Huyện Thạch Thất (Hà Nội) tổ chức Hội nghị giám sát công tác quản lý di sản đối với các cơ sở tôn giáo
Ca trù Hà Nội tham gia “Không gian Hội tụ tinh hoa Di sản văn hóa phi vật thể đại diện các vùng miền” |
Đoàn giám sát do đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội làm Trưởng đoàn.
Toàn cảnh Hội nghị |
Tại hội nghị, đồng chí Phạm Quang Thái - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện thay mặt đại biểu huyện báo cáo đánh giá kết quả quản lý, tu bổ, phục hồi phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện.
Theo đó, tính đến hết tháng 11/2022, huyện Thạch Thất có 101 di tích đã được nhà nước xếp hạng bao gồm: Chùa Tây Phương xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt, 34 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 66 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố. Trên địa bàn huyện hiện đang lưu giữ 92 di sản văn hóa phi vật thể: Trong đó có 27 lễ hội, 13 nghệ thuật trình diễn dân gian, 15 nghề thủ công, 22 tri thức dân gian, 13 tập quán xã hội và 2 ngữ văn dân gian, với 18 di sản được ưu tiên bảo vệ.
Chùa Tây Phương |
Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành đoàn thể trong huyện cùng với sự đồng thuận của Nhân dân huyện Thạch Thất, công tác quản lý bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân. Đưa công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa gắn với việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa của địa phương, góp phần xây dựng người Thạch Thất thanh lịch, văn minh.
Đồng chí Phạm Quang Thái - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin báo cáo tại hội nghị |
Công tác thông tin, tuyên truyền về việc quản lý, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa tại huyện Thạch Thất thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua. Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi pham được thực hiện thường xuyên, đúng quy trình nhằm đảm bảo các di sản không bị mai một và thất truyền.
Hoạt động tôn giáo của Phật giáo gắn với các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện luôn được quan tâm; Huyện ủy, Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Ủy ban MTTQ huyện thường xuyên phối hợp với Ban trị sự giáo hội Phật giáo huyện hướng dẫn các nhà sư, phật tử và bà con nhân dân thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về công tác quản lý, tu bổ tôn tạo di tích. Công tác quản lý, tổ chức lễ hội, sinh hoạt tôn giáo - Phật giáo trên địa bàn huyện được thực hiện nghiêm túc theo đúng Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh của Bộ VHTT&DL và quy định của thành phố Hà Nội.
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại hội nghị |
Các đại biểu tham dự đều nhất trí với những kết quả huyện Thạch Thất đã đạt được trong thời gian vừa qua và đã có những trao đổi, bổ sung và đề xuất trong công tác tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị di tích tại huyện. Các kiến nghị, đề xuất xoay quanh các nội dung về việc khai thác, phục hồi, bảo tồn các di tích; Kinh phí phục vụ tu bổ, duy trì hoạt động và vai trò của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo huyện trong việc quản lý, hoạt động của các sư trụ trì và kiêm nhiệm ở các chùa trên địa bàn huyện.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội phát biểu kết luận hội nghị |
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả huyện Thạch Thất đã đạt được trong thời gian vừa qua; Đồng thời nhấn mạnh: Huyện Thạch Thất là một trong những huyện làm tốt công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa và vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị- xã hội, hoạt động giám sát cộng đồng trong việc quản lý tu bổ di tích trên địa bàn huyện.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung đề nghị huyện Thạch Thất trong thời gian tới tiếp tục chú trọng đến công tác tuyên truyền bảo quản, tu bổ, phục hồi phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa huyện đến lớp các tầng Nhân dân; Thường xuyên nắm bắt, giải quyết, xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc nếu có phát sinh; Tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa nhằm đưa huyện Thạch Thất ngày một phát triển bền vững.