Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính cho tăng trưởng xanh
Chính sách tài chính hướng đến mô hình tăng trưởng xanh Phát triển du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh |
Thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững
Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn từ thiên tai và biến đổi khí hậu, Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là một chiến lược quan trọng nhằm hướng đến phát triển bền vững. Do vậy, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt và các nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh.
Ngày 12/4/2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 432/QĐ-TTg về “phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020”, trong đó đã đề đến cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực tài chính để thực hiện phát triển bền vững.
Ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt về “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”, trong đó, xác định tăng trưởng xanh là cách thức phát triển phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế trong giai đoạn sắp tới của Việt Nam.
Quyết định này cũng đề ra giải pháp “Huy động nguồn lực thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh”, trong đó chỉ rõ “Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh theo tiêu chí tăng trưởng xanh”.
Việt Nam cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thu hút nguồn lực tài chính xanh trong nước |
Đến nay, qua 10 năm triển khai chiến lược tăng trưởng xanh có thể thấy, nhận thức của nhân dân, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh đã được nâng lên rõ rệt, từng bước thay đổi hành vi sản xuất, sinh hoạt và có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào thực hiện tăng trưởng xanh; Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất và tiêu dùng tiết kiệm, an toàn, văn minh, mang đậm bản sắc dân tộc, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên; Cảnh quan, môi trường sống của người dân ngày càng thay đổi theo hướng tích cực hơn, đặc biệt tại các xã nông thôn mới.
Cùng với đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Một số mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu chính của Chiến lược tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 đã đạt được kết quả khả quan.
Hiện nay, việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh, thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh là một lựa chọn tất yếu nhằm thực hiện định hướng phát triển mới của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Đồng thời, việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh cũng tạo cơ hội lớn để Việt Nam có thể trở thành một quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới. Đây cũng là mục tiêu Việt Nam phải hướng đến trong giai đoạn phát triển tới để vượt qua thách thức phục hồi trong và sau dịch bệnh COVID-19, tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chất lượng và hiệu quả.
Tăng trưởng xanh gắn với chuyển đổi số
Chia sẻ về vấn đề thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số để tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, vẫn còn những rào cản ảnh hưởng không nhỏ đến thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, như chi tiêu cho nghiên cứu khoa học của Việt Nam còn thấp và chưa thực chất. Chi phí lao động ở Việt Nam còn thấp là một trở ngại cho việc thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao.
Mặt khác, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, năng lực công nghệ còn hạn chế, chưa có nhiều doanh nghiệp, cá nhân sở hữu các bằng sáng chế công nghệ, chủ yếu sử dụng các công nghệ sẵn có của nước ngoài để tùy biến, phát triển.
Chuyển hướng tăng trưởng xanh khiến cảnh quan, môi trường sống của người dân ngày càng thay đổi theo hướng tích cực hơn (Ảnh: Nguyễn Huy) |
Đồng thời, hành lang chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính phủ điện tử, các giao dịch, thủ tục hành chính trên nền tảng số vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, đây cũng là các thách thức, hạn chế cho doanh nghiệp khi xác định chiến lược, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số.
Theo bà Thủy, năm 2022, ngân sách Trung ương hỗ trợ khoảng 50 tỷ đồng và các địa phương cũng dành hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh và tuần hoàn. Đây là những tiền đề và nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng, chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh của mình đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Nêu giải pháp để các doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh, các chuyên gia cho rằng, công tác xây dựng chính sách, huy động nguồn lực cho phát triển xanh và bền vững đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện. Do đó, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thu hút nguồn lực tài chính xanh trong nước, quốc tế thông qua các công cụ như trái phiếu xanh, tín dụng xanh, bảo hiểm xanh… từng bước hoàn thiện thị trường các-bon.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần nâng cao khả năng tiếp cận tài chính xanh nhằm thể chế hóa và tăng quy mô, tính bao trùm toàn diện của tài chính xanh, đặc biệt là cơ chế ưu đãi cho đầu tư xanh, tài chính xanh, tín dụng xanh nhằm thúc đẩy các dự án xanh; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quản lý, sử dụng vốn tài trợ nước ngoài (ODA), vốn vay ưu đãi để tạo điều kiện cho việc tiếp cận nhanh hơn nguồn tín dụng xanh, phục vụ cho tăng trưởng xanh.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần xây dựng thể chế về đầu tư để tạo môi trường thuận lợi, thu hút đầu tư xanh cho phát triển bền vững, qua đó cần phải rà soát khung pháp lý hiện hành cho đầu tư xanh cho các dự án mới, dự án đang triển khai tại Việt Nam, hướng tới việc sử dụng tài nguyên có hiệu quả, ít rác thải và thân thiện với môi trường.
Không những vậy, Việt Nam cũng cần nâng cao tính minh bạch trong tài chính xanh; xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê, thiết lập cơ sở dữ liệu và tăng cường tính minh bạch cho nguồn tài chính xanh.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Chúng ta đã chính thức bước vào quá trình chuyển đổi từ giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa trên nguồn lực sang giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa trên hiệu quả; Cần tăng dần tỷ trọng đầu tư cho các ngành sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, ít gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên như các ngành dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghệ thông tin.
Hơn nữa, Việt Nam cũng cần xây dựng và ban hành các cơ chế khuyến khích và thúc đẩy nghiên cứu, sử dụng công nghệ mới, ít tiêu hao nhiên liệu, giảm phát thải khí nhà kính và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, ban hành chính sách về bảo đảm giá và cơ chế ưu đãi cho phát triển năng lượng tái tạo. Các cơ chế mới này sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ cho các doanh nghiệp sản xuất, nhất là các doanh nghiệp tại địa phương mạnh dạn thay đổi công nghệ cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm bằng các công nghệ mới với năng suất và hiệu quả cao hơn trong sử dụng các nguồn tài nguyên.