Huyện Thường Tín tự hào truyền thống anh hùng, vững bước tiến lên quận nội thành
Huyện Thường Tín kỷ niệm 190 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đón nhận danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân" |
Chiều sâu lịch sử của vùng đất cổ
Năm Minh Mệnh thứ 12, nhằm ngày 4/11/1831 Dương lịch, nhà Nguyễn tiến hành cải cách hành chính, chia cả nước thành 30 tỉnh, trong đó có tỉnh Hà Nội.
Tỉnh Hà Nội bao gồm bốn phủ: Hoài Đức, Thường Tín, Ứng Hòa, Lý Nhân; gồm 15 huyện, trong đó có huyện Thượng Phúc. Huyện Thượng Phúc ấy chính là huyện Thường Tín ngày nay - như vậy, ngày 4/11/1831 là cột mốc đánh dấu Thường Tín chính thức là đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Hà Nội xưa - thành phố Hà Nội ngày nay.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn trang trọng trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thường Tín |
Nhìn vào lịch sử, huyện Thường Tín đã trải qua nhiều năm tháng vàng son cả về kinh tế, chính trị, quân sự và văn hóa.
Gần 10 thế kỷ dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, Thường Tín có 68 nhà khoa bảng, trở thành địa phương có số lượng nhà khoa bảng lớn nhất Hà Nội, tiêu biểu là Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, Nguyễn Phi Khanh, Lý Tử Tấn, Dương Trực Nguyên, Lương Văn Can...
Huyện Thường Tín còn là vùng quê có bề dày văn hóa, với 450 công trình di tích, tín ngưỡng, văn hóa, trong đó có 123 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và thành phố. Huyện cũng là nơi lưu giữ nhiều loại hình văn hóa phi vật thể, như các lễ hội truyền thống phản ánh đời sống tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp: Lễ hội chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi), lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (xã Tự Nhiên), lễ hội Chùa Mui (xã Tô Hiệu)...
Trong thời đại Hồ Chí Minh, huyện Thường Tín luôn được coi là vùng đất cách mạng kiên trung.
Diện mạo huyện Thường Tín ngày càng khởi sắc |
Ngày 23/9/1945, Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Thường Tín (Hà Nội) được thành lập tại phủ lỵ, với 8 đảng viên do đồng chí Phạm Thạch Tâm làm Bí thư. Sự ra đời của chi bộ Đảng đánh dấu bước phát triển quan trọng của phong trào cách mạng của Thường Tín. Từ dấu ấn khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân ngày 18/8/1945, cho đến ngày giải phóng huyện ngày 28/8/1954, những thắng lợi của quân và dân Thường Tín luôn có vai trò lãnh đạo to lớn của Đảng bộ huyện và tinh thần đoàn kết một lòng của quân dân Thường Tín.
Trong giai đoạn 1952-1954, Đảng bộ huyện Thường Tín đã lãnh đạo Nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giải phóng quê hương. Thường Tín thực hiện khẩu hiệu toàn dân kháng chiến, mỗi làng, xã là một pháo đài đánh giặc, cùng với việc củng cố lực lượng bộ đội địa phương lực lượng dân quân du kích đã chiến đấu chống giặc càn quét, diệt ác phá tề. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, huyện Thường Tín đã tiễn trên 3.000 thanh niên lên đường vào bộ đội và dân công hỏa tuyến. Ngày giải phóng huyện 28/8/1954 đã trở thành một mốc son không thể phai mờ trong dòng chảy lịch sử của Thường Tín.
Những thành tựu trong giai đoạn đổi mới
Huyện Thường Tín được biết đến là vùng đất trăm nghề, với 82 làng có nghề, trong đó 49 làng được công nhận làng nghề truyền thống. Hàng trăm năm qua, các làng nghề của huyện Thường Tín đã làm ra nhiều sản phẩm hàng hóa đặc trưng, cung cấp cho thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế. Có thể kể ra một số làng nghề tiêu biểu như: Sơn mài Hạ Thái, thêu ren Quất Động, mây tre đan Ninh Sở, điêu khắc Nhân Hiền, làm lược sừng Thụy Ứng, bánh dầy Quán Gánh… và nhiều làng nghề đặc sắc khác.
Nông nghiệp tại huyện Thường Tín được chú trọng phát triển |
Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện Thường Tín đã hình thành vùng lúa hàng hóa chuyên canh tập trung, vùng cây ăn quả, vùng nuôi trồng thủy sản. Trên địa bàn huyện có 15 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 14 mô hình liên kết “bốn nhà” trong sản xuất đem lại giá trị kinh tế cao và hướng tới nền nông nghiệp sạch, bền vững.
Song song với các ngành nghề truyền thống và nông nghiệp, huyện Thường Tín xác định công nghiệp là mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Trên địa bàn huyện hiện có 11 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút hàng nghìn doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh đăng ký hoạt động, tạo việc làm cho hàng vạn lao động địa phương.
Giai đoạn 2015 - 2020, giá trị sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp huyện Thường Tín có tốc độ tăng bình quân 15%/năm. Tổng giá trị thương mại, dịch vụ có tốc độ tăng bình quân 16%/năm. Sản xuất nông nghiệp đã có bước phát triển theo hướng hàng hóa chất lượng và hiệu quả ngày càng cao.
Huyện Thường Tín tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp liên quan đến ca bệnh F0, F1 trên địa bàn |
Bên cạnh phát triển kinh tế, vấn đề văn hóa xã hội cũng đặc biệt được huyện Thường Tín quan tâm đầu tư phát triển. Hiện nay, 100% thôn, cụm dân cư, tổ dân phố được đầu tư xây dựng nhà văn hóa, 26 xã có sân thể thao, 3 xã xây dựng trung tâm văn hóa thể thao xã, 100% các cơ sở đều có khu vui chơi, sinh hoạt cộng đồng cho Nhân dân.
Các nhà trường được đầu tư xây dựng phòng học và các phòng chức năng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng giảng dạy và học tập được nâng cấp. Toàn huyện Thường Tín có 79/88 trường đạt chuẩn quốc gia. Những năm qua, chính quyền huyện Thường Tín đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây mới, sửa chữa, nâng cấp trạm y tế xã, thị trấn đảm bảo tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, phục vụ tốt nhu cầu khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định.
Một vấn đề đặc biệt được huyện quan tâm là phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo sức khỏe Nhân dân. Tính đến hết ngày 29/10/2021, huyện Thường Tín đã tập trung tiêm phủ vắc xin phòng Covid-19 đạt 99,02% mũi 1 cho toàn bộ người đủ từ 18 tuổi trở lên, số đối tượng đã tiêm mũi 2 là 85.152 người. Huyện sớm xét nghiệm tất cả các trường hợp ho, sốt trên địa bàn, do đó đã khống chế và kiểm soát tốt tình hình dịch.
Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Thường Tín rất chú trọng, thường xuyên chăm lo công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. UBND huyện đã có quyết định hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng người có công với cách mạng bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 với tổng số 17.302 người; Hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng: 2.744 bị mất việc làm; Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương cho 184 lao động. Tổng số tiền huyện đã chi hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 là trên 19,75 tỷ đồng.
Sẵn sàng tiến bước trở thành quận của Hà Nội
Năm 2020, huyện Thường Tín được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới. Đến hết năm 2019, Thường Tín có 100% xã về đích Nông thôn mới. Hiện nay, toàn huyện có 5 xã đã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, dự kiến trong năm 2021 sẽ có thêm 4 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.
Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh (thứ 3 bên trái) giới thiêu mô hình "vùng xanh" tại xã Hồng Vân với lãnh đạo thành phố |
Mới đây, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn trang trọng trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thường Tín vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020.
Trong buổi lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn huyện, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cho biết, huyện sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, xây dựng Thường Tín ngày một phát triển, giàu mạnh; Quyết tâm xây dựng đạt chuẩn huyện Nông thôn mới nâng cao và hướng tới trở thành quận phát triển của Thủ đô.
Cụ thể, Đảng bộ huyện Thường Tín lần nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu: Đến năm 2025, phấn đấu cơ bản các xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, trong đó có 5 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu; Tiếp tục phát triển kinh tế với cơ cấu hợp lý, gắn với bảo vệ môi trường; Từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng. Đến năm 2030, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phát triển kinh tế bền vững; Phấn đấu cơ bản đạt các tiêu chí quận của Thủ đô Hà Nội.
Cùng với việc triển khai mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, Thường Tín tập trung vào hai định hướng lớn. Thứ nhất, phát triển thành quận của Thủ đô trong tương lai - một đô thị làng nghề trên cơ sở phát huy tối đa nguồn lực văn hóa của đất trăm nghề; Trong đó, chú trọng việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch lễ hội… tạo động lực mới phát triển kinh tế nông thôn. Thứ hai, phát triển đô thị kết nối trên cơ sở tận dụng tối đa thế mạnh của Thường Tín là đầu mối giao thông, có hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy thuận lợi, làm nơi trung chuyển hàng hóa giữa trung tâm Hà Nội và các tỉnh phía Nam…