Kẻ tất bật về quê, người ở lại ngắm phố phường
Những con phố rợp cờ Tổ quốc chào mừng Ngày Quốc khánh 2/9
Bài liên quan
Đi… để trở lại làm việc tốt hơn
Xong công việc của buổi sáng thứ Bảy (31/8), Nguyễn Ngọc Hà nhanh chóng xách hành lí, đón Grab ra bến xe Giáp Bát (Hà Nội) để trở về quê hương. Hà sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa. Cô bắt đầu cuộc sống xa gia đình từ năm 18 tuổi để lên Thủ đô học đại học, sau đó ổn định lâu dài tại đây. Vì công việc rất bận rộn, mỗi tuần, cô phải làm việc từ thứ Hai đến hết buổi sáng thứ Bảy thì được nghỉ 1,5 ngày cuối tuần. Vậy nên, muốn có thời gian cho gia đình, thăm bố mẹ, người thân, Hà phải xin nghỉ phép hoặc chờ đợi kỳ nghỉ từ 2,5 ngày trở lên.
Nguyễn Ngọc Hà cho biết: “Mình thường tranh thủ về quê mỗi dịp lễ, tết, chỉ cần kỳ nghỉ có thêm một ngày, cộng với Chủ nhật và một nửa ngày thứ Bảy là mình về thăm gia đình. Như vậy nhưng tính ra, mỗi năm mình cũng chỉ về quê được khoảng 3 lần. Bố mẹ già rồi, sống xa nhà nên mình chỉ mong có kỳ nghỉ để dành thời gian cho những người thân yêu”.
Làm hành chính trong cơ quan Nhà nước nên làm việc hết ngày thứ Sáu (30/8), Vũ Thị Hằng (tỉnh Phú Thọ) đã nhanh chóng về quê nghỉ lễ. Cô cho biết, ngay từ chiều hôm qua đã rất đông người dân sinh sống, làm việc và học tập tại Thủ đô Hà Nội đổ dồn về các tuyến đường cửa ngõ thành phố, bến tàu, xe để về quê nghỉ Tết Độc lập 2/9.
Ngày thường, Hằng đi từ Hà Nội về Phú Thọ chỉ mất khoảng gần 2 tiếng, tuy nhiên, mỗi dịp nghỉ lễ, cô phải đợi chờ xe khá lâu và gặp tắc đường. Hành trình về quê trở nên gian nan hơn.
Dòng người hối hả về quê |
Tuyến đường cửa ngõ thành phố Hà Nội ùn tắc vì lượng người đổ về các tỉnh tăng cao |
Cô cho biết: “Chiều tối 30/8, Bến xe Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) lượng khách đổ về rất đông, khiến cho giao thông quanh khu vực bến xe trở nên ùn tắc khiến, các phương tiện di chuyển rất khó khăn. Ngồi xe qua tuyến đường Phạm Văn Đồng, mình cũng thấy liên tục xảy ra tình trạng ùn tắc, nhiều phương tiện xe máy phải leo lên vỉa hè để đi… Dù biết, mỗi lần về quê khá vất vả nhưng mình đều chọn trở về nhà trong các kỳ nghỉ lễ để đoàn tụ với gia đình”.
Đây là năm thứ 3, Lê Minh Dũng (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) ở lại Hà Nội trong dịp nghỉ lễ 2/9. Dũng cho biết, năm ngoái, cậu ở lại ngắm phố phường Hà Nội yên bình. Không còn cảnh ồn ào, náo nhiệt, thay vào đó là không gian tĩnh lặng Thủ đô, cuộc sống người dân như chậm lại trong buổi sáng Ngày Quốc khánh. Chàng trai trẻ kể: “Những lần ở lại Hà Nội trong dịp 2/9, mình đều đến Quảng trường Ba Đình lịch sử để làm lễ chào cờ và cảm nhận không khí của Thủ đô. Trong ngày lễ đặc biệt, Hà Nội rất đẹp, khiến mình có một cảm xúc khó diễn tả thành lời”.
Nghe mọi người chia sẻ về Hà Nội trong Ngày Quốc khánh rất đặc biệt, yên ả, phố phường Thủ đô được trang hoàng cờ hoa, băng rôn…, Nguyễn Hồng Nhung, 27 tuổi, thấy tò mò. Vậy nên, năm nay, Nhung quyết tâm ở lại Thủ đô để tận hưởng điều đặc biệt ấy.
“Hàng năm vào dịp này mình thường về quê thăm bố mẹ hoặc đi chơi với bạn bè nhưng năm nay, mình ở lại Hà Nội. Sáng 2/9, mình sẽ dạo quanh phố phường, trải nghiệm và sẽ ngồi thưởng thức đồ uống trong một quán cà phê nào đó tại khu vực bờ Hồ Hoàn Kiếm để “sống chậm” một chút, cho cuộc sống thêm sắc màu”, Hồng Nhung bộc bạc.