Khẳng định hơn nữa vị trí, vai trò của Mặt trận trong lòng Nhân dân
Công tác giám sát, phản biện xã hội phải được nâng lên một “chất mới”
Thảo luận tại hội nghị, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa xã hội – Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận định: Trong năm 2022, việc nắm bắt, phản ánh tình hình Nhân dân được MTTQ các cấp thực hiện tốt hơn. Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân trước Quốc hội ngày càng có chất lượng.
Tuy nhiên cử tri cũng cho rằng một số tổ chức thành viên của Mặt trận nắm bắt tình hình của đoàn viên, hội viên chưa chắc nên để xảy ra một số vụ việc đáng tiếc như ở ở Cục lãnh sự - Bộ Ngoại giao, một số sứ quán, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo…
Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa xã hội – Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Túc thảo luận tại hội nghị |
Bởi vậy, trong năm 2023, ông Nguyễn Túc đề nghị hệ thống MTTQ các cấp cần nắm chắc tình hình các tầng lớp Nhân dân, nhất là những đối tượng đang có nhiều tâm tư hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục; Quan tâm hơn nữa tới việc chỉ đạo xây dựng đô thị văn minh bởi tình hình trật tự, an toàn xã hội ở các khu đô thị đang phát sinh nhiều vấn đề làm Nhân dân lo lắng.
“Cần làm tốt công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của Nhân dân và tổ chức các Hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với Nhân dân để giúp cho Đảng gần dân, sát dân hơn; Đồng thời cần chủ động tham gia giám sát, phản biện xã hội đối với việc sử dụng đất công”, ông Nguyễn Túc đề nghị.
Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm thì cho rằng, MTTQ Việt Nam cần đưa ra giải pháp, phương hướng cụ thể để phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân và thể hiện vai trò nòng cốt trong phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Nội dung này cần được làm rõ trong phương hướng nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong năm 2023, qua đó góp phần khẳng định vị trí, vai trò của Mặt trận trong lòng Nhân dân.
“Công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam phải được nâng lên một “chất mới”, không chỉ dừng lại ở đóng góp ý kiến, kiến nghị mà cần đi đến cùng của quá trình giám sát, phản biện xã hội, phải có nhận xét, kết luận, đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm của chính quyền cùng cấp”, ông Huỳnh Đảm gợi mở.
Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại hội nghị |
Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, thời gian tới, MTTQ Việt Nam cần phát huy vai trò nòng cốt của Hội đồng tư vấn trong công tác giám sát, phản biện xã hội; Cần có sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của các Hội đồng tư vấn.
“Thực tế hiện nay, hoạt động của các Hội đồng tư vấn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vẫn còn chia cắt, nhiều địa phương khi tiếp xúc với các thành viên của Hội đồng tư vấn vẫn còn băn khoăn về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng tư vấn. Vì vậy, MTTQ Việt Nam cần có sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của các Hội đồng tư vấn; Đồng thời cần phát huy vai trò nòng cốt của Hội đồng tư vấn trong công tác giám sát, phản biện xã hội để nâng cao chất lượng của công tác này trong thời gian tới”, ông Đỗ Duy Thường nói.
Cũng theo ông Đỗ Duy Thường, MTTQ Việt Nam cần tăng cường tổ chức các đoàn giám sát, kiểm tra của Đoàn Chủ tịch đối với hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp. Hiện nay, trong Luật MTTQ Việt Nam và các văn bản liên quan mới chỉ quy định về cơ chế pháp luật mà thiếu đi cơ chế thực thi; Giám sát, phản biện xã hội chưa có quy trình hướng dẫn cụ thể của Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam. Do đó, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng cần chú trọng ban hành các cơ chế về đổi mới tổ chức, hoạt động giám sát, góp phần vào thực hiện đổi mới nội dung, phương thức, hoạt động của Mặt trận.
Các đại biểu trao đổi tại hội nghị |
Phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức, cá nhân
Về chương trình phối hợp thống nhất hành động năm 2023, ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng cho rằng, MTTQ Việt Nam còn có vai trò quan trọng trong phản biện các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.
Thời gian qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức nhiều hội nghị lớn, với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học để góp ý nhiều văn bản. Do đó, tại nội dung này nên bổ sung các tổ chức thành viên bên cạnh các tổ chức chính trị - xã hội để ghi nhận cũng như phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các tổ chức này đóng góp cho các hoạt động của MTTQ Việt Nam trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Phương Nga Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho rằng, việc xây dựng văn hóa hòa bình, giáo dục văn hóa hòa bình trong gia đình, nhà trường cần được đưa vào chương trình phối hợp hành động để góp phần giảm thiểu tỉ lệ tội phạm trong thời gian tới; Đồng thời cần nhân rộng các điển hình về xây dựng đô thị văn minh, bảo vệ môi trường, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến các mô hình phân loại rác thải sinh hoạt, rác thải hữu cơ ngay tại nguồn. Việc làm này cần có sự phối hợp thống nhất để đảm bảo tính hệ thống trong các cấp, các ngành giúp giảm thiểu lãng phí tài nguyên.
Các đại biểu biểu quyết thông qua các dự thảo báo cáo trình Hội nghị Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam |
Các ý kiến tại Hội nghị cũng đề nghị MTTQ Việt Nam sẽ quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác Phật sự của Giáo hội Phật giáo để đem lại lợi ích thiết thực nhằm duy trì phong tục tập quán, lễ nghi tốt đẹp, đặc biệt Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn quan tâm đến việc giáo dục để Tăng, Ni, Phật tử cả nước biết và hiểu được giáo lý, giáo luật của Phật giáo và thể hiện tinh thần, trách nhiệm đối với đất nước và xã hội.
Cùng với đó, quan tâm tới công tác khuyến học, khuyến tài, đánh giá kết quả vận động nhân dân tham gia thi đua, học tập tại địa phương theo tinh thần Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; Tiếp tục đẩy mạnh vận động Nhân dân tham gia thi đua, học tập.
MTTQ Việt Nam cần tập trung góp sức cùng toàn Đảng, toàn dân tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên 2 khía cạnh. Một là tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền. Hai là đóng góp xây dựng hệ thống pháp luật để củng cố, góp phần xây dựng xã hội pháp quyền; Cần tổng kết về 10 năm thi hành Hiến pháp năm 2013, trong đó Điều 9 quy định về Mặt trận cần có sự nhìn nhận, tổng kết, đánh giá sâu sắc...