Hơn 1 triệu hộ cận nghèo được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội
Có thể nói, nguồn vốn tín dụng giúp nhiều hộ cận nghèo có điều kiện mở rộng sản xuất. Sau 4 năm triển khai thực hiện Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg ngày 23/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo đã tạo động lực cho các hộ cận nghèo trên cả nước phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và giảm nghèo bền vững.
Tính đến hết 31/01/2017, dư nợ đạt hơn 29.603 tỷ đồng, chiếm 18,94% tổng dư nợ các chương trình cho vay, với hơn 1,18 triệu hộ dư nợ; Dư nợ bình quân gần 25 triệu đồng/hộ; Nợ quá hạn gần 14 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,04% dư nợ chương trình.
Sau 4 năm triển khai, có hơn 1 triệu hộ cận nghèo được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội
Trước đây, chỉ có đối tượng hộ nghèo được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi, mà chưa có chính sách hỗ trợ đối với hộ cận nghèo, trong khi ranh giới giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo là rất mong manh. Do đó, không ít hộ nghèo sau khi vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đã thoát nghèo nhưng không bền vững, bởi chỉ cần gặp rủi ro nhỏ về kinh tế hay gia đình có người đau ốm, tai nạn là họ lại có thể tái nghèo.
Chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ cận nghèo đã thực sự trở thành nguồn lực tiếp sức cho rất nhiều hộ cận nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ổn định và thoát hẳn nguy cơ tái nghèo.
Kể từ khi có chính sách cho vay đối với hộ cận nghèo, nhu cầu vốn bức thiết của các đối tượng này đã được đáp ứng. Hộ cận nghèo có điều kiện tiếp cận nguồn vốn đầu tư, phát triển kinh tế gia đình. Hộ cận nghèo được vay mức tối đa 50 triệu đồng, lãi suất ưu đãi 0,66%/tháng, không phải thế chấp tài sản, được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phát tiền vay ngay tại nơi cư trú là điểm giao dịch xã.
Thông qua những hoạt động cho vay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên kiểm tra, giám sát đảm bảo vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng. Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các buổi giao dịch lưu động tại xã, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ cận nghèo được tiếp cận vốn vay nhanh chóng.
Có thể khẳng định việc hỗ trợ vốn cho hộ cận nghèo bước đầu đã mang lại hiệu ứng tích cực. Để có điều kiện tiếp tục mở rộng hoạt động tín dụng, đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho hộ cận nghèo thì các Bộ, ngành liên quan bố trí đủ nguồn vốn để đáp ứng cho vay chương trình; chính quyền UBND các cấp tiếp tục dành một phần ngân sách địa phương để bổ sung cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn; các Bộ, ngành liên quan tăng cường phối hợp với các hội, đoàn thể để đẩy mạnh dịch vụ tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ các hộ cận nghèo về giống, tiến bộ kỹ thuật, vật tư, … Có như vậy, nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ mới trở thành "lực đẩy" giúp những hộ cận nghèo vươn lên ổn định cuộc sống một cách bền vững.