“Học ngày, cày đêm” trước kỳ thi vào lớp 10
Học sinh thi vào lớp 10 được cộng nhiều nhất 1,5 điểm ưu tiên Giáo viên chia sẻ kinh nghiệm ôn thi vào lớp 10 môn Tiếng Anh |
Không hôm nào ngủ trước 1 giờ sáng
Dù được nghỉ lễ 30/4 - 1/5 tới 5 ngày nhưng gia đình chị Chu Thu Hương, (ở quận Hà Đông, Hà Nội) không có kế hoạch tham gia hoạt động vui chơi, giải trí hay du lịch để tập trung toàn lực cho cậu con trai năm nay thi vào lớp 10.
Có lực học tương đối khá nên con trai chị đã đặt ra mục tiêu “khó nhằn” cho bản thân. Đó là thi vào chuyên Toán của trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, THPT Lê Quý Đôn. Đây đều là những trường top đầu của thành phố với tỉ lệ chọi vô cùng căng thẳng.
Học sinh Hà Nội ôn tập trước kỳ thi vào lớp 10. Ảnh: Internet |
“Hằng ngày, tan học trên lớp, cháu ăn vội bữa chiều rồi đến lớp học thêm Toán - Văn - Anh tới hơn 21h mới về ăn cơm. Ăn cơm xong nghỉ ngơi chút con lại vào bàn học. Không hôm nào cháu đi ngủ trước 1 giờ sáng thành ra tôi cũng thao thức không ngủ nổi, vừa thương vừa lo cho sức khỏe của con”, chị Hương chia sẻ.
Lượng kiến thức khổng lồ khiến Tiến Phúc - con trai chị Hương đôi lúc thấy uể oải, chán nản việc học. Tuy nhiên, nếu không cố gắng, nỗ lực sẽ không thể đạt kết quả như ý trong kỳ thi sắp tới nên Phúc gồng mình học tiếp.
Chị Hương chia sẻ: “Dù xót con nhưng có vất vả mới có được quả ngọt. Không còn cách nào khác, tôi chỉ biết động viên con cố gắng trong khoảng thời gian này. Tôi cũng thu xếp công việc xin nghỉ làm sớm hơn để chuẩn bị cơm nước, đưa đón con đi học, ôn thi”.
Em Nguyễn Bảo Châu học sinh lớp 9, trường THCS Văn Khê đặt mục tiêu vào lớp 10 trường THPT Lê Quý Đôn. Để đạt mục tiêu đó, Bảo Châu dành phần lớn thời gian cho việc ôn luyện tại các trung tâm. Mỗi ngày, sau giờ tan trường, em tham gia 2 lớp học thêm từ 18 - 22h.
Quay cuồng với sách vở, Châu không có nhiều thời gian cho việc giải trí nên thường xuyên trong tình trạng căng thẳng. “Hôm nào em cũng học đến 1 - 2 giờ sáng, dậy lúc 7 giờ để tiếp tục đến trường. Bây giờ là thời gian nước rút để ôn tập kiến thức nên em tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, chuẩn bị kỹ lưỡng nhất về kiến thức trước kỳ thi”, Châu nói.
Ngoài kiến thức cần chuẩn bị tốt tâm lý
Theo một giáo viên dạy Ngữ văn tại một trường THPT ở quận Cầu Giấy, vào thời điểm nước rút, số lượng phụ huynh đăng ký cho con học thêm, ôn thi cấp tốc bắt đầu tăng. Theo giáo viên này, năm nay số lượng học sinh đăng ký vào lớp 10 các trường công lập tại Hà Nội tăng, đồng nghĩa tỷ lệ chọi cũng cao hơn nên việc học sinh ôn luyện căng thẳng, áp lực cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, các em nên học vừa phải, không ép bản thân quá sức bởi sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và khả năng tiếp thu kiến thức.
“Hiện nay tôi thấy nhiều em học rất vất vả, “cày ngày, cày đêm” cả trên trường, ở nhà và học thêm, rất mệt mỏi. Tôi mong các em cân bằng tốt giữa việc ôn luyện và rèn luyện sức khỏe để chuẩn bị cho kỳ thi thật tốt”, giáo viên này chia sẻ.
Theo đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình THCS hiện hành của Bộ GD&ĐT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9.
Đề thi môn Toán và Ngữ văn bảo đảm 4 cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cấp độ cao; còn đề thi môn Ngoại ngữ chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và một số câu ở cấp độ vận dụng.
Mức độ yêu cầu về kiến thức và kỹ năng của đề thi sẽ được tinh giản phù hợp. Vì vậy, học sinh yên tâm học tập, ôn luyện theo hướng dẫn của giáo viên và các nội dung trong chương trình được học.
Nhằm giúp học sinh, phụ huynh có thêm thông tin liên quan đến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025, ngày 15/5 tới, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố số lượng học sinh dự tuyển vào từng trường THPT công lập. Căn cứ vào số lượng học sinh dự tuyển và chỉ tiêu được giao, học sinh, phụ huynh có thể tính được tỉ lệ chọi năm nay.
Năm học 2023-2024, dự kiến toàn thành phố có khoảng 133.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS. Theo kế hoạch đã được UBND thành phố phê duyệt, chỉ tiêu dự kiến vào trường công lập khoảng 81.200 học sinh; còn khoảng 51.800 em sẽ được tuyển vào các trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trên địa bàn Hà Nội hiện có nhiều loại hình trường đáp ứng nguyện vọng học tập đa dạng của học sinh. Sở GD&ĐT Hà Nội đã và đang tiếp tục tham mưu thành phố triển khai nhiều giải pháp, bảo đảm đáp ứng nhu cầu học tập của 100% học sinh tốt nghiệp THCS. |