Hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"
Nhìn lại 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (1972 - 2022)
Tại cuộc họp báo, Đại tá Trần Ngọc Anh, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị cho biết, Hội thảo nhằm khẳng định, làm rõ tầm nhìn chiến lược, chủ trương lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, khả năng điều hành chiến tranh tài tình, linh hoạt, nhạy bén của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng khi quyết định mở Chiến dịch Phòng không Hà Nội - Hải Phòng; Đánh giá đúng tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi, đúc rút những bài học kinh nghiệm và bài học lịch sử về lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược, sự phát triển của nghệ thuật quân sự, vận dụng phát huy vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc Việt Nam…; Tri ân công lao to lớn sự đóng góp của lực lượng vũ trang, cán bộ và Nhân dân miền Bắc, trực tiếp là quân, dân Thành phố Hà Nội và Bộ Tư lệnh Quân chủ Phòng không - Không quân cùng với các lực lượng khác như công an, tự vệ…
Đại tá Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Bộ Quốc Phòng khẳng định, đây là hội thảo cấp quốc gia có quy mô, tầm vóc lớn, nhìn lại 50 năm thắng lợi của "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".
Đại tá Trần Ngọc Anh, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị phát biểu |
Nội dung chính của Hội thảo tập trung vào các vấn đề như: Một là, làm rõ bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế, phân tích âm mưu, thủ đoạn, kế hoạch tác chiến của đế quốc Mỹ khi tiến hành tập kích chiến lược bằng không quân, được gọi là Chiến dịch Linebacker II đánh phá Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hải Phòng và địa bàn lân cận.
Hai là, đường lối, chủ trương, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng khi quyết định mở Chiến dịch Phòng không Hà Nội - Hải Phòng; Phân tích làm rõ quá trình chuẩn bị, tổ chức lực lượng, sự phối hợp giữa Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân; Chính quyền, Nhân dân địa phương tạo thành sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi; nghệ thuật tác chiến chiến dịch, công tác bảo đảm, vũ khí, trang bị kỹ thuật, bảo đảm hậu cần và tham gia phục vụ chiến đấu của quân và dân cả nước nói chung, quân và dân Hà Nội, Hải Phòng nói riêng.
Ba là, tái hiện cuộc chiến đấu kiên cường, anh dũng, mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta, với ý chí quyết đánh, dám đánh, và quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược; Làm rõ cách đánh linh hoạt của quân và dân ta trong chiến dịch như: Nắm chắc ý đồ của địch, chủ động, sáng tạo kịp thời phát hiện địch từ xa, huy động sức mạnh tổng hợp của thế trận phòng không Nhân dân, thế trận an ninh Nhân dân để đối phó hiệu quả với những thủ đoạn đánh phá của địch, giành thắng lợi. Bên cạnh đó, cần đánh giá, nhìn nhận hạn chế, khuyết điểm trong vận dụng phương pháp tác chiến, trong tổ chức, chỉ huy chiến đấu của cán bộ các cấp.
Bốn là, đánh giá tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi và những bài học lịch sử, bài học kinh nghiệm về nghệ thuật chỉ đạo, xây dựng, tổ chức chuẩn bị và thực hành tác chiến chiến dịch để vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Hội thảo quy tụ tổng số 135 bài tham luận; trong đó 5 bài khung; 125 bài báo cáo tham luận và 5 ý kiến nhân chứng lịch sử.
“Các tham luận được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, bảo đảm chất lượng, khoa học, bám sát nội dung; phân tích và làm rõ về chủ trương, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo và nhạy bén, kịp thời của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong chiến dịch này; Tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm, khắc phục khó khăn của các lực lượng tham gia chiến dịch; vai trò của quân và dân trên địa bàn chiến dịch cũng như cả nước, góp phần làm rõ tư liệu, sự khai thác có cách nhìn mới, tài liệu mới với nhãn quan, chính trị và tư duy mới… Toàn bộ số bài viết trên được Viện Lịch sử quân sự biên tập và chuyển sang NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật” để in sách kỷ yếu”, Đại tá Nguyễn Văn Sáu khẳng định.
Hội thảo sẽ diễn ra vào sáng 9/12 tại Hội trường Bộ Quốc phòng với khoảng 650 đại biểu tham dự.
Tưng bừng nhiều hoạt động tuyên truyền tại Hà Nội
Ngoài hội thảo cấp quốc gia, nhân dịp này, Ban Chỉ đạo cũng tổ chức nhiều sự kiện bên lề như: Thăm, tặng quà 9 gia đình chính sách trên địa bàn Thành phố Hà Nội vào ngày 8/12; Dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh và Anh hùng liệt sĩ tại khuôn viên Quân chủng Phòng không - Không quân vào chiều 8/12...
Thông tin thêm về các hoạt động tuyên truyền nhân dịp này, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội - ông Đào Xuân Dũng cho hay, thành phố Hà Nội đã xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm nên ngay từ đầu năm đã có sự chuẩn bị cho các hoạt động tuyên truyền.
Các đại biểu tham dự cuộc họp báo |
Cụ thể, dịp này, thành phố sẽ tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền trực quan sinh động trên các đường phố, quận, huyện. Song song với đó là tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên phủ trên không vào 26/12; Phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức gặp mặt nhân chứng lịch sử tại Hoàng thành Thăng Long; Giao lưu các chiến sĩ phòng không, không quân; tu bổ các công trình, di tích lịch sử, tượng đài…
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng sẽ tổ chức cho học sinh, sinh viên thăm Bảo tàng Chiến thắng B52; Dâng hương tại đài tưởng niệm Khâm Thiên…
Những hoạt động này một lần nữa góp phần nhằm tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm vóc to lớn của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, từ đó hun đúc tinh thần, lòng tự hào, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của người dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.