Hưng Yên: Dừng hoạt động Nhà máy nước xã Phụng Công do có hàm lượng Amoni vượt chuẩn
Nhà máy nước xã Phụng Công, huyện Văn Giang.
Ngày 16/11/2018, UBND tỉnh Hưng Yên đã có Công văn số 3315/UBND-KT2 gửi Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn về việc thông báo dừng sản xuất nước sạch tại Nhà máy nước xã Phụng Công, huyện Văn Giang.
Công văn nêu rõ, ngày 13/11/2018, UBND tỉnh có Công văn số 3253/UBND-KT2 yêu cầu Nhà máy nước xã Phụng Công dừng ngay hoạt động sản xuất nước sạch do kết quả kiểm định chất lượng nước của nhà máy có hàm lượng Amoni vượt quá giới hạn cho phép.
Văn bản UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu dừng hoạt động Nhà máy nước xã Phụng Công do có hàm lượng Amoni vượt chuẩn. |
Liên quan đến việc này, UBND tỉnh Hưng Yên giao Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn thông báo việc dừng hoạt động sản xuất nước sạch tại Nhà máy nước Phụng Công; đồng thời có kế hoạch triển khai ngay việc chuyển nguồn cung cấp mới, mua nước sạch của các nhà máy nước trong khu vực.
Trước đó, tại Công văn số 3253/UBND-KT2 ngày 13/11/2018, UBND tỉnh Hưng Yên đã giao Sở Y tế xử lý nghiêm vi phạm về chất lượng nước đối với Nhà máy nước xã Phụng Công theo quy định. Được biết, Sở Y tế Hưng Yên cũng đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhà máy nước này.
Theo tìm hiểu của PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Amoni có công thức hóa học NH3, là chất khí không màu và có mùi khai. Trong nước, Amoni tồn tại dưới 2 dạng là NH3 và NH4+. Tổng NH3 và NH4+ được gọi là tổng Amoni tự do. Đối với nước uống, tổng Amoni sẽ bao gồm amoni tự do, monochloramine (NH2Cl), dichloramine (NHCl2) và trichloramine.
Nhà máy nước xã Phụng Công, huyện Văn Giang. Ảnh: Hưng Yên TV. |
Theo đánh giá, bản thân Amoni không quá độc với cơ thể, nhưng nếu tồn tại trong nước với hàm lượng vượt quá tiêu chuẩn cho phép, nó có thể chuyển hóa thành các chất gây ung thư và các bệnh nguy hiểm khác. Các nghiên cứu cho thấy, 1g amoni khi chuyển hóa hết sẽ tạo thành 2,7 g nitrit và 3,65 g nitrat. Trong khi hàm lượng cho phép của nitrit là 0,1 mg/lít và nitrat là 10-50 mg/lít.
Bên cạnh đó, Amoni là một trong những yếu tố gây cản trở trong công nghệ xử lý nước cấp: Làm giảm tác dụng của clo, giảm hiệu quả khử trung nước do phản ứng với clo tạo thành monocloamin là chất sát trùng thứ cấp hiệu quả kém clo hơn 100 lần. Amoni cùng với các chất vi lượng trong nước (hợp chất hữu cơ, phốt pho, sắt, mangan…) là “thức ăn” để vi khuẩn phát triển, gây ảnh hưởng tới chất lượng nước sau xử lý. Nước có thể bị đục, đóng cặn trong hệ thống dẫn, chứa nước. Nước bị xuống cấp, làm giảm các yếu tố cảm quan ( NH4+ là nguồn dinh dưỡng để rêu tảo phát triển, vi sinh vật phát triển trong đường ống gây ăn mòn, rò rỉ và mất mỹ quan).
Một hiện tượng nữa cần được quan tâm là khi nồng độ Amoni trong nước cao, rất dễ tạo thành các nitrat (NO2-), nitrit (NO3-). Trong cơ thể động vật, nitrit và nitrat có thể biến thành N – nitroso – là chất tiền ung thư. Nước nhiễm Amoni còn nghiêm trọng hơn nhiễm Asen rất nhiều vì amoni dễ dàng chuyển hoá thành chất độc hại, lại khó xử lý.
Theo các chuyên gia sức khỏe, Amoni trong nước ăn uống vượt quá tiêu chuẩn cho phép thì chưa ảnh hưởng lắm tới sức khỏe nhưng đó là dấu hiệu cho thấy nguồn nước bị ô nhiễm bởi chất thải có nguồn gốc động vật và có thể chứa các vi khuẩn gây bệnh.