Huyện Cao Lộc (Lạng Sơn): Mỗi mùa xuân về, một niềm vui mới
![]() |
Vùng đất đậm nét văn hóa truyền thống
Thiên nhiên quả thật đã rất ưu ái cho vùng đất phía Bắc tỉnh Lạng Sơn khi kiến tạo nên non nước hữu tình với những cảnh quan tuyệt đẹp như núi Mẫu Sơn, nơi thường được các “cô gái thời tiết” thông báo với đồng bào cả nước là “có tuyết” mỗi khi giá lạnh tràn về; đền Mẫu Đồng Đăng linh thiêng quanh năm đông đảo khách thập phương về hành lễ; chùa Bắc Nga (hay còn gọi là Tiên Nga Tự) tọa lạc nơi sơn thủy hữu tình, dựa lưng vào núi, quay mặt vào con sông Kỳ Cùng huyền thoại.
![]() |
Huyện Cao Lộc đã trải qua hàng ngàn năm hình thành và phát triển trong đó có 110 năm với tên gọi như bây giờ. Lễ Kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập huyện Cao Lộc (31/12/1907 - 31/12/2017) vừa được Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và nhân dân các dân tộc huyện Cao Lộc trọng thể tổ chức. Huyện có các đầu mối giao thông thuận lợi và quan trọng như: Quốc lộ 1A, 1B, 4A, 4B và tuyến đường sắt liên vận Quốc tế Hà Nội – Nam Ninh (Trung Quốc). Trên tuyến biên giới với Trung Quốc dài 74km có hai cặp cửa khẩu Quốc tế là Ga đường sắt Đồng Đăng và cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, hai cặp cửa khẩu phụ là Co Sâu – Pác Sắn; Pò Nhùng – Dầu Ái. Đây là cơ sở thuận lợi cho các hoạt động giao thương với nước bạn Trung Quốc, là động lực quan trọng để cho huyện Cao Lộc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Từ bao đời nay, Cao Lộc vốn là địa bàn quần cư của đồng bào các dân tộc anh em như: Tày, Nùng, Kinh, Dao và một bộ phận người Hoa kiều. Điều này làm nên một Cao Lộc đậm đà văn hóa dân tộc, mang bản sắc riêng biệt của mình.
Bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc
Trải qua các thời kỳ lịch sử xây dựng và bảo vệ tổ quốc, bằng tất cả công sức trí tuệ, xương máu của mình để xây dựng và bảo vệ quê hương, các thế hệ ông, cha trên vùng đất biên cương này đã để lại cho các thế hệ đời sau những truyền thống vô cùng quý báu, đó là tinh thầnyêu nước nồng nàn, ý chí đấu tranh cách mạng kiên cường vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội của Tổ quốc Việt Nam.
Là nơi phên dậu của Tổ quốc, huyện Cao Lộc cũng ghi dấu rất nhiều địa danh lịch sử. Đó là pháo đài Đồng Đăng ghi dấu chiến công quyết tử của Lạng Sơn anh hùng. Đó là bia Thủy Môn Đình, một bảo vật quốc gia, dấu ấn chủ quyền nơi địa đầu Tổ quốc được dựng từ thế kỉ 17 cùng các di tích ga Tam Lung, di tích kháng chiến Ba Sơn… Người Cao Lộc vẫn luôn tự hào qua mỗi thời kỳ, mỗi cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc, Ải Pha Lũy, núi Khau Cấp kiên cường cùng với Ải Chi Lăng lịch sử, luôn ghi nhận những chiến công chói lọi của quân và dân ta đánh bại các kẻ thù xâm lược.
Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và biên giới, huyện Cao Lộc đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý: 9 đồng chí lão thành cách mạng, 7 đồng chí cán bộ tiền khởi nghĩa, 2 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 1 anh hùng lực lượng vũ trang, 25 thương binh chống Pháp, 112 thương binh chống Mỹ, 567 liệt sỹ. Tặng thưởng 3.028 huân, huy chương các loại (cho tập thể và cá nhân), 3 tập thể được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, nhiều tập thể được biểu dương là đơn vị quyết thắng.
Thực hiện công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, huyện Cao Lộc được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 3 Huân chương lao động hạng Nhì 2 huân chương Lao động hạng 3, 2 cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ; nhiều tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND tỉnh tặng thưởng cờ thi đua, bằng khen. Huyện cũng tích cực kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước chung tay cùng huyện Cao Lộc, khơi dậy mọi tiềm năng, thế mạnh của huyện trong việc xây dựng mảnh đất biên cương ngày càng giàu đẹp. Song song với đó, Cao Lộc cũng cam kết sẽ luôn đồng hành cùng cả nước xây dựng tổ quốc Việt Nam trường tồn, vững mạnh.
Gặt những mùa quả ngọt
Một mùa xuân mới lại về, khi hoa đào nở rực trên đỉnh Mẫu Sơn, khi tiếng khèn, tiếng nhạc dặt dìu trên khắp mọi nẻo đường, đồng bào Cao Lộc hân hoan đón Tết trong niềm vui gặt hái nhiều thành quả.
Kinh tế của huyện liên tục phát triển: Tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 12%, thu ngân sách tăng bình quân 8 - 9%/năm. Công tác giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực, trên 99% các cháu trong độ tuổi được đến trường, chất lượng dạy và học không ngừng được nâng lên. Mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở được củng cố, công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em luôn được quan tâm. Các hoạt động văn hóa - văn nghệ quần chúng, thông tin - tuyên truyền và thể dục thể thao ngày càng phát triển. Toàn huyện cơ bản xóa xong nhà tạm, nhà dột nát, góp phần giảm tỷ lệ nghèo hằng năm trên 3,5%. Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn huyện ổn định, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Là một huyện vùng biên, công tác đối ngoại nhân dân cũng được tăng cường, góp phần củng cố tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt - Trung.
Đạt được những kết quả quan trọng trên là do Đảng bộ, quân và dân Cao Lộc ngày nay đã giữ gìn và phát huy được truyền thống cách mạng của quê hương, kế thừa xứng đáng với thành quả của các thế hệ cha ông đi trước để phát huy trong giai đoạn mới. Cao Lộc, vùng đất giàu văn hóa, lịch sử, truyền thống, phát triển cả về du lịch, kinh tế, an ninh quốc phòng đã khẳng định được vị thế vùng biên của mình để mỗi mùa xuân đến là một mùa vui mới.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Những điểm mới về chính sách bảo hiểm xã hội, an toàn lao động

Vinh danh 23 tác phẩm xuất sắc và phát động Giải Báo chí về Bảo hiểm năm 2025

Phát triển hơn 35.000 người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT trong ngày ra quân toàn quốc

Quy định mới về giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp

Đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội cho người tham gia bảo hiểm

Tập huấn chính sách pháp luật cho 200 cán bộ Công đoàn

Đẩy mạnh chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản ngân hàng

Từ ngày 1/6/2025, những trường hợp nào được cấp thẻ BHYT giấy?

BHXH Khu vực I trao Quyết định nghỉ hưu cho 12 viên chức quản lý
