mở cửa từ 7h30 sáng đến 10h30 trưa. Thứ 7, chủ nhật các ngày lễ khác mở cửa từ 7h30 đến 11h. Mùa đông (từ tháng 11 đến hết tháng 3), Lăng Bác mở cửa từ 8h đến 11h. Ngày thứ 7, chủ nhật, các ngày lễ mở cửa từ 8h đến 11h30.
Với lịch trình thăm quan lăng Bác có thể theo trình tự như sau: Nhà sàn, ao cá Bác Hồ, bảo tàng Hồ Chí Minh, cuối cùng là chùa Một Cột. Đây sẽ là một điểm tham quan tuyệt vời đối với người dân và du khách trong dịp diễn ra Đại hội Thể thao Đông Nam Á - SEA Games 31.
Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm - nơi tinh hoa hội tụ giữa lòng Thủ đô
Chắc hẳn, nhiều người dân và du khách đều biết đến khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm của Hà Nội. Chính thức đưa vào khai thác, hoạt động từ cuối năm 2016, Phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm dịp cuối tuần là điểm nhấn của Hà Nội, tạo nên không gian du lịch cho người dân và du khách, đồng thời là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa lớn của Thủ đô. Ngay giữa trung tâm thành phố, người dân có thể tìm thấy một “không gian sống chậm” cho riêng mình.
Các tuyến phố được quy hoạch trở thành phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm gồm: Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Lê Thái Tổ, Lê Lai, Lê Thạch, Trần Nguyên Hãn, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tràng Tiền, Lò Sũ, Hàng Dầu, Hồ Hoàn Kiếm, Lương Văn Can, Hàng Bài, Bảo Khánh. Thời gian hoạt động của con phố này là từ tối thứ 6 đến tối Chủ nhật hàng tuần.
Phố đi bộ Hồ Gươm trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến thăm Thủ đô |
Từ khi được thành lập đến nay, phố đi bộ Hồ Gươm trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Hà Nội và trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến thăm Thủ đô.
Phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm không đơn thuần chỉ là nơi dạo bộ, mà du khách có thể trải nghiệm trò chơi truyền thống như ô ăn quan, hay kéo co, chơi chuyền, đá cầu, nhảy sạp… Đây là những hoạt động do các câu lạc bộ trẻ tình nguyện hướng dẫn tổ chức. Du khách cũng có thể mua quà lưu niệm là các mặt hàng thủ công.
Bên cạnh đó, đi dọc tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, du khách có thể thưởng thức ca nhạc nghệ thuật đường phố với các ban nhạc chơi ngẫu hứng hoặc theo yêu cầu. Du khách có thể thả mình theo tiếng nhạc giao hưởng hoặc nhún nhảy theo điệu nhảy tango hoặc nhảy hiện đại hip hop…
Đặc biệt, khi ghé thăm phố đi bộ, du khách cũng đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức các món ăn rất Hà Nội như: kem tràng tiền, kem thủy tạ, nộm Hà Nội...
Hoàng thành Thăng Long - không gian văn hóa đặc sắc của Hà Nội
Bên cạnh nhiều địa điểm tham quan nổi tiếng, Hoàng thành Thăng Long vẫn là cái tên không thể bỏ lỡ ở Hà thành. Đây là một công trình kiến trúc đồ sộ được xây dựng qua nhiều triều đại phong kiến của Việt Nam và cũng là một trong những di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích lịch sử của Việt Nam.
Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Đông Kinh và Hà Nội. Di chỉ khảo cổ này là minh chứng sống động cho nền văn minh châu thổ sông Hồng trong suốt 13 thế kỷ: Bắt đầu từ thời tiền Thăng Long vào khoảng thế kỷ VII, đi qua thời Đinh và tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, hậu Lê, đến triều Nguyễn và tồn tại mãi đến ngày nay.
Hoàng thành Thăng Long là không gian văn hóa đặc sắc của Hà Nội |
Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long có địa chỉ tại 19C Hoàng Diệu, phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Thực tế, toàn bộ cụm di tích được bao bọc bởi bốn con đường: Phía Bắc là đường Phan Đình Phùng, phía Nam là đường Điện Biên Phủ, phía Đông là đường Nguyễn Tri Phương và phía Tây là đường Hoàng Diệu, thuộc địa bàn phường Điện Biên và Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa mà công trình kiến trúc đặc biệt này mang lại, vào năm 2010, tổ chức UNESCO đã công nhận Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản Văn hóa thế giới, và trở thành địa điểm nghiên cứu khoa học cũng như tham quan du lịch nổi tiếng của Hà Nội.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của Việt Nam
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là quần thể di tích về trường đại học đầu tiên của nước ta, Văn Miếu không chỉ là di tích lịch sử văn hóa mà còn là nơi được rất nhiều sĩ tử, học trò tới đây để cầu may mắn trong thi cử, học hành.
Văn Miếu Quốc Tử Giám hiện tại nằm trong khuôn viên rộng 55.027m2, chia làm 5 khu vực riêng biệt theo từng khu. Tổng thể kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ cửa vào là cổng Văn Miếu, Đại Trung Môn, Khuê Văn Các, Đại Thành và nhà Thái Học.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là quần thể di tích về trường đại học đầu tiên của nước ta |
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một địa điểm tham quan áp dụng vé vào cổng. Giá vé dành cho người lớn là 20.000 đồng/lượt và trẻ em là 10.000 đồng/lượt. Đây là một mức giá khá hợp lý cho hoạt động tham quan của du khách.
Ngoài ra, trẻ em dưới 15 tuổi được miễn phí và các đối tượng thuộc diện vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số, người già trên 60 tuổi, người khuyết tật nặng, người có công với đất nước được giảm giá vé 50%.
Do đây là khu vực di tích quốc gia nên du khách cần tôn trọng quy định nơi đây, không phá hoại cảnh quan và hiện vật bên trong di tích. Du khách tham quan nên giữ thái độ nghiêm trang, khi vào khu thờ tự hay khu dâng hương và phải giữ gìn về sinh chung cho khu di tích.
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - nơi lên ngôi của bản sắc văn hóa Việt
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là một trong những nơi trưng bày và lưu giữ những giá trị về văn hóa của 54 dân tộc anh em trên khắp cả nước. Đây là địa điểm thu hút rất đông du khách tới tham quan mỗi năm.
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy, cách trung tâm Hà Nội khoảng 8km. Bảo tàng mang ý nghĩa giá trị văn hóa to lớn quy mô quốc gia cũng như địa phương. Tới thăm Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, người dân, du khách có thể dễ dàng di chuyển tới đây bằng nhiều phương tiện như ô tô, xe máy hoặc taxi. Đối với nhiều du khách khi đến Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam luôn nằm trong danh sách những điểm đến “không thể bỏ qua”.
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là một trong những nơi trưng bày và lưu giữ những giá trị về văn hóa của 54 dân tộc anh em trên khắp cả nước |
Bảo tàng dân tộc học được chia làm 3 khu vực chính gồm: Khu trưng bày văn hóa 54 dân tộc, khu trưng bày ngoài trời và khu trưng bày Đông Nam Á (ngoài Việt Nam), với cách trình bày hết sức khoa học và logic để người xem dễ dàng nắm bắt được những bản sắc đặc trưng của mỗi một khu vực.
Du khách đến đây không chỉ tham quan mà vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, Bảo tàng Dân tộc học còn tổ chức nhiều chương trình biểu diễn múa rối nước, các hoạt động văn nghệ dân gian, lễ hội dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam phục vụ du khách. Ngoài ra, du khách sau khi tham quan bảo tàng có thể dừng chân mua vài món đồ lưu niệm nhỏ nhắn, xinh xắn về làm quà.
Ngoài những địa điểm tham quan, du lịch kể trên, khi tới Thủ đô Hà Nội vào dịp này người dân và du khách có thể ghé thăm nhiều địa điểm khác nữa như: Khu di tích Nhà tù Hòa Lò (phố Hỏa Lò, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội); Chùa Trấn Quốc; Đền Quán Thánh (đường Thanh Niên, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội); Nhà hát Lớn (Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội); Con đường gốm sứ… Đó đều là những khu di tích, điểm tham quan, du lịch mang đậm dấu ấn Hà Nội, giúp cho du khách trong nước và quốc tế có những trải nghiệm thú vị và đáng nhớ.