Học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học: Đừng để lợi bất, cập hại
Nhiều bất cập ở cấp THCS
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1/11/2020 và thay thế Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Một trong những thay đổi đáng chú ý liên quan đến quy định sử dụng điện thoại trong giờ học.
Cụ thể, Điều lệ ban hành kèm Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT quy định một trong những hành vi học sinh không được làm là “sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép".
Nhiều ý kiến đồng tình với việc nên quy định độ tuổi cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học (Ảnh minh họa) |
Thông tư này ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều của phụ huynh, giáo viên… Ngay sau đó, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng đã đưa ra những giải thích cụ thể về việc cho học sinh sử dụng điện thoại vào việc học, có sự quản lý của giáo viên.
Lãnh đạo Bộ cũng lý giải, quy định này được đưa ra trong bối cảnh xã hội đang có những chuyển biến mạnh mẽ, hướng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác dạy và học. Khi đã dạy học qua Internet thì phải có phương tiện cho học sinh truy cập vào các nguồn học liệu như máy tính, điện thoại di động và các công cụ khác...
Dù vậy, vấn đề này vẫn khiến đa số phụ huynh không đồng tình, nhất là với những người có con ở cấp THCS. Không ít người nhận định, lứa tuổi này chưa phù hợp với việc sử dụng điện thoại.
Nhiều ý kiến cho rằng, Thông tư này chung chung, không nhất quán. Thực tế, giáo viên dạy trong lớp phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu như: Đổi mới phương pháp dạy, kiểm tra, đánh giá… bây giờ quản lý thêm việc sử dụng điện thoại trong giờ học của học sinh là điều rất khó sát sao. Nếu một lớp có 50 học sinh thì giáo viên càng khó quản lý.
Ngoài ra, sẽ rất khó cho giáo viên nếu tiết trước cho sử dụng, giờ sau cô giáo khác không cho; Thao tác thu điện thoại rồi lại trả cho học sinh sẽ mất nhiều thời gian và không thật sự phục vụ cho việc học.
Anh Nguyễn Đình Thi ở huyện Đông Anh (Hà Nội), cho rằng: “Dù sử dụng điện thoại thông minh có mặt lợi nhưng ngược lại sẽ rất bất cập với lứa tuổi THCS, nhất là với những trẻ chưa được giáo dục kỹ về vấn đề này. Ở cấp THCS, những học sinh biết sử dụng điện thoại vào việc học có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay so với hàng triệu em cùng độ tuổi. Từ trước đến nay, các học chưa được giáo dục kỹ năng sử dụng điện thoại cho việc học tập như thế nào là hữu ích trong khi vấn đề phát sinh từ mạng xã hội lại quá nhiều, tôi e rằng cái hại còn lớn hơn cái lợi”.
Trên thực tế, hiện nay ở nhiều trường, giáo viên vẫn cứ giao bài cho học sinh và yêu cầu các em khai thác tài liệu trên mạng. Ở trường, học sinh có giờ Tin học và phòng máy riêng, các em có thể tận dụng nhiều ứng dụng thông minh tại đó. Khi về nhà sử dụng thiết bị thông minh được bố mẹ quản lý.
Học sinh là lứa tuổi đẹp đẽ, cần có định hướng tốt, phù hợp từ gia đình, nhà trường và xã hội |
TS tâm lý Vũ Thu Hương đặt câu hỏi: “Bộ GD&ĐT cho rằng, học sinh được sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học để khai thác nguồn học liệu. Vậy, nguồn học liệu chỉ tồn tại trên mạng, không hề tồn tại ở các thư viện, trong các sách báo chính thống? Bộ yêu cầu các trường xây dựng thư viện nhưng lại khuyến khích các học sinh tra cứu trên mạng. Nếu nội dung của sách báo chính thống và thông tin trên mạng có mâu thuẫn, ai sẽ là người kiểm chứng để định hướng cho trẻ?”.
Ngoài ra, TS Vũ Thu Hương cũng cho rằng, trên mạng có rất nhiều các thông tin không được kiểm chứng, các clip không có ý nghĩa giáo dục. Bộ sẽ giải quyết thế nào khi trẻ hiểu sai do việc cập nhật thông tin không chính thống? Ngoài ra, một số gia đình không có điều kiện mua điện thoại thông minh, Bộ sẽ giải quyết thế nào để học sinh đều được cư xử công bằng trong trường học?
Cần quy định lứa tuổi
Ông Nguyễn Quốc Bình, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức cho rằng: “Vấn đề mang điện thoại vào lớp dù được giáo viên đồng ý nhưng tôi cho rằng, cần phải quy định ở lứa tuổi nào được sử dụng.
Đúng là chúng ta có lo lắng thật nhưng ở đây có một thực tế, cái gì cũng có mặt tích cực và hạn chế, chỉ có điều ta sử dụng mặt tích cực như thế nào và hạn chế mặt tiêu cực của nó ra sao. Trong vấn đề này, tôi nghĩ vai trò không chỉ có của nhà trường mà gia đình, phải giáo dục đồng bộ".
Việc sử dụng điện thoại của học sinh hiện nay chúng ta đang "thả rông", không có bất cứ quy định nào cả. Ở nước ngoài, người ta cũng cấm học sinh dùng điện thoại trong giờ học nhưng cũng có những tiết, các em được phép sử dụng.
Hiện nay, việc học mọi lúc mọi nơi, sử dụng phương tiện Internet để học là điều rất nên, dần dần chúng ta cũng phải giáo dục, có bộ lọc nhất định để học sinh đến lứa tuổi nào đó phải sử dụng điện thoại đúng cách, đúng lúc, đúng chỗ…”.
Ông Bình cũng cho rằng, độ tuổi THPT có thể được sử dụng điện thoại, còn cấp THCS chưa nên cho các em dùng. Vì lứa tuổi, cấp học này chưa thực sự cần thiết, cấp bách sử dụng điện thoại trong giờ học.
Việc sử dụng điện thoại trong giờ học là vấn đề xã hội, không chỉ phụ huynh mà cả nhà trường... đau đầu. Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần phải thăm dò kỹ càng và lấy ý kiến cho phép sử dụng độ tuổi nào, sử dụng vào giờ nào và sử dụng như thế nào. Bên cạnh đó, các trường cần phải có chế tài và quy định cụ thể về vấn đề này để tránh trường hợp lợi bất, cập hại.
Tin tức trong ngày 19/9: Học sinh được sử dụng điện thoại trên lớp phục vụ cho việc học |