Tag

Chính sách tài chính hướng đến mô hình tăng trưởng xanh

Môi trường 29/10/2020 12:00
aa
TTTĐ - Tăng trưởng xanh đang là xu hướng tất yếu của kinh tế thế giới hiện đại. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó, hiện Việt Nam đang quyết tâm hướng đến mô hình tăng trưởng thân thiện với môi trường.
Bình Dương: Phát triển Thủ Dầu Một theo hướng đô thị tăng trưởng xanh, thông minh Xây dựng TP Đông Hà hướng đến tăng trưởng xanh và thích ứng biến đổi khí hậu JICA hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh về tăng trưởng xanh Phân bổ vốn ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh Doanh nghiệp Việt trước xu thế tất yếu về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững WB hỗ trợ 90 triệu đô la Mỹ giúp Việt Nam tăng trưởng xanh
Nhiều doanh nghiệp áp dụng hệ thống điện mặt trời áp mái phục vụ mục tiêu tăng trưởng xanh, vừa tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp vừa góp phần bảo vệ môi trường
Nhiều doanh nghiệp áp dụng hệ thống điện mặt trời áp mái phục vụ mục tiêu tăng trưởng xanh, vừa tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp vừa góp phần bảo vệ môi trường

Tăng trưởng xanh là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Với tầm quan trọng đó, trong những năm qua, Việt Nam đã và đang tích cực triển khai “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”, được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25/9/2012. Chiến lược nêu 03 nhiệm vụ trọng tâm: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Xanh hoá sản xuất; thực hiện một chiến lược công nghiệp hoá sạch thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; khuyến khích phát triển công nghệ xanh, nông nghiệp xanh. Xanh hoá lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; kết hợp lối sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh hiện đại.

Ngày 3/6/2013, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng ban hành Nghị quyết số 24/NQ-TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, với nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Tiếp đến, ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020, trong đó, đề ra 4 chủ đề chính gồm: Xây dựng thể chế và kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa phương; Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Thực hiện xanh hóa sản xuất; Thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.

Cùng với đó, Quốc hội đã ban hành mới, hoặc bổ sung, sửa đổi một số luật liên quan đến tăng trưởng xanh như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; Luật Khí tượng thủy văn. Một số văn bản pháp quy mới đã được xây dựng nhằm thúc đẩy thực hiện các hoạt động liên quan tới tăng trưởng xanh.

Với sự triển khai đồng bộ, quyết liệt, hoạt động tăng trưởng xanh tại Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu. Nhận thức của cộng đồng về tăng trưởng xanh ngày càng được nâng lên. Nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh, thành phố. Đặc biệt, việc triển khai các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính đã được thực hiện rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực.

Theo TS. Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ, với sự ra đời và song hành của các tiêu chuẩn, đặc biệt là những tiêu chuẩn “xanh”, các doanh nghiệp có thể có thể chủ động tham gia bảo vệ môi trường, đồng thời tối ưu hóa khả năng sản xuất, kinh doanh thông qua tiết kiệm nguyên - nhiên vật liệu, sử dụng nguyên vật liệu tái tạo, giảm khí nhà kính... Chủ đề “Tiêu chuẩn thúc đẩy tăng trưởng xanh” nhằm nhấn mạnh ý nghĩa của các tiêu chuẩn trong việc vừa hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Đến nay, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đã bao phủ gần như toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội: từ các tiêu chuẩn cho sản phẩm hàng hóa cụ thể; các tiêu chuẩn liên quan đến quá trình sản xuất; các tiêu chuẩn cho quá trình canh tác, trồng trọt; các tiêu chuẩn cho các sản phẩm hữu cơ; đến các nhóm tiêu chuẩn phục vụ cho việc thúc đẩy, xây dựng các đô thị thông minh… Hiện đã có tổng cộng gần 13.000 tiêu chuẩn quốc gia và gần 800 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được xây dựng. Trong đó, tỉ lệ hài hòa của tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam so với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực là gần 60%, theo đúng mục tiêu và tiến độ Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.

Đặc biệt, trong số các tiêu chuẩn quốc gia, Việt Nam đã xây dựng được 750 tiêu chuẩn hướng tới thúc đẩy tăng trưởng xanh. Trong đó, có thể kể đến một số tiêu chuẩn quốc gia tiêu biểu đang góp phần thúc đầy tăng trưởng xanh như:

Bộ tiêu chuẩn về Hệ thống quản lý môi trường TCVN ISO 14000, gồm 35 TCVN về hệ thống quản lý môi trường, đánh giá môi trường, nhãn môi trường, đánh giá vòng đời sản phẩm, quản lý khí nhà kính và các hoạt động liên quan.

Bộ tiêu chuẩn quốc gia về hiệu suất năng lượng cho các phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng theo Quyết định 04/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm 27 TCVN áp dụng cho 21 phương tiện, thiết bị.

Tăng trưởng xanh phản ánh cách thức phản ứng của các nền kinh tế trước diễn biến của tình hình biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; phản ánh các xu hướng tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới với ngành công nghiệp xanh nổi lên như một mũi nhọn, tạo ra động lực tăng trưởng mới và mang tính cạnh tranh cao; đồng thời thể hiện những nỗ lực của các chính phủ trong tái cấu trúc nền kinh tế hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu năm 2008.

Thời gian qua, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào khai thác, xuất khẩu tài nguyên thô, làm cho môi trường có nguy cơ bị đe dọa, ảnh hưởng đến phát triển bền vững. Hiện nay, Việt Nam đang có nhiều nỗ lực hướng đến tăng trưởng xanh thông qua việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Do đó, vấn đề đặt ra là cần triển khai hiệu quả các chính sách tài chính phục vụ cho tăng trưởng xanh.

Cụ thể là năm 2012 Chính phủ Việt Nam đã ban hành chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, năm 2014 tiếp tục ban hành Chương trình hành động chiến lược tăng trưởng xanh với 66 hành động vào giai đoạn 2014 – 2020.

Trên cơ sở Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Chính phủ, ngày 20/10/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2183/QĐ-BTC về kế hoạch hành động ngành Tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 với việc xác định rõ định hướng điều chỉnh chung.

Theo đó, việc điều chỉnh chính sách tài chính hướng đến tăng trưởng xanh diễn ra theo xu hướng như: Nâng cao nhận thức, huy động tối đa nguồn lực hệ thống tài chính cho mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, hướng tới tăng trưởng và phát triển kinh tế xanh, bền vững; Củng cố nguồn thu, thay đổi cấu trúc ngân sách nhà nước (NSNN), cơ cấu kinh tế, mô hình kinh doanh theo hướng xanh hóa, bền vững; Giảm thiểu triệt để các tác nhân gây hại môi trường thông qua việc mở rộng phạm vi đối tượng chịu thuế, điều chỉnh mức điều tiết thuế, phí bảo vệ môi trường; Khuyến khích nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên thông qua công cụ thuế, chi NSNN cho Chương trình mục tiêu quốc gia; Khuyến khích các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai các hoạt động sản xuất - kinh doanh theo tiêu chí tăng trưởng xanh thông qua việc mở rộng các ưu đãi về thuế, tín dụng...

Trong những năm qua, chất lượng môi trường của Việt Nam đang ngày càng xuống cấp. Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn về môi trường như rừng, đa dạng sinh học bị tàn phá; tài nguyên khoáng sản bị khai thác cạn kiệt và bị sử dụng kém hiệu quả; tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí, chất thải ngày một tăng và trở nên bức bối.

TS Vũ Xuân Nguyệt Hồng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, chia sẻ: “Công nghệ là chìa khóa cho nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, tuy vậy lại là thách thức đối với Việt Nam do trình độ công nghệ của hầu hết các doanh nghiệp còn lạc hậu, sử dụng nhiên liệu kém hiệu quả”.

Theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê, khoảng 95% công ty, doanh nghiệp Việt Nam vào loại nhỏ, vốn ít, thiếu nguồn nhân lực nghiên cứu và còn yếu kém về khả năng, chất lượng nên rất khó cho việc đổi mới công nghệ. Hầu hết máy móc, thiết bị hiện đại của các doanh nghiệp Việt Nam đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Mà việc theo đuổi mô hình tăng trưởng xanh lại đòi hỏi rất lớn nguồn nhân lực nghiên cứu cải tiến công nghệ.

Vì vậy để thực hiện quyết tâm hướng đến mô hình phát triển bền vững thì Việt Nam phải chủ động huy động nguồn vốn từ ngân hàng, tư nhân và nguồn đầu tư nước ngoài cũng như tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

Ngoài việc hạn chế, ngăn ngừa các tác nhân gây hại môi trường, chính sách tài chính còn hướng đến khuyến khích sản xuất, tiêu dùng xanh thông qua các công cụ thuế, chi NSNN, tín dụng, chính sách thúc đẩy thị trường vốn xanh.

Đối với chính sách thuế: Các chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất - nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng từng bước được hoàn thiện theo hướng chú trọng khuyến khích đầu tư, sản xuất theo công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng và hỗ trợ cho việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia.

Đối với chính sách tín dụng: Trong kế hoạch hành động của Chính phủ nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế hướng đến tăng trưởng xanh, các tổ chức tín dụng được xem là những mắt xích quan trọng.

Đối với chi NSNN: Chi NSNN ngày càng ưu tiên cho các Chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến bảo vệ môi trường với các nội dung trọng tâm là: Chi NSNN cho sự nghiệp môi trường, với mức kinh phí không thấp hơn 1% tổng chi cân đối của NSNN trong dự toán ngân sách nhằm hỗ trợ các nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo dự án, thực hiện phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường quốc gia; xây dựng và ban hành tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường; xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ môi trường...

Hiện nay một số quốc gia đã tiến hành triển khai chiến lược xanh hóa thị trường tài chính theo một số hình thức khác nhau: Trung Quốc xây dựng hệ thống tài chính xanh. Theo đó, nước này đang chuyển đổi từ nền kinh tế chỉ tập trung vào tăng trưởng đã tồn tại từ 30 năm nay dẫn tới những tổn hại nghiêm trọng cho môi trường sang một mô hình tăng trưởng xanh lành mạnh, đảm bảo phát triển hài hòa và toàn diện hơn. Theo tính toán của chính phủ Trung Quốc, dự kiến trong vòng 5 năm tới Trung Quốc sẽ cần tới 320 tỷ USD hàng năm cho đầu tư xanh nhằm đáp ứng các mục tiêu bảo vệ môi trường của nước này trong khi nguồn ngân sách nhà nước hiện chỉ có thể đáp ứng 15% nhu cầu, bởi vậy hệ thống tài chính sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc luân chuyển vốn và huy động nguồn vốn cá nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh. Chương trình xanh hóa hệ thống tài chính Trung Quốc bao gồm 14 khuyến nghị chính thức kèm theo 16 phụ lục cung cấp những phân tích chi tiết về cơ sở lý luận về tài chính xanh. Nội dung của chương trình tập trung vào các vấn đề lớn như sau: Xây dựng một hệ thống tài chính xanh hiệu quả sử dụng nhiều công cụ tài chính khác nhau với các khoản cho vay xanh, các quỹ đầu tư xanh, bảo hiểm xanh, v.v..; xây dựng những quy định và chính sách hỗ trợ giảm chi phí đối với các dự án xanh và cải thiện cơ chế cấp vốn cho các dự án xanh; phát triển các tổ chức tài chính chuyên cho vay và đầu tư xanh (những tổ chức mới này cần có sự đầu tư một phần từ phía chính phủ để thể hiện cho thị trường tài chính thấy được cam kết của chính phủ khuyến khích đầu tư xanh và sẽ giảm bớt sự e ngại của khu vực tư nhân đối với những rủi ro khi đầu tư vào các dự án xanh)…

Trong khi đó, một số nước khác chọn hình thức phát hành trái phiếu xanh. Trái phiếu xanh là một hình thức trái phiếu được phát hành gắn liền với những khoản đầu tư thân thiện với môi trường. Ban đầu trái phiếu chủ yếu được phát hành từ các tổ chức tài chính quốc tế và các tổ chức tài chính do chính phủ bảo lãnh bao gồm cả Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hàn Quốc. Các nhà đầu tư bao gồm các nhà đầu tư tổ chức và một số cá nhân. Kỳ hạn trái phiếu trung bình là từ 5 đến 6 năm. Tổ chức phát hành chủ yếu là các định chế tài chính quốc tế như WB, Công ty tài chính quốc tế (IFC). Hình thức này thu hút các nhà đầu tư do có giá trị xã hội vì hỗ trợ cho phát triển bền vững và tăng trưởng xanh; kỳ hạn tương đối ngắn, có tính thanh khoản cao (phần lớn trái phiếu xanh có kỳ hạn từ 1 - 7 năm và có thể mua bán dễ dàng trên thị trường thứ cấp); đồng thời nhiều trái phiếu xanh được miễn thuế và do vậy có mức lợi nhuận cao và độ rủi ro tương đối thấp.

Ngoài ra, mô hình Ngân hàng xanh cũng được áp dụng thành công tại một số quốc gia. Năm 2010, Chính phủ Anh tuyên bố kế hoạch thành lập Ngân hàng đầu tư xanh chuyên đầu tư vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng xanh mà thị trường không thể tài trợ được do lo ngại những rủi ro đi kèm. Ngân hàng đầu tư xanh của Anh đã đi vào hoạt động năm 2012 và là một ngân hàng chính sách thuộc sở hữu của Chính phủ Anh. Chính phủ Anh cung cấp nguồn vốn điều lệ cho ngân hàng trị giá 3,8 tỷ bảng và là một thành viên trong Hội đồng quản trị. Tuy nhiên hoạt động của Ngân hàng là độc lập và không chịu sự kiểm soát của Chính phủ. Ngân hàng đầu tư xanh chủ yếu tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng xanh. Thông qua việc thành lập và hoạt động của Ngân hàng đầu tư xanh, Chính phủ Anh hy vọng có thể khuyến khích nguồn vốn tư nhân cho các dự án xanh nhằm gia tăng quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Những lĩnh vực đầu tư chủ yếu của ngân hàng bao gồm năng lượng tái tạo, giao thông, xử lý rác và nguồn nước, v.v.. Ngân hàng giành ưu tiên cho các dự án cơ sở hạ tầng xanh có rủi ro thấp, giá trị thương mại cao.

Trong chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam, các chính sách tài chính xanh từ phía Chính phủ, ngân hàng đóng vai trò là mắt xích quan trọng trong việc cung ứng nguồn tài chính cho hoạt động kinh doanh, tiêu dùng của các doanh nghiệp, cá nhân. Đối với Nhà nước, việc xây dựng đề án xác định các dự án xanh, thân thiện với môi trường, phê duyệt các khoản chi từ ngân sách nhà nước (NSNN), ban hành các chính sách thuế là yếu tố bảo đảm cho việc hiện thực hóa mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp. Đối với các tổ chức tín dụng (TCTD), xây dựng triển khai có hiệu quả các chính sách tín dụng xanh là nhân tố quyết định bảo đảm nguồn tài chính đáp ứng cho các hoạt động đầu tư xanh của doanh nghiệp. Vì vậy, việc đánh giá thực trạng các công cụ tài chính mà Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ngân hàng thương mại (NHTM) đã áp dụng trong thời gian qua để thúc đẩy tăng trưởng xanh là điều cần thiết.

Với sự ra đời của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 và Chỉ thị 03/CT-NHNN được Thống đốc ban hành ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Đề án 1064 phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam được Thống đốc ban hành kèm Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018, các NHTM đã tích cực triển khai xây dựng quy trình thẩm định rủi ro môi trường và xã hội trong các quy định nội bộ, đồng thời liên tục đưa ra các chương trình tín dụng ưu đãi cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân vay vốn để triển khai các dự án xanh.

Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được thì quá trình phát triển tín dụng xanh vẫn còn một số bất cập như chưa có quy định, định nghĩa, tiêu chuẩn về danh mục các ngành/lĩnh vực xanh để có thể áp dụng chung, thống nhất cho cả nước dẫn tới việc thiếu cơ sở để các TCTD căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh. Ngoài ra, việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh nhất là các lĩnh vực năng lượng tái tạo thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài và chi phí đầu tư lớn. Trong khi đó, nguồn vốn huy động của các TCTD thường là ngắn hạn. Để có thể cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài, lãi suất ưu đãi thì các TCTD cần được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn dài, ưu đãi hoặc có cơ chế chia sẻ lãi suất cho vay giữa các TCTD.

Trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã rất nỗ lực trong việc triển khai phát triển ngân hàng xanh theo nội dung Đề án phát triển ngân hàng xanh 1604 đưa ra, và thu được những thành quả nhất định. Cụ thể, khảo sát của NHNN cho thấy có 19 TCTD xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường xã hội, trong đó có 13 TCTD tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường xã hội vào quy trình hoạt động tín dụng xanh, 10 TCTD đã xây dựng được sản phẩm tín dụng ngân hàng cho tín dụng xanh, 17 TCTD đã sử dụng sổ tay đánh giá rủi ro môi trường xã hội cho 10 ngành kinh tế. Các NHTM đã nỗ lực đưa ra được hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội như là màng lọc giúp NHTM phát triển tín dụng xanh một cách có hiệu quả. Hiện nay đã có 3 NHTM áp dụng được Hệ thống quản lý trách nhiệm với môi trường ESMS, đó là Sacombank, Techcombank và VietinBank, trong đó Sacombank là NHTMCP đầu tiên tại Việt Nam áp dụng hệ thống này vào năm 2012, tiếp theo là Techcombank vào năm 2016.

Mặc dù số lượng NHTM áp dụng hệ thống này còn ít, nhưng trong quá trình đánh giá cấp tín dụng, NH đã đưa chỉ tiêu về môi trường và xã hội làm một trong những tiêu chí để đưa ra quyết định cấp tín dụng. Cụ thể, các NHTM đã yêu cầu khách hàng (i) báo cáo đánh giá tác động về môi trường nói riêng ; (ii) xây dựng các tiêu chí để phân loại dự án căn cứ vào mức độ rủi ro, tác động của dự án tới môi trường xã hội ; (iii) giám sát việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường của khách hàng. Ngoài ra, không chỉ hướng tới phục vụ khách hàng xanh, bản thân các NHTM cũng tiến hành thực hiện xanh hóa trong nội bộ thông qua các biện pháp như tiết kiệm giấy, áp dụng hình thức ngân hàng trực tuyến…Ví dụ, năm 2012, LienVietPostBank triển khai chương trình “Ngân hàng Xanh” với mục đích đưa hoạt động bảo vệ môi trường trở thành hoạt động lâu dài, hướng đến sự phát triển bền vững. Chương trình bao gồm 3 hoạt động chính là: (1) xây dựng văn phòng xanh – phát động thi đua tiết kiệm điện, văn phòng phẩm, tiết giảm tài sản công cộng như nước, giấy vệ sinh, tạo không gian xanh sạch đẹp; (2) đổi giấy lấy cây xanh nhằm tái sử dụng giấy; (3) xây dựng quầy giao dịch xanh vì nụ cười khách hàng, đem đến hình ảnh ngân hàng thân thiện, vui vẻ.

Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng việc triển khai thực hiện ngân hàng xanh tại các NHTM Việt Nam còn nhiều hạn chế, cụ thể chưa nhiều ngân hàng tích cực triển khai hoạt động ngân hàng xanh. Nguyên nhân là do các ngân hàng cho rằng sẽ mất đi lượng lớn lợi nhuận do việc thẩm định tín dụng sẽ bị siết chặt hơn khi xét đến yếu tố môi trường, xã hội. Các sản phẩm dịch vụ ngân hàng xanh tại Việt Nam còn chưa cụ thể và chưa được thực hiện thường xuyên. Những sản phẩm đã được triển khai mới chỉ dừng lại ở mức độ là các chương trình ngắn hạn để thể hiện trách nhiệm xã hội của ngân hàng. Các sản phẩm tín dụng xanh trên thế giới như cho vay mua nhà xanh, cho vay mua xe xanh vẫn chưa thấy xuất hiện tại Việt Nam.

Thời gian tới, Nhà nước cần hoàn thiện chính sách thuế nhằm điều tiết nền kinh tế thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Cụ thể, hoàn thiện cả mức ưu đãi và thời gian ưu đãi đối với thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm thu hút có chọn lọc đầu tư vào phát triển các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, sử dụng công nghệ thân thiện môi trường; khuyến khích sản xuất năng lượng sạch và phát triển vận tải công cộng.

Nhà nước cũng cần mở rộng phạm vi đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường để bao quát hết các sản phẩm gây tổn hại đến môi trường như phân bón hóa học, khí thải; tiếp cận theo cơ chế giá trị thị trường, bảo đảm nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền; hoàn thiện chính sách thuế tài nguyên và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế tài nguyên về sản lượng tính thuế, giá tính thuế, thuế suất…

Với mảng tín dụng xanh, NHNN cần hoàn thiện khung khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện tín dụng xanh cho các TCTD, thống nhất các tiêu chuẩn về tín dụng xanh, danh mục ngành/lĩnh vực xanh làm cơ sở để các TCTD lựa chọn, thẩm định, đánh giá, giám sát khi thực hiện cấp tín dụng; cần có các quy định mới liên quan đến nguồn vốn hỗ trợ tín dụng xanh cho các NHTM như không nên tính nguồn vốn cho vay dự án xanh, sạch vào tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với phần nguồn vốn ngân hàng huy động để cho vay dự án tín dụng xanh.

Các NHTM cần xây dựng lộ trình triển khai ngân hàng xanh từ khâu xây dựng chiến lược, chính sách cho đến khâu cụ thể hóa các chính sách ngân hàng xanh trên từng lĩnh vực phát triển các sản phẩm, dịch vụ xanh, hướng đến mục tiêu ngân hàng xanh toàn diện; Có các chiến lược marketing hiệu quả để quảng bá sản phẩm đến người dân và góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân trong việc lựa chọn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Nhà nước cần xem xét hoàn thiện các cơ sở pháp lý cho hoạt động của thị trường trái phiếu xanh. Dựa trên bộ tiêu chuẩn trái phiếu xanh ASEAN và nguyên tắc trái phiếu xanh 2018, các cơ quan quản lý xây dựng bộ nguyên tắc trái phiếu xanh riêng cho Việt Nam, đưa ra quy trình hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về các quy định liên quan đến việc phát hành trái phiếu xanh như: quy định về các tiêu chí lựa chọn dự án xanh, quy định về quy trình thẩm định, đánh giá, báo cáo và chế độ công bố thông tin liên quan đến quản lý và sử dụng dòng tiền thu được từ trái phiếu xanh và các dự án xanh được lựa chọn; Đưa ra các ưu đãi chính sách để khuyến khích các tổ chức phát hành và thu hút các nhà đầu tư quan tâm tới loại trái phiếu này, cụ thể: một số ưu đãi về thuế, phí cho các nhà phát hành như giảm thuế TNDN đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu để thực hiện các dự án có mục tiêu phát triển bền vững; hoặc trong giai đoạn đầu đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến việc phát hành để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, chính quyền địa phương dễ dàng tiếp cận loại hình phát hành hành mới này; Phát triển các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, tổ chức độc lập, đánh giá trái phiếu xanh/dự án xanh và khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm và đánh giá dự án xanh.

Bên cạnh đó, thời gian tới, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục xem xét, rà soát các hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và nâng tỉ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, phấn đấu đạt 70% vào năm 2030. Trong đó, tập trung xây dựng các tiêu chuẩn mang tính chất thân thiện với môi trường bởi tiêu chuẩn “xanh” chính là lợi thế giúp cho các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam vượt qua các rào cản mới của nước ngoài, ví dụ như rào cản đối với các sản phẩm có sử dụng chất gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể, ưu tiên xây dựng các tiêu chuẩn liên quan đến các nguyên liệu, nhiên liệu mới thay thế cho nguồn nhiên liệu khoáng; năng lượng tái tạo; hiệu suất năng lượng cho các sản phẩm thiết bị sử dụng điện; tái sử dụng nước thải; tái chế chất thải; các sản phẩm có tính năng tiết kiệm nước; các công nghệ thân thiện với môi trường; bao bì phân hủy sinh học… Bên cạnh đó, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng sẽ chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn về ứng phó biến đổi khí hậu như tiêu chuẩn về định lượng và kiểm kê khí nhà kính cho các ngành công nghiệp, điều hòa không khí sử dụng môi chất lạnh thế hệ mới thay thế các môi chất lạnh cũ có chứa các chất làm suy giảm tầng ozone…

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tin tưởng rằng Việt Nam sẽ sớm hoàn thành mục tiêu là một trong những quốc gia thực hiện thành công các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường, cũng như phát triển kinh tế theo mô hình tăng trưởng xanh và trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư.

* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020”

Đọc thêm

Bắc Bộ sáng sớm có sương mù, ngày nắng dịu Môi trường

Bắc Bộ sáng sớm có sương mù, ngày nắng dịu

TTTĐ - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ đêm 21/11 đến đêm 22/11, khu vực từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 50-120mm, có nơi trên 180mm; cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn.
Hà Nội: Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý giá đất Môi trường

Hà Nội: Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý giá đất

TTTĐ - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành và địa phương triển khai các nội dung quan trọng, nhằm thực thi hiệu quả Luật Đất đai 2024 và giải quyết những khó khăn trong công tác quản lý giá đất, theo kết luận tại Văn bản số 599/TB-BTNMT ngày 15/10/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bắc Bộ ngày nắng, có nơi trên 30 độ C Xã hội

Bắc Bộ ngày nắng, có nơi trên 30 độ C

TTTĐ - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới từ tối 19/11.
3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để thích ứng với biến đổi khí hậu Xã hội

3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để thích ứng với biến đổi khí hậu

TTTĐ - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1422/QĐ-TTg ngày 19/11/2024 về việc ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (cập nhật).
Lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải xe cơ giới Môi trường

Lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải xe cơ giới

TTTĐ - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 19/2024/QĐ-TTg ngày 15/11/2024 quy định lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp.
Thông qua trình tự, thủ tục điều chỉnh xác định phân vùng môi trường Môi trường

Thông qua trình tự, thủ tục điều chỉnh xác định phân vùng môi trường

TTTĐ - Chiều 19/11, tại kỳ họp chuyên đề, HĐND TP đã thông qua quy định trình tự, thủ tục điều chỉnh việc xác định phân vùng môi trường trong Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên địa bàn TP Hà Nội.
Bão số 9 đi vào khu vực Bắc Biển Đông và suy yếu thêm Môi trường

Bão số 9 đi vào khu vực Bắc Biển Đông và suy yếu thêm

TTTĐ - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 9 tiếp tục di chuyển vào khu vực Bắc Biển Đông và suy yếu thêm.
Cơ hội phát triển làng nghề "xanh hoá", giảm thiểu ô nhiễm môi trường Môi trường

Cơ hội phát triển làng nghề "xanh hoá", giảm thiểu ô nhiễm môi trường

TTTĐ - Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề ngoại thành từ lâu đã trở thành vấn đề "báo động đỏ". Với các chính sách đặc thù, Luật Thủ đô năm 2024 sẽ mở ra cơ hội giúp làng nghề của Thủ đô phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Vi phạm về môi trường, hàng loạt "ông lớn" tại Đồng Nai bị phạt Môi trường

Vi phạm về môi trường, hàng loạt "ông lớn" tại Đồng Nai bị phạt

TTTĐ - Tỉnh Đồng Nai liên tục phát hiện nhiều trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường trong đó nhiều đơn vị được đánh giá là "ông lớn" của tỉnh Đồng Nai như: Công ty Hyosung, Công ty Advanced Multitech, Công ty Cổ phần Thương mại - Xây dựng Đa Lộc, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển VRG Long Thành, Công ty Cao su Kenda... Tổng số tiền xử phạt lên đến hàng tỷ đồng.
Bão số 9 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 550km Xã hội

Bão số 9 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 550km

TTTĐ - Hồi 13 giờ ngày 18/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,3 độ Vĩ Bắc; 117,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông.
Xem thêm