Huy động tối đa lực lượng ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn
Thông tin về tình hình áp thấp nhiệt đới, ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết lúc 16h chiều nay áp thấp nhiệt đới đang ở ngay trên khu vực phía nam đảo Hải Nam (Trung Quốc), sức gió cấp 6-7, giật cấp 9.
"Dự báo từ chiều nay, áp thấp nhiệt đới đi vào vịnh Bắc Bộ với sức gió mạnh cấp 6-7. Từ chiều tối đêm nay ảnh hưởng trực tiếp đến Đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An", ông Khiêm nói.
Theo ông Khiêm, điểm đáng lưu ý nhất của cơn áp thấp này là hoàn lưu gây mưa lớn từ hôm nay đến hết ngày 8/7, ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-250mm/đợt, có nơi mưa cục bộ trên 300mm/đợt, khu vực mưa lớn nhất tập trung ở Đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An.
Toàn cảnh cuộc họp khẩn ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ (Ảnh VGP/Đức Tuân) |
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên ở vịnh Bắc Bộ, bao gồm cả đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh 6-7, giật cấp 9, sóng cao 2,5-3,5m. Vùng biển Bình Thuận đến Cà Mau khu vực giữa và nam Biển Đông có gió tây nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2-3m.
"Về gió mạnh trên đất liền, trong chiều tối đêm nay, các huyện ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An đề phòng gió mạnh cấp 6-7. Gió giật mạnh cấp 6-8 tác động đến các lồng bè nuôi trồng thủy sản và chòi canh ven biển khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, đặc biệt là Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa.
Áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến việc cất - hạ cánh ở các sân bay Vân Đồn, Kiến An, Nội Bài, Vinh và mưa lớn ảnh hưởng tới kỳ thi THPT. Tại Hà Nội, từ chiều nay đã bắt đầu có mưa lớn, đề phòng mưa to gây ngập úng, gió giật mạnh làm đổ cây xanh. Cần lưu ý mưa lớn dẫn tới lũ quét, sạt lở đất rất cao ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La", ông Khiêm nói.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Tổng Cục PCTT) |
Đánh giá mức độ rủi ro của cơn áp thấp nhiệt đới, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết, áp thấp nhiệt đớiđược đánh giá rủi ro thiên tai cấp độ 3. Hiện đã có 5 tỉnh, thành phố gồm: Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hải Phòng đã thực hiện lệnh cấm biển. Riêng Ninh Bình sẽ thực hiện cấm biển từ 18 giờ tối nay; Hai tỉnh là Nghệ An và Hà Tĩnh đang theo dõi sát diễn biến của áp thấp nhiệt đới để xem xét cấm biển.
Ông Trần Quang Hoài cho biết thêm, trên tuyến biển các lực lượng đã thông báo cho 54.386 phương tiện, với hơn 232.000 người về diễn biến của áp thấp nhiệt đới, hiện chỉ còn khoảng 2.000 phương tiện hoạt động ở ven bờ. Khu vực áp thấp nhiệt đới đổ bộ đất liền cũng là nơi có nhiều tàu thuyền và nuôi trồng thủy sản.
Vì vậy nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là phải đảm bảo an toàn tính mạng người dân, theo đó ngay trong tối nay phải hoàn thành việc sơ tán người dân trên lồng bè ở các tỉnh, thành phố từ Hải Phòng đến Nghệ An.
“Lo ngại nhất hiện nay là mưa lớn ở các địa phương miền núi do hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới. Vì vậy, các địa phương cần khẩn trương rà soát những khu vực nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; Sẵn sàng sơ tán dân đến nơi an toàn, hướng dẫn giao thông qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; Đặc biệt đảm an toàn cho học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia”, ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh.
Thiếu tướng Doãn Thái Đức, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Tổng Cục PCTT) |
Tại cuộc họp khẩn, Thiếu tướng Doãn Thái Đức, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, sẵn sàng lực lượng cứu hộ, cứu nạn Bộ Quốc phòng đã và đang duy trì gần 270.000 cán bộ, chiến sĩ và gần 2.000 phương tiện ứng phó áp thấp nhiệt đới và mưa lớn; Đặc biệt huy động 5 máy bay trực thăng trang bị loa công suất lớn để thông báo đến chủ các tàu thuyền và người dân khu vực ven biển chủ động di dời đến nơi an toàn.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nêu rõ, bắt đầu vào mùa mưa bão, trên tinh thần phải chủ động và huy động tối đa các lực lượng để phòng chống và giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Áp thấp nhiệt đới hay bão đợt này cũng không lớn nhưng là dịp tổng duyệt và tập dợt các phương án và sẵn sàng lực lượng ứng phó thiên tai.
Đánh giá cao nỗ lực của các thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn về sự chủ động chuẩn bị kế hoạch ứng phó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, bão lũ khó lường đoán trước, vì vậy trong ứng phó phải lấy phòng là chính cả trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra. Đặc biệt là công tác dự báo cảnh báo phải chính xác và kịp thời nếu không thiệt hại xảy ra sẽ rất lớn cả về người và tài sản của người dân và Nhà nước.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp (Ảnh: VGP/Đức Tuân) |
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh: “Qua báo cáo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đã đạt được 85% độ chính xác, phải tiếp tục đầu tư thêm trang thiết bị, phối hợp với các tổ chức quốc tế để nâng cao công tác dự báo. Đây là nội dung rất quan trọng. Đi đánh trận cũng như phòng chống bão lũ, trên cơ sở dự báo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai kết hợp với các Bộ ngành liên quan triển khai kịp thời các thông báo, kế hoạch, mức độ rủi ro thiên tai lớn thì chuyển về Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành các Chỉ thị, chỉ đạo.
Thông tin, thông báo phải thật sớm, trên cơ sở dự báo chính xác rồi mà chậm nhịp là bà con không về kịp, chúng ta chậm 1 nhịp thì cơ sở các địa phương, Ủy ban Nhân dân ở các địa phương cũng không vào cuộc kịp được”.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, đảm bảo tính mạng người dân, giảm thiệt hại do thiên tai việc kiểm tra rà soát những khu vực có nguy cơ cao trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra là rất quan trọng. Song song đó phải nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả phòng chống ứng phó thiên tai.