Huyện Gia Lâm đẩy mạnh khắc phục hậu quả do mưa lũ
Huyện Gia Lâm vận hành 16 máy bơm tiêu thoát nước đệm Giao thông lưu thông, các sự cố về điện cơ bản đã được khôi phục Nước sông Hồng dâng cao, người dân Gia Lâm “căng mình” chống lụt |
Ngày 13/9, Huyện ủy Gia Lâm đã có báo cáo về công tác phòng, chống lụt bão. Theo đó, tính đến 6 giờ ngày 13/9, huyện Gia Lâm bị ảnh hưởng do lũ trên sông Hồng, sông Đuống gây ngập, úng hơn 1.710 ha diện tích trồng trọt; 74,5 ha thủy sản; 3800 m2 diện tích chuồng trại chăn nuôi bị ngập…
Hỗ trợ di chuyển người dân vùng ngập trũng đến nơi an toàn |
Để ứng phó với lũ trên các sông, huyện đã huy động 2.300 người thuộc các lực lượng quân sự, công an… phối hợp với UBND các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, hỗ trợ người dân kê kích tài sản, di chuyển đến nơi an toàn.
Sau khi rà soát, đánh giá lại, tổng số hộ phải di dời là 1.339 hộ với 4.703 nhân khẩu, trong đó số hộ đã di dời báo động II là 137 hộ với 274 nhân khẩu nhà cấp 4; số người được di chuyển khẩn cấp trong chiều 12/9 là 737 người (152 người già; 510 phụ nữ và trẻ em; 75 nam) đã bao gồm số người trong nhà cấp 4 và số người già, trẻ em trên địa bàn các xã có dân cư ngoài bãi sông. Số hộ phải di dời khi có báo động cấp III và trên cấp III là 1.202 hộ với 4.429 nhân khẩu.
Hiện, các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở của xã Bát Tràng, Kim Lan, Văn Đức nghỉ học do nằm trong khu vực ngập. Các trường THCS Phù Đổng, THCS thị trấn Yên Viên, trường Tiểu học Trung Mầu tiếp tục học trực tuyến. Các trường của xã Đông Dư học trực tiếp (một số học sinh thôn 7 nghỉ học do nằm trong khu vực ngập).
Trong các ngày từ 7, 8 và 11/9, đồng chí Hoàng Trọng Quyết – Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, cán bộ phụ trách địa bàn đã trực tiếp xuống cơ sở để kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 và tình hình lũ sông Hồng, sông Đuống trên địa bàn huyện Gia Lâm.
Đồng chí Hoàng Trọng Quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống lũ tại xã Lệ Chi |
Thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy Gia Lâm chỉ đạo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện cùng các xã, thị trấn tiếp tục tổ chức trực ban 24/24h, thường xuyên theo dõi diễn biến mực nước trên sông Hồng, sông Đuống, diễn biến dòng chảy và tình hình tại các kè Yên Viên, Dương Hà, Thịnh Liên, Đổng Viên, Sen Hồ đề kịp thời xử lý khi xảy ra các tình huống ảnh hưởng đến đê, kè.
UBND huyện Gia Lâm tiếp tục chỉ đạo Hạt quản lý đê số 12, phân công cán bộ phối hợp tổ chức ứng trực tại các điếm canh đê cùng với các Tiểu ban tại các xã, thị trấn.
Các Tiểu ban phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các xã, thị trấn chủ động tổ chức tuần tra, kiểm tra trên các tuyến đê phụ trách; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời xử lý khi phát sinh tình huống.
Để thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai thời gian tới, Huyện ủy Gia Lâm kiến nghị các cấp quan tâm, sớm triển khai dự án xử lý cấp bách kè đối với vị trí sạt lở bờ bãi sông khu vực thôn 4, xã Kim Lan với chiều dài 600m, khu vực Bến đò xã Văn Đức với chiều dài khoảng 100m; khu vực sạt lở bờ, bãi sông thôn Sơn Hô, xã Văn Đức với chiều dài khoảng 600m, bảo đảm an toàn cho Nhân dân.