Hơn 3,7 triệu cổ phiếu ACB của Bầu Kiên được rao bán để thi hành án
ACB và MoMo hợp tác thúc đẩy mua sắm và thanh toán di động |
Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) cho biết vừa nhận được Công văn số 1276/TB-CCTHADS ngày 5/7/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Hoàng Mai (Hà Nội) về việc bán tài sản để thi hành án.
Theo đó, Chi cục Thi hành án dân sự quận Hoàng Mai phối hợp với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, Công ty TNHH Chứng khoán ACB tổ chức bán tài sản là 3.703.786 cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tại tài khoản chứng khoán mang tên ông Nguyễn Đức Kiên, đã lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.
Thời gian thực hiện bán trong thời gian 3 ngày (bắt đầu từ ngày 9/7/2021) theo phương thức khớp lệnh tập trung theo giá thị trường tại ngày bán.
Số lượng cổ phiếu bán phụ thuộc vào giá cổ phiếu tại thời điểm bán để số tiền thu được tương ứng với số tiền hơn 76,5 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) |
Trước khi mở cuộc bán tài sản một ngày làm việc, người phải thi hành án, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền được nhận lại tài sản nếu nộp đủ tiền thi hành án và thanh toán các chi phí thực tế, hợp lý đã phát sinh từ việc cưỡng chế thi hành án, tổ chức bán tài sản
Theo tìm hiểu, hiện ông Nguyễn Đức Kiên vẫn đang trong thời gian thụ án bởi liên quan đến hành vi phạm tội về kinh tế. Mặc dù dính lao lý nhưng ông Kiên cũng đang sở hữu hơn 31,5 triệu cổ phiếu ACB, nếu tính theo giá thị trường hiện tại (khoảng 36.000 đồng/đơn vị chốt phiên 6/7), số cổ phiếu này hiện có giá hơn 1.100 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh của ACB, theo báo cáo tài chính quý 1/2021 vừa công bố, thu nhập lãi thuần 3 tháng đầu năm 2021 của ngân hàng đạt 4.639 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020.
Đồng thời, các khoản lãi từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh 69% đạt 625 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 37% đạt 196 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh tăng gần 8 lần đạt 113 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư đạt 49 tỷ đồng, giảm 86% so với cùng kỳ; lãi từ hoạt động khác giảm 39% xuống 49 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí hoạt động của ACB giảm 16,7% xuống còn 1.965 tỷ đồng, chủ yếu do giảm chi phí cho nhân viên. Trong khi đó, chi phí dự phòng rủi ro lại tăng đột biến, cao gấp 6,5 lần cùng kỳ, ở mức 606 tỷ đồng.
Mặc dù chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh nhưng ACB vẫn ghi nhận lợi nhuận trước và sau thuế tăng 61% và 62% so cùng kỳ, đạt hơn 3.204 tỷ đồng và hơn 2.483 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/3/2021, tổng tài sản của ACB ở mức gần 449.515 tỷ đồng; dư nợ cho vay khách hàng tăng 4,1% đạt 324.311 tỷ đồng. Trong khi đó, tiền gửi khách hàng giảm 0,3% xuống 352.217 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối tháng 3/2021, tổng nợ xấu của ACB tăng 61% so với đầu năm, lên mức hơn 2.954 tỷ đồng. Trong đó, nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng 94% lên 799 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 53% lên 1.858 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ACB tăng từ 0,6% hồi đầu năm lên 0,92%.