“Hot girl” 9X đam mê nghề cơ khí
Lần đầu gặp Diễm Hương, ít ai biết được sở trường và niềm đam mê của cô gái 9X này lại không hề dịu dàng như ngoại hình. Không giống như nhiều bạn bè đồng trang lứa, từ nhỏ, Lê Thị Diễm Hương đã rất đam mê nghề cơ khí.
Cô gái sinh năm 1994 tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc vừa vinh dự được Trung ương Đoàn tuyên dương là 1 trong số 55 gương mặt người thợ trẻ giỏi toàn quốc năm 2015.
Tốt nghiệp THPT, Diễm Hương đăng kí thi vào trường Cao đẳng nghề Cơ khí nông nghiệp, ngành Cắt gọt kim loại. Là 1 trong 2 nữ sinh hiếm hoi của ngành học vốn chuộng nam sinh này nhưng Hương luôn khiến bạn bè nể phục về sự ham học hỏi, cần cù, chịu khó, đặc biệt là tình yêu và sự đam mê với nghề.
Lê Thị Diễm Hương
“Mình may mắn luôn được bố mẹ hiểu và chia sẻ. Thực lòng, bố mẹ vẫn muốn mình theo học một ngành học gì đó nhẹ nhàng, phù hợp với con gái hơn nhưng vì tôn trọng quyết định của mình nên bố mẹ đã hết lòng ủng hộ, động viên”, Diễm Hương tâm sự.
Những ngày đầu tiên cắp sách đến trường nghề của cô gái trẻ cũng có không ít những khó khăn, thử thách vì đòi hỏi, yêu cầu của ngành học với con gái nhiều khi là quá sức. Hương nói: “Là trường nghề nên những giờ thực hành của bọn mình thường nhiều hơn học lý thuyết, các môn học cũng khá “nặng” so với sức của con gái. Việc phải ở lại xưởng thực hành đến 11 giờ đêm không phải là chuyện quá xa lạ”.
Tuy nhiên, càng học, những chi tiết máy, những kĩ thuật khó trong việc tạo hình chi tiết máy như càng có sức hấp dẫn không thể chối từ với cô gái trẻ. Cô gái 9X dần chủ động tiếp cận với môn học bằng cách mày mò, tìm hiểu, nghiên cứu qua các bài học của đàn anh, đàn chị khóa trước, từ bạn bè cùng lớp và các thầy cô giáo trong khoa, trong trường. “Làm khó” cho Hương có lẽ chỉ có môn học phải dùng đến búa để tạo hình cho chi tiết.
Say mê học hỏi, tìm tòi, cô bạn đã giành nhiều giải cao trong lĩnh vực nghiên cứu thiết kế kĩ thuật cơ khí như: Giải nhất nghề thiết kế kĩ thuật cơ khí tại hội thi tay nghề tỉnh Vĩnh Phúc, Giải khuyến khích nghề thiết kế kĩ thuật cơ khí CAD tại kì thi tay nghề quốc gia 2014. Đề tài nghiên cứu khoa học hồ sơ học tập Modun phay CNC.
Kể về đề tài nghiên cứu khoa học hồ sơ học tập Modun phay CNC được các thầy cô giáo ghi nhận và đánh giá cao, Lê Thị Diễm Hương chia sẻ: “Bằng các giờ học thực tế trên xưởng về môn học này, mình nghĩ đến việc tạo ra một giáo trình mới tiếp cận gần hơn với thực tế, ngoài ra tăng cường thêm các giờ học thực hành, để sinh viên không chỉ hiểu về môn học mà quan trọng nhất là có thể nâng cao tay nghề trong quá trình học tập.Sản phẩm của cô học trò nhỏ được các thầy cô sử dụng làm giáo trình dạy các bạn học sinh khóa sau, nâng cao tính thực tiễn của môn học.
Tham dự chương trình tuyên dương Người thợ trẻ giỏi toàn quốc năm 2015 do Trung ương Đoàn tổ chức, Diễm Hương là một trong những gương mặt trẻ tuổi nhất. Cô bạn xúc động chia sẻ: “Mình thấy rất vinh dự và tự hào khi được tham dự lễ vinh danh cao quý này, có cơ hội được giao lưu, học hỏi nhiều điều từ các anh, chị đến từ khắp mọi miền của Tổ quốc. Các anh chị đều là những người học rất giỏi, yêu nghề và có ý chí quyết tâm cao, có thâm niên trong nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau. Nhìn các anh, các chị, mình càng ý thức được rằng bản thân cần cố gắng nhiều hơn nữa trong việc học tập, lao động sản xuất, xứng đáng với phần thưởng cao quý”.
Nói về những dự định trong tương lai, cô gái sinh năm 1994 tâm sự: “Sinh ra trên mảnh đất thuần nông, lại là con nhà nông “chính hiệu” nên mình luôn nghĩ dù có làm gì cũng sẽ cố gắng để đóng góp một phần công sức nhỏ bé, giúp cho việc sản xuất nông nghiệp của người nông dân đỡ vất vả hơn phần nào. Mình sẽ tiếp tục theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu các thiết bị cơ khí để phục vụ cho việc sản xuất các loại máy móc nông nghiệp, để bố mẹ mình, những người nông dân chân lấm tay bùn quê mình đỡ cực nhọc hơn”.
Thu Ngà