“Hỗn chiến” ở Hội Gióng: Cướp hoa tre chỉ là tục lệ
Trong sáng nay (25/2), đoàn liên ngành của Sở VHTT&DL Hà Nội phối hợp với công an TP Hà Nội đi kiểm tra, xem xét vụ “hỗn chiến” ở Hội Gióng.
Tục cướp hoa tre là điểm nhấn độc đáo của Hội Gióng.
Sáng 24/1 (tức mùng 6 Tết Âm lịch), Lễ hội đền Gióng diễn ra ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội với hàng loạt nghi thức đặc thù như lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương... Hội Gióng được tổ chức để tưởng nhớ Thánh Gióng, vị anh hùng đánh thắng giặc Ân, đem lại thái bình cho đất nước.
Nghi lễ quan trọng nhất là phần dâng hoa tre lên đền thờ Thánh Gióng. Sau lễ dâng hoa, một đoàn tùy tùng có nhiệm vụ rước qua các đền, kết thúc ở đền Hạ, hoa tre sau đó được tung ra trước sân đề cho người dự hội đến “cướp” lấy may. Tuy nhiên, khi kiệu hoa tre vừa rước vào đến đền Thượng đã bị hàng chục thanh niên, lao vào cướp để lấy may mắn cho cả năm.
Trong khi người dân và du khách thập phương giành giật các giỏ hoa tre, các thanh niên trong đoàn tùy tùng dùng các thanh nứa trong đám rước vụt túi bụi vào đám đông để bảo vệ kiệu. Không còn là tranh cướp hoa tre truyền thống, người ta ẩu đả, dẫm đạp lên nhau tạo nên một cảnh tượng hỗn loạn. Không chỉ hoa tre bị cướp một cách bạo lực, lễ rước trầu cau diễn ra ngay sau đó cũng gặp phải tình huống tương tự.
Trao đổi với VOV.VN, ông Đoàn Văn Sinh, trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sóc Sơn xác nhận có xảy ra hiện tượng các thanh niên cầm gậy đánh nhau, gây hỗn loạn tại lễ hội đền Gióng trong buổi sáng ngày 24/2.
Tuy nhiên, ông cũng giải thích việc tranh cướp lộc là tục lệ, nghi thức lễ hội đã có từ lâu đời: “Sau khi cúng tiến và dâng lễ ở đền Thượng, hoa tre sẽ được phất lộc cho người dân và du khách thập phương. Đội tùy tùng mang theo các thanh nứa, tượng trưng cho binh đao, vũ khí ngày xưa để bảo vệ kiệu. Nghi thức tranh cướp lộc là một truyền thống từ xưa đến nay, chứ không phải hỗn chiến”.
“Mọi người tranh nhau cướp lộc. Trong lúc cướp không thể tránh được việc tranh giành nhau. Làm sao có thể giữ trật tự, làm sao xếp hàng để “cướp” lộc được?”, ông Sinh giải thích thêm.
Ông cho biết, những người gây ra cảnh tượng phản cảm như báo chí phản ánh chủ yếu là những thanh niên trong làng, ý thức kém. Mặc dù vậy, ông Sinh khẳng định không có người bị thương trong khi tranh cướp hoa tre.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch Hà Nội cho biết, Sở không ủng hộ việc ẩu đả tại Hội Gióng như phản ánh của các cơ quan báo chí và khẳng định việc ẩu đả, đánh nhau là “biến tướng” của tục cướp hoa tre, gây phản cảm.
“Rất nhiều lễ hội có tục lệ “cướp” lộc cầu may. Tuy nhiên, từ đó biến thành việc ẩu đả, xô đẩy nhau, thậm chí đánh nhau thì là phi văn hóa. Trong sáng nay, đoàn liên ngành của Sở VHTT&DL Hà Nội phối hợp với công an TP Hà Nội đi kiểm tra, xem xét vụ “hỗn chiến” ở Hội Gióng. Nếu sự việc đúng như phản ánh thì sẽ kiểm điểm trách nhiệm của ban tổ chức lễ hội, những cá nhân có liên quan, xử lý theo quy định của pháp luật”.
PGS.TS Lê Trung Vũ, Viện Văn hóa dân gian cho rằng: “Cướp hoa tre không có nghĩa xấu, mà là một nét đẹp, điểm nhấn của hội Gióng Sóc Sơn. Người ta “cướp” để lấy may, lấy lộc. Và hành động đó không bị cấm, bởi hoa tre không phải là vật chất đắt tiền, mà là biểu tượng của phong tục. Tuy nhiên, hành động đánh nhau gây phản cảm, đi ngược lại với văn hóa, trái với luật lệ của lễ hội. Mỗi người dân ngoài việc tuân thủ luật lệ khi tranh cướp lộc, cần phải tự ý thức được hành động của mình để tránh xảy ra tình trạng lộn xộn ở lễ hội”./.
Theo Phương Anh/VOV