Kết nối và phát huy tài năng trẻ Việt Nam
400 đại biểu tham dự Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ III Tài năng trẻ và khát vọng Việt Nam Quán quân Tài năng trẻ Logistics Việt Nam 2020 đến từ Đại học Giao thông vận tải TP HCM |
Tạo môi trường làm việc hấp dẫn
Tại diễn đàn số 2 diễn ra tại trường Đại học Mở Hà Nội, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp để thu hút, phát huy tài năng trẻ, như: Hỗ trợ tài chính, môi trường làm việc thuận lợi, tôn vinh, lan tỏa các tấm gương...
TS Lê Văn Lịch, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, để chăm lo, phát triển tài năng trẻ cần có những chính sách thu hút hấp dẫn. Theo Tiến sĩ Lịch, hiện nay, các bạn trẻ có nhiều cơ hội để tự “săn” học bổng du học. Vì vậy, Nhà nước, các cơ quan, đơn vị thay vì bỏ hàng tỷ đồng ra đầu tư cho các bạn trẻ đi du học rồi chờ đợi, kỳ vọng thì hãy dành số tiền đó để thu hút các nghiên cứu sinh, tài năng trẻ Việt Nam đang học tập, nghiên cứu ở nước ngoài về nước làm việc, cống hiến.
Đại biểu chia sẻ ý kiến tại diễn đàn số 2 |
TS Lịch cho rằng, giảm bớt áp lực tài chính trong giai đoạn đầu cho các nghiên cứu sinh về nước làm việc là một vấn đề rất quan trọng. Đó là một trong những tiền đề, nền tảng để các bạn trẻ tự tin trở về nước, làm việc, cống hiến. “Ngoài hỗ trợ, đầu tư một khoản tài chính hấp dẫn ban đầu, Nhà nước, các cơ quan, đơn vị cần tin tưởng giao các đề tài, công trình nghiên cứu cho họ phát huy trí tuệ, trách nhiệm và đưa ra các sản phẩm có giá trị”, TS Lịch nói.
Đồng quan điểm này, anh Hồ Thanh Tâm (Đà Nẵng) chia sẻ, tài năng trẻ ở trong nước hay nước ngoài có sự cống hiến hướng về quê hương, Tổ quốc đều đáng quý. Tuy nhiên, nếu thu hút được các tài năng trẻ Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc sẽ tốt hơn nhiều.
“Các nhà khoa học về Việt Nam công tác, rồi kết nối với các nhà khoa học trên thế giới để phát triển, mở rộng là điều rất cần thiết trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Bên cạnh đó, để thu hút tài năng trẻ cần tạo điều kiện môi trường làm việc tốt, từ cơ sở vật chất, đề tài, đặc biệt tài chính để nhà khoa học có mức lương đảm bảo để họ yên tâm công tác”, anh Tâm nói.
Chăm lo, bồi dưỡng tài năng trẻ
Tại diễn đàn số 1 được tổ chức tại Bộ Khoa học và Công nghệ, các đại biểu cũng thẳng thắn chia sẻ ý kiến.
Đại biểu Phan Duy Anh (trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM) cho rằng, một người được coi là nhân tài không phải chỉ do có phẩm chất, năng lực, mà quan trọng hơn, là phẩm chất và năng lực ấy có được thể hiện trong những việc ích quốc lợi dân hay không. Nếu có năng lực mà không làm được những việc có lợi cho dân, cho nước, thì không đủ để được coi là nhân tài.
Tại diễn đàn các đại biểu đã thẳng thắn chia sẻ ý kiến |
Vì vậy, đại biểu Duy Anh, để hoàn thành tốt công tác đào tạo nhân tài cần phải xác định rõ mục tiêu đào tạo. Mục tiêu đào tạo nhân tài là học thức, đạo đức, tác phong và năng lực công tác. Nhằm thực hiện tốt những mục tiêu này, cần có nội dung đào tạo, huấn luyện trước hết phải thiết thực, cơ bản, toàn diện trong việc trang bị kiến thức, kĩ năng và thái độ. Muốn dùng nhân tài đúng trước hết phải phụ thuộc vào người cán bộ lãnh đạo quản lý.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Trang (Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia, Bộ Nội vụ) đã đề xuất 2 nhóm giải pháp chăm lo, bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ trong giai đoạn 2020-2025.
Theo Tiến sĩ Trang, chúng ta cần chú trọng công tác phát hiện tài năng trẻ từ thực tiễn nền giáo dục và hoạt động tuyển dụng. Tài năng của con người có thể hình thành qua quá trình học tập mà nên hoặc là thiên bẩm.
Như vậy, việc phát hiện tài năng trẻ có thể thực hiện từ rất sớm ngay từ giáo dục mầm non. Nếu các em nhỏ được phát hiện tài năng và có chương trình giáo dục hợp lý sẽ kích thích sự sáng tạo, tư duy tạo tiền đề cho các em phát huy tài năng.
Bên cạnh đó, cần đảm bảo cơ chế đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ theo đặc thù riêng, tránh tình trạng đào tạo lệch chuẩn (có năng khiếu mà thiếu văn hóa và ngoại ngữ), chú trọng phát hiện bồi dưỡng và phát huy tài năng tại các vùng sâu, vùng xa.