Khai thác hiệu quả nước ngầm, ngăn chặn nguy cơ sụt lún mặt đất
Đảm bảo cung cấp đủ nước sạch trong mùa hè và cả năm 2023 Phương pháp xử lý nước sạch hộ gia đình an toàn, hiệu quả Bảo đảm cung ứng đủ, hiệu quả nguồn nước sạch cho người dân |
Nước ngầm có vai trò lớn
Trong vòng tuần hoàn của nước, khi mưa, một lượng nước đi vào ao hồ, sông suối, phần còn lại ngấm xuống đất, tích tụ và hình thành các tầng nước ngầm. Đây là loại nước phân bố hoàn toàn dưới bề mặt, tích trữ trong các không gian rỗng của đất, khe nứt của đá và các lớp trầm tích. Nguồn tài nguyên quý giá này có chất lượng ổn định, ít chịu tác động bởi ô nhiễm môi trường.
Với trữ lượng lớn, chất lượng tốt, dễ sử dụng nên nước ngầm đóng vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt của con người. Cụ thể, nước ngầm cung cấp một nửa lượng nước uống toàn cầu; Chiếm 38% lượng nước tưới tiêu; Góp phần điều hòa dòng chảy.
Nước ta được đánh giá có tiềm năng lớn về nước ngầm nhưng phân bố không đồng đều, tập trung nhiều nhất ở đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Nam Bộ và Tây Nguyên. Tổng lưu lượng khai thác của cả nước vào khoảng 10,5 triệu m3/ngày đêm, chiếm 17,2% trữ lượng có thể khai thác.
Chiếc máy khoan thô sơ dùng khoan giếng dân dụng ở công trình nhà ở |
Thực tế thời gian qua, việc khai thác nguồn nước ngầm để phục vụ nhu cầu cuộc sống của người dân khá lớn. Người dân khu vực ngoại thành, xung quanh khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng nông thôn có hàng trăm nghìn giếng khoan, trong đó hàng chục nghìn giếng khoan tự phát, chất lượng nước không đảm bảo cho sinh hoạt, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nguồn nước, sụt lún mặt đất.
Việc khai thác quá mức như vậy nên ở nhiều nơi, mạch nước ngầm bị suy giảm nghiêm trọng, vượt xa khả năng bù đắp của tự nhiên. Hệ quả tất yếu là cạn kiệt nguồn nước ở các thành phố lớn, nhất là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, nguồn nước ngày một ít đi, xâm nhập mặn phổ biến, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người và đe doạ sụt lún tại nhiều nơi.
Việc khai thác nước ngầm tuỳ tiện còn là cơ hội cho các chất ô nhiễm xâm nhập sâu vào lòng đất, gây suy giảm chất lượng nước.
Bảo vệ an ninh nguồn nước
Mặc dù có trữ lượng lớn nhưng nước ngầm không phải là tài nguyên vô hạn. Nếu không biết khai thác hiệu quả, đến một lúc nào đó, các mạch nước ngầm sẽ biến mất và con người sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước cục bộ.
Vì thế, để sử dụng bền vững nguồn nước ngầm, giảm thiểu tối đa lượng nước khai thác là vô cùng quan trọng.
Để thực hiện được điều này, ngoài việc quản lý khai thác nguồn nước ngầm theo quy hoạch, giám sát chặt chẽ; Trám lấp giếng khoan không sử dụng để hạn chế thâm nhập các chất độc hại đến mạch nước ngầm thì việc sử dụng nguồn nước mặt thay thế nước ngầm là tất yếu.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có định hướng phát triển: “Quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu…”. Nhà nước cũng có nhiều chính sách cụ thể về việc hạn chế khai thác nước ngầm.
Một nguồn nước ngầm được khai thác |
Trước năm 2016, tổng công suất các nguồn cấp nước tập trung của thành phố Hà Nội khoảng 900.000 m3/ngày đêm; Trong đó nguồn nước ngầm công suất khoảng 700.000 m3/ngày đêm, nguồn nước mặt khoảng 200.000 m3/ngày đêm.
Nguồn nước ngầm tại Hà Nội có công suất khai thác hiện nay là 780.000 m3/ngày đêm. Trường hợp khai thác quá mức sẽ dẫn đến việc hạ thấp mực nước, gây ra tình trạng sụt lún mặt đất, chất lượng nước ngầm suy giảm, ô nhiễm asen trong các tầng chứa nước; Xâm nhập nước mặt ô nhiễm… gây hệ quả đến các công trình xây dựng, môi trường sống và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng dân cư.
Theo Quyết định số 554/QĐ-TTg ngày 6/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quan điểm lập điều chỉnh quy hoạch là ưu tiên nguồn nước mặt, khai thác hợp lý nguồn nước ngầm. Trong đó, thành phố dự kiến khai thác nguồn nước ngầm giai đoạn đến năm 2025 là khoảng 615.000 m3/ngày đêm; Đến năm 2030 khoảng 504.00 m3/ngày đêm và đến năm 2050 khoảng 413.000 m3/ngày đêm.
Tại thời điểm năm 2022, 3 nhà máy sản xuất từ nguồn nước mặt thì công suất đạt 750.000 m3/ngày đêm, chiếm 49% sản lượng nước sạch cung cấp cho thành phố Hà Nội. Việc bổ sung nguồn nước mặt vào hệ thống cấp nước của các đơn vị lưu thông để cấp nước cho thành phố được thực hiện theo lộ trình giảm dần lượng khai thác nước ngầm theo quy hoạch.
Một chiếc máy khoan giếng thô sơ người dân dùng để đào giếng lấy nước ngầm |
So với thời điểm trước đây, cơ cấu nguồn nước mặt tăng lên, giảm khai thác nguồn nước ngầm. Khi thay nguồn nước mặt để bổ sung nguồn cấp cho các đơn vị và dần thay thế các nguồn giếng ngầm không đảm bảo chất lượng sẽ dẫn đến giá thành sản xuất và lưu thông nước sạch tăng do chi phí sản xuất nước mặt cao hơn chi phí sản xuất nước ngầm.
Thực tế, việc đảm bảo việc khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn nước ngầm, an ninh nguồn nước và ngăn ngừa tình trạng sụt lún mặt đất là điều cấp thiết hiện nay.
Theo đó, việc điều chỉnh giảm dần quy mô khai thác nước ngầm theo đúng quy hoạch Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 544/QĐ-TTg ngày 6/4/2021 về điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo việc khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn nước ngầm và thay thế bằng nguồn nước mặt từ các Nhà máy nước mặt công suất lớn (Nhà máy nước mặt Sông Đuống, Sông Đà và Sông Hồng) sẽ góp phần bảo vệ an toàn nguồn tài nguyên nước; Hạn chế các hiện tượng sụt lún do khai thác quá mức gây ảnh hưởng tiêu cực đến các công trình xây dựng và môi trường sống của người dân trên địa bàn; Bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước ngầm sẽ là việc làm trọng tâm để tồn tại và thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng. Cùng với đó, an ninh nguồn nước sẽ được đảm bảo khi nguồn nước mặt có sự cố.