Hồn thu Hà Nội
"Nóng" không khí đua thuyền, chạy bộ giữa mùa thu Hà Nội Nồng nàn hoa sữa… |
Nhiều người có chung nhận xét: Mùa thu là mùa Hà Nội đẹp nhất. Đất trời mênh mang một không gian lâng lâng với nắng vàng dìu dịu, ngất ngây và những ngọn gió heo may lành lạnh. Màn nước Hồ Gươm xanh thắm lặng im soi bóng vòm trời xanh lơ lững những chùm mây. Sông Hồng vẫn pha sắc đỏ háo hức chảy về xuôi. Trên đường phố xào xạc những chiếc lá vàng quấn quýt chân người. Khu phố cổ với những mái ngói cong cong vẫn xanh nâu màu thời gian. Hồ Tây – sương giăng lãng đãng, bao trùm lên chùa Trấn Quốc, Phủ Tây Hồ…
Thiếu nữ Hà Nội |
Thu Hà Nội làm say lòng người đâu chỉ ở nét đẹp thiên nhiên. Thu Hà Nội là say lòng người hơn bởi chính những vẻ đẹp mà con người tài hoa dung cảm làm nên đúng tiết thu đầy ý nghĩa này. Lịch sử dân tộc đã có những mùa thu đầy ý nghĩa: “Mùa thu tháng Bảy năm Canh Tuất (1010), Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Đại La. Khi thuyền tạm đỗ dưới chân thành có rồng vàng hiện ra ở thuyền vua nên đổi tên là thành Thăng Long”.
Lại có những mùa thu Ất Dậu năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, cờ đỏ sao vàng ngập phố, rợp đồng – mùa thu rực nắng Ba Đình, từ đây vang dội và lan truyền cả nước bản Tuyên ngôn Độc lập của Bác Hồ kính yêu.
Tiếp theo đó là mùa thu Giáp Ngọ năm 1954, sau cuộc kháng chiến ba nghìn ngày đêm không nghỉ, chín năm làm một Điện Biên, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, đại quân ta từ năm cửa ô tiến vào giải phóng Thủ đô giữa rừng hoa, rừng cờ chào đón của Nhân dân ba mươi sáu phố phường Hà Nội.
Mới đó mà đã 68 năm. Không khí mùa thu năm ấy có lẽ chẳng khác gì mùa thu năm nay. Nhưng bộ mặt đô thị Hà Nội qua 68 năm đã có nhiều đổi khác với nhiều chuyển biến tích cực. Từ chỗ chỉ là một thành phố nhỏ bé vỏn vẹn 4 quận nội thành thì nay, Hà Nội đã là một thành phố lớn gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã với diện tích khoảng 3.360 cây số vuông.
Sẽ là không ngoa nếu nói Hà Nội đang thay da đổi thịt từng ngày. Thủ đô ta đã và vẫn đang tiếp tục bát ngát với những dự án lớn, những chung cư bề thế, hiện đại hàng chục tầng. Chúng ta có những công trình tầm cỡ thế giới như Trung tâm hội nghị Quốc gia, nhà Quốc hội, cầu Nhật Tân, Tòa nhà Keangnam Hanoi, Tòa Lotte Center Hanoi, Khu đô thị Royal City…
Chúng ta vừa bàn đến hướng giải quyết, gia cố cây cầu Long Biên hơn trăm tuổi đã quyết định quy hoạch định hướng Thủ đô Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị, gồm khu vực đô thị trung tâm (nội đô lịch sử, nội đô mở rộng, chuỗi đô thị phía Bắc sông Hồng, chuỗi đô thị phía Đông vành đai 4, hành lang dọc sông Hồng, vành đai xanh sông Nhuệ), 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia.
Với Thăng Long – Hà Nội, mùa thu không chỉ là những sự kiện kinh tế như đã kể mà còn là văn hóa. Mùa thu năm 1070, vua Lý Thánh Tông lập ra Văn Miếu – Quốc Tử Giám – trung tâm giáo dục, đào tạo trí thức đầu tiên của nước Đại Việt. Mùa thu năm 1076, nhà Lý mở khoa thi Nho học đầu tiền để chọn hiền tài. Mùa thu năm 1999, Hà Nội được tổ chức UNESCO trao tặng danh hiệu cao quý “Thành phố Vì hòa bình”. Mùa thu năm 2004, thành phố khánh thành tượng đài vua Lý Thái Tổ bên hồ Hoàn Kiếm và chính thức mở cửa di tích Hoàng thành Thăng Long xưa để người dân, du khách vào tham quan…
Cố nhà văn Băng Sơn từng nhận xét: “Vậy là có một con rồng Thăng Long đang cựa mình thực sự, cựa trong hồn mỗi con người, cựa trong hồn tất cả người dân Hà Nội, cựa từ chiếc lá liễu ven hồ tự mình ru lời đẹp đẽ đến ngọn lửa nấu cơm ngon…”. Có lẽ vậy, điều quan trọng là hàng triệu người cùng có chung ý nghĩ: Mình là người Hà Nội! Một Hà Nội xanh, sạch, đẹp, một Hà Nội kỷ cương, văn minh, thanh lịch.
Ta có thể cảm nhận được hồn thu Hà Nội nếu chỉ một lần dạo chơi trên phố cổ, du thuyền trên Hồ Tây, hoặc có thể tìm chút thư thái, nhàn nhã nơi cửa thiền ở đền Ngọc Sơn, Quán Thánh, chùa Quán Sứ, Một Cột…
Mùa thu Hà Nội ấn tượng đến nỗi, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong một chuyến thăm Hà Nội lần đầu đã sáng tác lên ca khúc Nhớ mùa thu Hà Nội. Người nhạc sĩ với phần lớn cuộc đời sinh sống ở miền Nam vậy mà ông đã bắt được “thần thái” của một Thủ đô cổ xưa, trầm mặc, thiêng liêng trong ký ức mọi người. Những cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu là những hình ảnh khó có thể bắt gặp ở bất cứ đâu. Nó hiển hiện trong tâm trí người yêu Hà Nội như tranh phố Phái, như cốm làng Vòng, hay những con đường hoa sữa nồng nàn tháng 10…