Hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Trong đó, dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV. Việc hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua, là sự cụ thể hóa Hiến pháp để giải quyết những vấn đề thực tiễn về trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.
Theo báo cáo tóm tắt về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, sau hơn 13 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 bên cạnh những kết quả đã đạt được còn phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, đòi hỏi khách quan phải ban hành những đạo luật mới thay thế, điều chỉnh từng lĩnh vực.
Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV |
Do đó, việc ban hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ với mục tiêu bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền con người khi tham gia giao thông, Luật sẽ tập trung điều chỉnh 6 nhóm chính sách. Cụ thể bao gồm: Quy tắc giao thông đường bộ; Điều kiện phương tiện tham giao thông đường bộ; Chỉ huy, điều khiển giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; Tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Cùng với đó, ban hành Luật Đường bộ với mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông, quản lý vận tải để thích ứng với sự thay đổi, phát triển nhanh của kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật, hướng tới phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải hiện đại, đồng bộ, an toàn chất lượng công trình, Luật sẽ tập trung điều chỉnh vào 3 nhóm chính sách gồm: Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Phương tiện giao thông đường bộ (kỹ thuật và duy trì kỹ thuật phương tiện); Vận tải đường bộ.
Việc xây dựng 2 luật không ảnh hưởng đến tính thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam.
Dự án Luật đã được tổ chức xây dựng theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật |
Về quá trình xây dựng Luật, dự án Luật đã được tổ chức xây dựng theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật và gửi xin ý kiến các cơ quan của Đảng, Quốc hội, bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan.
Theo đó, đại đa số các ý kiến tham gia đã nhất trí về sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật. Nhiều cơ quan đề nghị cần sớm ban hành Luật tạo cơ sở pháp lý có giá trị cao trong quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Đồng thời, đã tham gia ý kiến về các nội dung cụ thể để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật.
Dự thảo Luật quy định về 6 nhóm vấn đề lớn. Cụ thể gồm: Chính sách về quy tắc giao thông đường bộ; Chính sách về điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; Chính sách về chỉ huy, điều khiển giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Chính sách về giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; Chính sách về tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Chính sách về quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.