Huyện Thanh Trì tập trung bảo lưu hệ thống di sản văn hóa phi vật thể
Xây dựng và thành lập mới 6 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân |
Báo cáo tóm tắt kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/06/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” trên địa bàn huyện Thanh Trì nêu rõ: Nhận thức rõ vai trò của văn học, nghệ thuật là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người nên ngay sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Trì đã xây dựng và triển khai kế hoạch về nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện Nghị quyết.
Huyện Thanh Trì có 154 di tích lịch sử văn hóa, 87 di tích đã được công nhận xếp hạng; 6 địa điểm gắn biển lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến; 67 di tích chưa được xếp hạng; 45 lễ hội truyền thống.
Trên địa bàn huyện hiện có 55 di sản văn hóa phi vật thể với nhiều loại hình; Có một số không gian văn hóa gắn liền với di tích, danh thắng, mang đậm dấu ấn văn hóa đặc sắc và riêng biệt của từng địa phương như đình thờ Lão tướng Phạm Tu, đình thờ tiên triết Chu Văn An, khu văn chỉ xã Đại Áng, nhà thờ dòng họ Ngô Thì xã Tả Thanh Oai, khu di tích 3 mũi tên đồng xã Ngọc Hồi…
Múa Bồng - nét văn hóa độc đáo của người Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) |
Công tác bảo tồn lưu giữ các điệu múa cổ, múa dân gian được huyện coi trọng. Từ năm 2010, huyện Thanh Trì đã xây dựng đề án “Hỗ trợ đầu tư khôi phục và phát triển các điệu múa cổ, múa dân gian trên địa bàn huyện”.
Đề án đặt ra mục tiêu duy trì hoạt động thường xuyên 17 đội rồng, 18 đội múa sư tử, 27 đội múa sênh tiền, điệu múa Bồng của xã Tân Triều; Hàng năm tổ chức nhiều hội thi, hội diễn văn nghệ, liên hoan dân ca, giọng hát trẻ huyện Thanh Trì.
Trong đó, điệu múa Bồng - môn nghệ thuật vô cùng độc đáo, có từ thế kỷ VIII đã được dân làng Triều Khúc bảo tồn, trình diễn trong các dịp hội làng. Lễ hội Làng Triều Khúc, trong đó có điệu múa Bồng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Nhằm phát huy các giá trị văn hóa, huyện đã dành nhiều nguồn lực đầu xây dựng, nâng cấp các công trình văn hóa, nghệ thuật và các thiết chế văn hóa trên địa bàn. Các di tích lịch sử, công trình văn hóa thường xuyên được quan tâm đầu tư, tu bổ, tôn tạo nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Công tác thư viện được triển khai thực hiện hiệu quả. Công tác phát triển các câu lạc bộ nghệ thuật trên các lĩnh vực được quan tâm hơn. Công tác quản lý Nhà nước, kiểm tra giám sát các hoạt động văn học, nghệ thuật, văn hóa, dịch vụ văn hóa trên địa bàn được quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, hoạt động văn học nghệ thuật đã có nhiều bước phát triển trong sáng tạo, góp phần tham gia đấu tranh với những tiêu cực, bảo vệ giá trị chân - thiện - mỹ; góp phần xây dựng môi trường văn hóa, có tác động tích cực đối với việc hình thành nhân cách, lối sống lành mạnh trong Nhân dân.