Hơn 500 thí sinh thi Tiếng hát sinh viên toàn quốc phía Bắc
Khởi động Cuộc thi “Tiếng hát sinh viên” toàn quốc lần thứ XV |
Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) Trần Văn Đạt cho biết, Cuộc thi "Tiếng hát sinh viên" là hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống có quy mô lớn nhất của sinh viên trên toàn quốc.
Đây là một trong nhiều hoạt động giáo dục, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện theo tinh thần Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Tiết mục dự thi của sinh viên trường Đại học Giao thông vận tải |
Cuộc thi năm nay được tổ chức thành hai vòng: Vòng khu vực và vòng chung kết. Vòng khu vực được tổ chức ở hai miền Nam, Bắc với tổng số 39 đội và 113 tiết mục tham dự. Riêng vòng khu vực miền Bắc có 21 đội với 60 tiết mục với hơn 500 thí sinh đăng ký dự thi.
Vòng khu vực miền Bắc được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 1 - 3/12/2023 với sự tham dự của 21 đội với 60 tiết mục và hơn 500 thí sinh đăng ký dự thi. Ban Tổ chức kỳ vọng đây sẽ là những tiết mục hấp dẫn, thu hút sự tham gia và cổ vũ nhiệt tình của các đội thi và của sinh viên, khán giả Thủ đô.
Trước đó, vòng khu vực miền Nam đã được tổ chức từ ngày 24-26/11 tại TP Hồ Chí Minh với 18 đội và hơn 500 thí sinh đăng ký dự thi. Ban Tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 3 giải Khuyến khích toàn đoàn cho các Đoàn dự thi và 2 giải Nhất, 4 giải Nhì, 6 giải Ba và 14 giải Khuyến khích cho các tiết mục dự thi. 6 tiết mục xuất sắc nhất từ vòng khu vực phía Nam đã được chọn để tham dự vòng chung kết.
Vòng khu vực phía Bắc cũng sẽ tìm ra 6 tiết mục xuất sắc để tham gia vòng chung kết dự kiến được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 9-10/12/2023.
Cuộc thi "Tiếng hát sinh viên" toàn quốc được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1991. Cho đến nay, qua 14 lần tổ chức, cuộc thi đã được khẳng định là sân chơi nghệ thuật, tạo cơ hội để học sinh, sinh viên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, góp phần định hướng thị hiếu âm nhạc, phát hiện các tài năng nghệ thuật, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên.
Cuộc thi cũng là cơ hội giáo dục truyền thống cách mạng, rèn luyện đạo đức, tư tưởng, ý thức vì cộng đồng; phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đối với học sinh, sinh viên. Qua cuộc thi, nhiều ca sỹ đã trưởng thành và trở thành các nghệ sỹ có tên tuổi, có nhiều đóng góp cho nền văn hóa, nghệ thuật nước nhà.